Đối thoại cuối tuần

Sự vào cuộc đồng bộ giữa các cơ quan Đảng và Nhà nước

- Chủ Nhật, 06/05/2018, 08:19 - Chia sẻ
Trong thời gian qua, một số trường hợp bị bãi nhiệm tư cách ĐBQH, sau một thời gian ngắn làm nhiệm vụ. Nhìn nhận về hiện tượng này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Khóa XIII LÊ NHƯ TIẾN cho rằng, trong khi các cơ quan chức năng phải tuân thủ đúng quy định pháp luật, quy trình xử lý cán bộ, thì mỗi đại biểu nên có ý thức chọn giải pháp phù hợp hơn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của mình, tránh để cử tri bức xúc.

- Khi Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai thực hiện tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ Năm, có ý kiến cử tri nêu về sự tín nhiệm một ĐBQH trong khi thực hiện nhiệm vụ này. Ông đánh giá như thế nào về sự việc trên?

- Trong những ngày gần đây, khi Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh đi tiếp xúc cử tri, một số cử tri cho rằng bà không nên tham gia hoạt động này nữa, vì không còn đủ tín nhiệm với người bầu ra mình. Ý kiến nêu trên hoàn toàn xác đáng, vì trước cuộc tiếp xúc cử tri này, sau khi cân nhắc nhiều mặt, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã khẳng định, bà Phan Thị Mỹ Thanh có vi phạm rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân đồng chí. Ủy ban Kiểm tra trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh.

Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng; đề nghị Đảng đoàn QH chỉ đạo thực hiện các quy trình, thủ tục xem xét bãi nhiệm ĐBQH theo quy định của pháp luật. Vì vậy, QH có thể xem xét bãi nhiệm tư cách ĐBQH trong trường hợp này theo hai kịch bản. UBTVQH - cơ quan thường trực của QH giữa hai kỳ họp, được QH ủy quyền sẽ xem xét quyết định bãi nhiệm ngay chức danh Trưởng đoàn ĐBQH, tư cách ĐBQH, báo cáo với QH tại kỳ họp gần nhất. Hoặc, để QH thực hiện quyền quyết định bãi nhiệm tư cách ĐBQH trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ Năm. Phương án hợp lý hơn cả là UBTVQH sẽ xem xét, quyết định ngay việc bãi nhiệm chức danh Trưởng đoàn ĐBQH và tư cách ĐBQH của bà Phan Thị Mỹ Thanh. Nếu không đưa ra quyết định bãi nhiệm tư cách ĐBQH trước Kỳ họp thứ Năm, thì bà Phan Thị Mỹ Thanh sẽ vẫn thực hiện nhiệm vụ của Trưởng đoàn ĐBQH và của ĐBQH tỉnh Đồng Nai trong những ngày tới. Như vậy, một lần nữa sẽ lại gây bức xúc cho cử tri và dư luận xã hội.

- Theo Điều 38, Luật Tổ chức QH, ĐBQH có thể xin thôi thực hiện trách nhiệm của đại biểu vì lý do sức khỏe hoặc lý do khác. Như vậy, có lẽ bà Phan Thị Mỹ Thanh nên chủ động xin thôi thực hiện trách nhiệm đại biểu trước khi Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức các tiếp xúc cử tri vừa qua?

- Việc ĐBQH chủ động xin thôi thực hiện trách nhiệm của mình hoàn toàn khác với trường hợp bị QH bãi nhiệm tư cách và quyền ĐBQH. Trường hợp ĐBQH chủ động xin thôi thực hiện trách nhiệm của đại biểu có thể vì lý do sức khỏe, thay đổi điều kiện công tác... Bãi nhiệm tư cách ĐBQH là một hình thức kỷ luật của QH với người có tì vết, hay vi phạm pháp luật. Việc làm này thể hiện thái độ mạnh mẽ của QH đối với ĐBQH không còn giữ được phẩm chất cần có của một người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình, cũng như nhân dân cả nước.

Giá như, khi biết rõ khuyết điểm của mình, bà Phan Thị Mỹ Thanh đã chủ động làm đơn xin thôi giữ chức danh Trưởng đoàn ĐBQH và việc thực hiện trách nhiệm đại biểu, thì sẽ không có sự việc đáng tiếc vừa qua. Bà Phan Thị Mỹ Thanh sẽ không cần tham gia hoạt động tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, khiến các đại biểu khác thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai phải lặng người khi nghe cử tri đánh giá về phẩm chất của một thành viên trong Đoàn. UBTVQH, QH chỉ có thể thực hiện việc bãi nhiệm tư cách ĐBQH theo đúng quy định pháp luật, tuân thủ quy trình xử lý cán bộ, nên rất cần ý thức trách nhiệm và sự chủ động của cá nhân đại biểu.

- Ngoài trường hợp của bà Phan Thị Mỹ Thanh, thì nhiều cán bộ khác cũng bị kỷ luật Đảng và đưa ra xử lý pháp luật trong đầu năm 2018. Ông đánh giá như thế nào khi cán bộ, đảng viên liên tục bị xử lý?

- Việc tiếp tục thực hiện kỷ luật Đảng, xử lý theo pháp luật với nhiều cán bộ trong thời gian gần đây cho thấy, công tác này được thực hiện quyết liệt, không loại trừ bất cứ người nào có vi phạm pháp luật. Tất nhiên, do liên quan đến sinh mệnh chính trị của cán bộ, đảng viên, nên công tác này được thực hiện thận trọng, chặt chẽ, có lớp lang, không nóng vội. Phải từ đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, mới đến kết luận của Ban Bí thư, rồi cơ quan chức năng có thẩm quyền khác của Nhà nước đều lần lượt vào cuộc, theo đúng quy định pháp luật.

Trong thời gian qua, các trường hợp cán bộ bị kỷ luật đảng, xử lý theo pháp luật đã tạo dấu ấn mạnh mẽ, tăng lòng tin với cử tri, người dân và đảng viên vào cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Việc xử lý các cán bộ này cũng cho thấy, những sai phạm, suy thoái, tự diễn biến của cán bộ, đảng viên được chỉ ra tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4, Khóa XII đã “tìm đúng địa chỉ” và quá trình chấn chỉnh bắt đầu “nóng” lên.

 - Xin cảm ơn ông!

 Trong thời gian qua đã có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các cơ quan của Đảng, của Nhà nước. Sau khi cơ quan Đảng đưa ra kết luận, thì UBTVQH đã triển khai họp để xem xét, đưa ra quyết định xử lý ĐBQH thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình. Nếu cá nhân có vi phạm hoạt động tại cơ quan hành pháp, thì bên hành pháp cũng tiến hành biện pháp xử lý phù hợp với thẩm quyền của mình. Các quyết định xử lý cán bộ về mặt Đảng, QH, Chính phủ, hay chính quyền địa phương đều được cử tri, người dân tán thành cao. Nhưng, giá như, các cơ quan có thẩm quyền có quyết định sớm hơn, thì sẽ không có việc bà Phan Thị Mỹ Thanh đi tiếp xúc cử tri, khiến cử tri phản ứng với người được mình bầu ra.

Phương Thủy thực hiện