Sự trở lại của Cuba

Huỳnh Vũ 17/02/2016 08:22

Sau nhiều thập kỷ bị các cường quốc phương Tây cô lập, Cuba đang đóng vai trò ngày càng lớn trong việc xây dựng và hàn gắn các mối quan hệ quốc tế.

Cuộc gặp thiên niên kỷ ở La Habana

La Habana vừa chủ trì cuộc gặp lịch sử giữa Giáo hoàng Francisco và Đức Thượng phụ Kirill của Giáo hội Chính thống Nga. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa người đứng đầu hai nhánh giáo hội này trong gần một 1.000 năm trở lại đây, sau cuộc ly giáo năm 1054. Cả hai nhà lãnh đạo tôn giáo đều hoan nghênh việc Cuba trở thành nước chủ trì cuộc gặp, ca ngợi đây là “cầu nối giữa phương Nam và phương Bắc, phương Đông và phương Tây”. Giáo hoàng Francis nói: “Nếu tiếp tục có những đóng góp như vậy, Cuba sẽ trở thành trung tâm của sự thống nhất”. Bản thân Giáo hoàng Francis cũng là người đóng vai trò then chốt trong tiến trình hòa giải giữa La Habana và Washington.

Đức Thượng phụ Kirill của Nga và Đức Giáo Hoàng Francis cùng ký Tuyên bố chung Nguồn: IBtimes
Đức Thượng phụ Kirill của Nga và Đức Giáo Hoàng Francis cùng ký Tuyên bố chung
Nguồn: IBtimes

Cuộc gặp này càng trở nên quan trọng trong bối cảnh Nga - đồng minh cũ của Cuba - và phương Tây đang có nhiều căng thẳng liên quan đến các cuộc xung đột tại Syria và Ukraine. Sự trung lập của nhà nước Cuba dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Raul Castro, một người theo chủ nghĩa vô thần, được coi là yếu tố quyết định để La Habana đứng ra tổ chức các cuộc gặp lịch sử này.

 Không chỉ vậy, trong suốt ba năm qua, Cuba đã nhiều lần đứng ra tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình để chấm dứt cuộc xung đột vũ trang giữa Chính phủ Colombia và Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC). Hai bên đã nhất trí ký thỏa thuận hòa bình vào ngày 23.3 tới để chấm dứt nửa thập kỷ xung đột.  Cuba có thể cải thiện đáng kể hình ảnh của mình nếu nước này làm trung gian thành công cho một thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa Chính phủ Colombia và FARC trong năm nay.

Chính sách đối ngoại cởi mở

Song song với vai trò trung gian hòa giải, gắn kết, Cuba cũng đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại tích cực. Cuba đã xích gần lại cựu thù Mỹ một cách ngoạn mục, nhất là qua việc mở lại Đại sứ quán của hai nước ở La Habana và Washington vào mùa Hè 2015. Tuy nhiên, từ tháng 4.2014, La Habana cũng thảo luận với Liên minh châu Âu (EU) về việc thiết lập một “khung đối thoại chính trị và hợp tác” nhằm chấm dứt những tranh cãi triền miên về vấn đề nhân quyền giữa hai bên. Chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Cuba Raul Castro đánh dấu một bước tiến mới trên con đường bình thường hóa quan hệ giữa Cuba với châu Âu.

Theo giới phân tích, chuyến thăm Paris đầu tháng 2 này là dịp để chính quyền Cuba tạo một vị thế quốc tế. Không phải vô cớ mà ông Raul Castro chọn Paris là nơi đầu tiên để viếng thăm. Chính nước Pháp đã thúc đẩy việc đạt được một thỏa thuận vào tháng 1.2015 về việc giải quyết các món nợ tổng cộng 16 tỷ USD của Cuba với các nước chủ nợ trong Câu lạc bộ Paris (từ năm 1986, Cuba đã không còn khả năng trả các món nợ này). Thỏa thuận về việc xóa nợ 8,5 tỷ USD của Cuba sẽ được chính thức ký kết nhân chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Raul Castro. Trong chuyến thăm này, Pháp còn có thể giúp Cuba tiếp cận một số thị trường tài chính, trong khi chờ Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận ban hành từ năm 1962 và từ lâu vẫn bị Pháp lên án.

Cho đến nay, Mỹ vẫn chưa dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Cuba (dù các biện pháp cấm vận đã được nới lỏng) nên các nhà đầu tư Mỹ vẫn chưa được tự do làm ăn với Cuba. Chính vì thế, Cuba cần đa dạng hóa quan hệ đối tác của mình để phát triển đất nước, và trong tương lai sẽ làm đối trọng với các nhà đầu tư Mỹ khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ. Nhưng đa dạng quan hệ với ai? Trước hết là với Liên minh châu Âu bởi đồng minh truyền thống Venezuela của Cuba hiện đã không còn khả năng để tham gia cuộc chơi mới. Có thể nói chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Raul Castro là có ý nghĩa chiến lược, có thể giúp thay đổi hình ảnh của Cuba trước các nhà đầu tư nước ngoài, những người muốn xóa bỏ các lệnh cấm vận và một số khác sẽ có cái nhìn tiêu cực về chính quyền Mỹ (do vẫn duy trì lệnh cấm vận đối với Cuba). Trước đó, chuyến thăm Cuba của Tổng thống Pháp Francois Hollande tháng 5.2015 mang tính lịch sử và là một sự “đột phá về chính trị” khi lần đầu tiên một tổng thống của phương Tây có cuộc hội kiến dài với Chủ tịch Cuba.    

Arturo Lopez-Levy, một nhà nghiên cứu chính trị người Cuba tại Đại học Texas, Rio Grande Valley, nhận định: “Từ một quốc gia bị cô lập ở phía Tây bán cầu, Cuba giờ đây đang dần trở thành một quốc gia đổi mới, có nhiều biến chuyển trong hợp tác và đối thoại với các cường quốc thế giới…”.

Nhà phân tích các vấn đề quốc tế Brian Fonseca tại Viện Jack Gordon ở Florida nói rằng Cuba đã trở thành “nơi diễn ra hai sự kiện quan trọng và nổi bật”. Theo ông, điều này “càng khẳng định vai trò trung gian của ông Raul Castro trong các vấn đề quốc tế”. Ông Castro từng thừa nhận mình là người theo chủ nghĩa vô thần, và Cuba chính thức là một nước vô thần tới khi đi theo con đường thế tục vào năm 1992. Tuy nhiên, cuộc gặp ngày 12.2 giữa Giáo hoàng Francisco và Đức Thượng phụ Kirill của Giáo hội Chính thống Nga đã phản ánh rõ nét vai trò thầm lặng của quốc gia này trong các vấn đề tôn giáo  nhân tố quan trọng tác động đáng kể tới bối cảnh chính trị thế giới. Ông Lopez-Levy nói: “Tại Cuba từ lâu đã có nhiều thay đổi, không chỉ về mặt kinh tế. Sự mở cửa của Cuba đã giúp họ đón tiếp cả Giáo hoàng, Đức Thượng phụ Giáo hội Chính thống Nga, chức sắc cấp cao đạo Tin lành, Giáo sĩ Hồi giáo cấp cao, hay thậm chí cả Giáo trưởng đạo Do Thái”.

Cuba đã khôi phục quan hệ ngoại giao với Mỹ từ năm 2015 và kể từ đó các doanh nghiệp nước ngoài đã bắt đầu đổ về đảo quốc xinh đẹp này. Tuy lệnh cấm vận thương mại mà Mỹ áp đặt với Cuba từ năm 1962 vẫn chưa được dỡ bỏ hoàn toàn song uy tín của La Habana trên trường quốc tế đã được tăng lên đáng kể. Sebastian Arcos - Giám đốc Viện nghiên cứu Cuba thuộc Đại học Quốc tế Florida - cho rằng điều mà những người dân thường Cuba mong muốn là uy tín ngày càng tăng trên trường quốc tế sẽ góp phần mang tới những cơ hội lớn về kinh tế cho Cuba.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sự trở lại của Cuba
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO