Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy:

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế

- Thứ Ba, 12/05/2020, 16:28 - Chia sẻ
Sáng nay 25.11, QH thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy cho rằng, còn nhiều nội dung cần thiết phải bổ sung, sửa đổi để phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.

Đối với việc bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” là một trong các tổ chức Giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự (Điều 12), đại biểu Ma Thị Thúy tán thành với phương án 1 được quy định tại điểm d khoản 4 Điều 12 dự thảo Luật. Đây là một trong các tổ chức Giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự, với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh. Đại biểu cho rằng việc bổ sung quy định trên sẽ góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử thu thập được trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Bởi theo quy định của pháp luật các nước, chỉ có cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, truy tố và xét xử) mới có quyền trưng cầu giám định tư pháp cả trong tố tụng hình sự và tố tụng dân sự. Tuy nhiên, thông thường thì trong án hình sự thì việc trưng cầu giám định chủ yếu do cơ quan điều tra thực hiện. Ở Việt Nam, theo quy định pháp luật hiện hành, Viện kiểm sát thực hiện chức năng điều tra; hơn nữa Viện kiểm sát cũng là cơ quan có thẩm quyền tham gia hoạt động tố tụng. Vì vậy, quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” là hợp pháp, hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế.


Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy phát biểu tại hội trường vể dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp

Đối với quy định tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập, ĐB Ma Thị Thúy cho hay, tại khoản 1, Điều 38 quy định: Tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay Chính phủ chưa có quy định cụ thể chính sách ưu đãi gì của Nhà nước đối với các tổ chức, văn phòng giám định tư pháp tư nhân. Nghị định Số: 85/2013 cũng chỉ đề cập đến việc hướng dẫn thi hành chi tiết tổ chức giám định tư pháp công lập. Từ thực tiễn hiện nay của Văn phòng Giám định tư pháp tư nhân đến nay cả nước mới chỉ có 1 Văn phòng Giám định tư pháp Sài Gòn (hoạt động trong lĩnh vực tài chính) được thành lập từ năm 2013 tại TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tư pháp cho thấy Văn phòng Giám định tư pháp Sài Gòn hoạt động cầm chừng, hạn chế do rất ít khi được cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu. Dẫn ví dụ từ Vương quốc Anh, cách đây 10-12 năm, Chính phủ Anh quyết định tư nhân hóa và cổ phần hoá (xã hội hoá) một số phòng thí nghiệm giám định kỹ thuật hình sự. Lợi ích ban đầu mang lại là khi tư nhân hoá, cổ phần hoá, Nhà nước thu một khoản tài chính lớn, tạo được sự cạnh tranh giữa các phòng thí nghiệm của nhà nước với tư nhân và giữa các phòng thí nghiệm tư nhân với nhau, huy động được nhiều lực lượng khoa học tham gia, có nhiều phát minh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được thực hiện để nâng cao năng lực giám định. Chính vì vậy, ĐB Ma Thị Thúy đề nghị Ban soạn thảo cần tổng kết thi hành việc thành lập tổ chức giám định tư pháp tư nhân ở nước ta hiện nay. Bổ sung các quy định về chính sách ưu đãi Nhà nước đối với các tổ chức, văn phòng giám định tư pháp tư nhân về: Thủ tục thành lập; thuế; đất đai; và đào tạo bồi dưỡng giám định viên tư pháp tư nhân trong dự thảo Luật này.

Tại quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước tại Điều 1 Khoản 21 dự thảo Luật có bổ sung nội dung “Thực hiện giám định tư pháp khi được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu”. Phó trưởng đoàn Ma Thị Thúy dẫn chiếu Hiến pháp năm 2013 và Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 không quy định Kiểm toán nhà nước có chức năng, nhiệm vụ thực hiện giám định tư pháp. Việc giám định tư pháp phải được thực hiện bởi các cơ quan quản lý nhà nước mà Kiểm toán nhà nước  không có chức năng quản lý nhà nước, nên việc bổ sung nhiệm vụ giám định cho Kiểm toán nhà nước trong dự thảo Luật này là không phù hợp với thực tiễn hoạt động của Kiểm toán nhà nước và không đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Vì vậy đại biểu cho rằng việc bổ sung nhiệm vụ giám định cho Kiểm toán nhà nước là không cần thiết.

Đối với việc áp dụng quy định trưng cầu giám định của cơ quan thanh tra Điều 2 của dự thảo Luật quy định: Trường hợp tổ chức giám định tư pháp, cơ quan, tổ chức chuyên môn quy định tại Luật này được cơ quan thanh tra trưng cầu giám định theo quy định của Luật Thanh tra thì áp dụng các quy định về tiếp nhận, thực hiện giám định và các quy định khác có liên quan của Luật này để thực hiện giám định. Kết luận giám định trong trường hợp này không phải là kết luận giám định tư pháp”, việc bổ sung quy định trên nhằm cụ thể hóa quy định tại Điều 48 và Điều 55 Luật Thanh tra và kịp thời phục vụ yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đại biểu cho rằng việc quy định nội dung này tại Điều 2 dự thảo Luật bổ sung là chưa hợp lý và đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung  nội dung này vào Điều 46 Luật Giám định tư pháp năm 2012, theo đó, giao các cơ quan quy định chi tiết về vấn đề giám định phục vụ hoạt động thanh tra cho phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thay vì quy định tại Điều 2 của dự thảo Luật hiện nay vừa không đảm bảo sự thống nhất về phạm vi điều chỉnh, vừa không bảo đảm logic về nội dung.

NHẬT ANH