Sự trỗi dậy của châu Á trong "cuộc chơi" tiền tệ toàn cầu
Cho đến nay, đồng đô la Mỹ vẫn là đồng tiền được giao dịch nhiều nhất thế giới bất chấp tình trạng thiếu chắc chắn xung quanh chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ. Nhưng các nước đã bắt đầu đẩy mạnh đa dạng hóa dự trữ sang các loại tiền tệ phi truyền thống của các nền kinh tế ổn định, được quản lý tốt hơn.
Xu hướng này cho thấy, cuối cùng đã xuất hiện một hệ sinh thái tài chính toàn cầu mạnh mẽ hơn với nhiều lựa chọn tiền tệ dự trữ. Trong cấu trúc mới ấy, châu Á đang vươn lên như một lực lượng tiềm năng.
Những quyết sách gần đây ở Washington một lần nữa lại làm dấy lên những câu hỏi, vốn đã được đặt ra từ trước, về tương lai của hệ thống tiền tệ quốc tế. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã gửi đi những tín hiệu trái chiều về ý định của mình đối với đồng đô la khi một số quan chức Hoa Kỳ tuyên bố về những lợi ích của việc duy trì tỷ giá hối đoái đô la yếu hơn và cho rằng, nền kinh tế Mỹ đang phải “gánh” trên vai trách nhiệm quá lớn với vai trò dự trữ toàn cầu của đồng đô la. Đồng thời, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đe dọa sẽ áp đặt thêm thuế quan đối với các quốc gia có chính phủ tích cực khuyến khích các lựa chọn thay thế cho đồng đô la trong dự trữ và thực hiện thanh toán xuyên biên giới.

Hai kịch bản xấu
Hiện nay, mức thuế quan đối ứng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố vào ngày 2/4 và những biến động sau đó trên thị trường tài chính tiếp tục đặt ra câu hỏi về việc liệu Hoa Kỳ có còn là đối tác kinh tế đáng tin cậy của các quốc gia khác hay không và liệu các nước này có thể tiếp tục dựa vào đồng đô la Mỹ một cách an toàn hay không?
Những bất ổn này đã khiến các nhà quan sát phải cân nhắc đến một số kịch bản. Kịch bản cực đoan nhất - mà hầu hết các nhà hoạch định chính sách và những người tham gia thị trường tài chính tin là khó có khả năng xảy ra, sẽ liên quan đến việc các chính phủ và ngân hàng trung ương từ bỏ đồng đô la như một loại tiền tệ quốc tế và dự trữ một loại tiền tệ thay thế, chẳng hạn như đồng euro hoặc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Tuy nhiên, như đã nói, kịch bản này được đánh giá là không hợp lý vì đồng đô la Mỹ đã ăn sâu vào hệ thống tiền tệ và tài chính toàn cầu.
Cả đồng Euro lẫn đồng nhân dân tệ - hay bất kỳ loại tiền tệ nào khác - đều không thể thay thế hoàn toàn cho đồng đô la dưới dạng dự trữ ngoại hối và các khía cạnh khác. Đó là bởi tại, các nước khu vực đồng Euro không thể cung cấp đủ trái phiếu chính phủ bằng đồng euro được xếp hạng AAA dành cho các ngân hàng trung ương bên ngoài khu vực đồng euro. Trong khi đó, thị trường tài chính của Trung Quốc được đánh giá là chưa hoàn toàn mở cửa và dễ tiếp cận với phần còn lại của thế giới.
Một kịch bản khác ít cực đoan hơn là các ngân hàng trung ương tiếp tục đa dạng hóa danh mục dự trữ của họ, sử dụng thêm nhiều lựa chọn khác ngoài đồng Đô la Mỹ. Trên thực tế, họ đã thúc đẩy quá trình đa dạng hóa này trong một phần tư thế kỷ qua và hiện có thể tăng tốc để ứng phó với những bước ngoặt đột ngột bất lợi đến từ Chính quyền Donald Trump và những chính sách ngày một khó đoán.
Xu hướng đa dạng hóa dự trữ tiền tệ
Vào năm 2000, Giáo sư Barry Eichengreen (Đại học California) và các đồng nghiệp của ông đã tiến hành một nghiên cứu và chỉ ra rằng, kể từ đầu thế kỷ, các nước đã có xu hướng đa dạng hóa dự trữ, nhưng không phải đối với 3 loại tiền tệ chính trong giỏ tiền tệ dự trữ quốc tế lớn nhất là đồng Euro, bảng Anh và yên Nhật, mà đối với các loại tiền tệ dự trữ phi truyền thống. Trong số đó, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc chiếm 25% tỷ lệ đa dạng hóa, và 75% còn lại được các ngân hàng trung ương lựa chọn là các loại tiền tệ của các nền kinh tế nhỏ hơn, tương đối mở cửa và được quản lý tốt, bao gồm cả đồng đô la Australia.
Lý do rất đơn giản, những đồng tiền này, cũng giống như các quốc gia phát hành chúng, tương đối ổn định, được quản lý tốt và mang lại lợi ích về đa dạng hóa. Một số đặt cược vào đồng tiền Trung Quốc, bởi chúng tăng giá khi nền kinh tế Trung Quốc mạnh lên. Chúng cung cấp khả năng tiếp xúc với Trung Quốc mà không cần bên phát hành phải mua nhân dân tệ.
Trên thực tế, nhiều đồng tiền trong số này đã mang lại lợi nhuận dương trong giai đoạn trước đại dịch Covid-19, khi lãi suất của 4 đồng tiền dự trữ lớn thế giới bằng không, gần bằng không, hoặc thậm chí dưới không.
Tỷ lệ các loại tiền tệ phi truyền thống trong dự trữ ngoại hối được phân bổ trên toàn thế giới tiếp tục tăng kể từ năm 2020. Đô la Australia, đô la Canada và nhân dân tệ Trung Quốc vẫn là những loại tiền tệ dự trữ phi truyền thống hàng đầu, tiếp theo là đồng won Hàn Quốc, đô la Singapore và các loại tiền tệ của khu vực Scandinavia.
Điều thú vị là kể từ cuối năm 2020, đồng đô la Australia và đồng nhân dân tệ Trung Quốc đều mất thị phần. Thị phần của đồng đô la Australia giảm từ 20% xuống 17%, và thị phần của đồng nhân dân tệ giảm từ 25% xuống 18% trong tổng số tiền dự trữ phi truyền thống. Ngược lại, đồng won Hàn Quốc đã giành được thị phần đáng kể, tăng từ 8% lên 12%.
Có những lý do để xem xét xu hướng đa dạng hóa dự trữ theo hướng tích cực. Tương tự như cách đa dạng sinh học tạo nên một hệ sinh thái mạnh mẽ, một nền kinh tế toàn cầu với nhiều đơn vị phát hành tiền tệ dự trữ có thể mang lại nguồn cung thanh khoản quốc tế mạnh mẽ hơn. Châu Á, với tư cách là một phần quan trọng của nền kinh tế thế giới thế kỷ XXI, đang đóng vai trò quan trọng. Vai trò đó có thể không chỉ được đảm nhận bởi các loại tiền tệ của các nền kinh tế lớn ở châu Á, chẳng hạn như đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng yên Nhật, mà còn bằng cách hỗ trợ các đồng tiền như đồng đô la Australia và đồng won của Hàn Quốc.