Sự tích đền Kim Lan
Dọc đường về kinh đô chữa bệnh cho Thế Tử của họ Trịnh lúc ấy là Trịnh Cán, sau khi rời Kim Khê (nay thuộc địa phận thành phố Vinh, Nghệ An), Hải Thượng Lãn Ông đến cầu Kim Lan. Cầu này nằm gần biển, ở phía Bắc tỉnh Nghệ An. Cách cầu không bao xa, có một ngôi miếu cổ, cũng gọi là miếu Kim Lan. Sách Thượng kinh ký sự (ghi chép những việc trên đường về kinh – tác phẩm của cụ viết trong chuyến đi ấy) chép:
“Ngày 23 tháng Giêng năm 1782, xuất hành từ lúc tinh mơ và chẳng mấy chốc thì tới cầu Kim Lan. Mọi người cùng nhìn ra hướng biển, bái vọng ngôi miếu cổ ở phía ấy. Quan Văn Thư nói:
Tôi nghe đồn là miếu này thờ vị thần linh thiêng nhất Nghệ An, tiếc là từ xa tới, tôi chưa được nghe sự tích thế nào.
Tôi nói:
Trước kia tôi từng đi qua đây, có hỏi các cụ già và được nghe kể lại. Đành là truyền miệng, trước sau có sai lạc nhưng nếu đem so với sử thì cũng chẳng ngoa. Tống sử viết là sau khi đánh nhau với quân Kim (1) bị thua, Trương Thế Kiệt cõng Đế Bính chạy ra biển, rồi chẳng may gặp bão, thuyền đắm mà chết cả(2). Hoàng hậu và hai cô Công chúa bám được vào ván thuyền, nhờ đó trôi dạt dần vào bờ. Có người trong làng này trông thấy, liền liều mình cứu được. Sau, người cứu vớt này có tình ý mờ ám, liền bị Hoàng hậu nghiêm mặt cự tuyệt. Người ấy xấu hổ quá, nhảy xuống biển tự tử. Hoàng hậu than rằng: “Ta nhờ người mà sống, bây giờ người lại vì ta mà chết, ta lòng nào mà sống nữa”. Nói rồi, bèn nhảy xuống biển tự tử. Hai cô Công chúa thương khóc thảm thiết rồi cũng nhảy xuống biển chết theo. Về sau, hồn thiêng những người này rất linh, dân ven biển lập miếu thờ làm thần, hương khói từ ấy đến nay chưa bao giờ dứt cả.
Quan Văn Thư nghe kể, cứ than thở mãi không thôi. Tôi liền đọc một đôi câu đối như sau:
Đại Tống cơ đồ thiên cổ hận,
Nam thiên vũ trụ tứ thời xuân.
Nghĩa là:
Cơ đồ Đại Tống ngàn năm hận,
Trời đất nước Nam mãi mãi xuân.
Lời bàn: Dẫu phải gấp bước về kinh đô Thăng Long mà lòng vẫn nặng mối u hoài với ngôi miếu cổ, Hải Thượng Lãn Ông quả là bậc phi phàm, vòng danh lợi chẳng thể nào cương tỏa nổi.
Chàng ngư phủ vô danh, bà Hoàng hậu và hai cô Công chúa đều là những người tiết nghĩa. Liều mình cứu sống một lúc ba người gặp nạn ngoài biển, sau chỉ vì chút xấu hổ mà trầm mình, hai việc xử với người và xử với mình như vậy, kể cũng đủ xếp chàng ngư phủ vô danh kia vào hàng đại dũng, cổ kim chưa dễ đã có mấy ai làm được đâu. Bà Hoàng Hậu lúc đầu nghiêm mặt là để giữ tiết hạnh, sau lao xuống biển là để giữ cái nghĩa của người được mang ơn, bà Hoàng mà làm được như vậy, Đông Tây ngàn thuở mới có được một người vậy. Còn như cả hai cô Công Chúa, nước mất nhà tan, không tự tìm chốn nương thân mà tự hủy thân xác, kể cũng cảm kích lắm thay !
Dân thờ thần chưa hẳn là tin rằng trên đời quả có thần, có thánh. Song le, thờ tiết nghĩa thì tiết nghĩa sinh sôi, thờ cái đẹp thì cái đẹp nảy nở. Thế mới biết, ở sau hương khói mờ ảo, có cái gì đó thơm mãi với ngàn năm.
________________
1. Nguyên bản nhầm. Phải nói là giặc Nguyên mới đúng.
2. Nguyên bản nhầm. Bấy giờ, tể tướng của nhà Tống là Lục Tú Phu đã cõng Đế Bính nhảy xuống biển tự tử. Đại tướng Trương Thế Kiệt dẫn Hoàng hậu cùng hai cô Công chúa và một số người khác, vượt biển trốn sang nước ta. Dọc đường, thuyền bị bão, chỉ còn ba người sống sót như đã nói ở trên.