Quốc tế

Sự thức tỉnh chiến lược của châu Âu

Hồng Nhung 23/07/2025 07:11

Từ thương mại đến quốc phòng, từ niềm tin công chúng đến định hướng phát triển, châu Âu đang trải qua một giai đoạn định hình lại bản sắc - trong thế đối trọng với đồng minh truyền thống Mỹ.

trump_100days_europe.png
Lời cam kết “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Tổng thống Donald Trump dường như đang mang lại một hiệu ứng trái ngược ở bên kia Đại Tây Dương: thúc đẩy người châu Âu đoàn kết hơn. Nguồn: Getty Images

Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những thay đổi địa chính trị sâu sắc, sự trở lại của Tổng thống Mỹ Donald Trump với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” và các thông điệp mang tính đối đầu không chỉ gây ra những hệ lụy đối với quan hệ xuyên Đại Tây Dương, mà còn thúc đẩy một diễn biến ít ai ngờ tới: châu Âu, sau nhiều năm chia rẽ và khủng hoảng, đang dần tái định hình sự thống nhất nội khối và nâng cao vị thế toàn cầu.

Từ khủng hoảng lòng tin đến bước chuyển tích cực

Khi ông Donald Trump bước vào nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đầu tiên năm 2016, Liên minh châu Âu (EU) rơi vào thời kỳ u ám. Khi đó, niềm tin của công chúng đối với khối ở mức thấp kỷ lục, nước Anh vừa chọn rời EU sau cuộc trưng cầu ý dân gây chấn động, và nền kinh tế khu vực vẫn loay hoay với những hệ lụy kéo dài từ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Làn sóng chủ nghĩa dân túy dâng cao, còn các nỗ lực cải tổ của Brussels vấp phải sự hoài nghi và phản đối ngay từ bên trong.

Tuy nhiên, trong gần một thập kỷ qua, châu Âu đã dần vượt qua những rạn nứt. Từ giữa nhiệm kỳ đầu của ông Donald Trump đến nay, chỉ số niềm tin đối với EU ghi nhận mức tăng ổn định, đạt ngưỡng cao nhất trong vòng hai thập kỷ. Các lãnh đạo EU cũng chuyển hướng chiến lược: ký kết loạt hiệp định thương mại mới với các nền kinh tế đang lên như Indonesia, Mexico và Hàn Quốc; triển khai chính sách quốc phòng chung với sự ủng hộ của Canada, và thậm chí thiết lập lại quan hệ với Anh - quốc gia vốn đã chính thức rời khỏi khối từ năm 2020.

Xung lực từ thách thức

Không thể phủ nhận, chính sách đối ngoại cứng rắn và những phát ngôn gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trở thành một chất xúc tác đặc biệt cho tiến trình gắn kết nội khối EU. Tổng thống Mỹ từng công khai chỉ trích EU, cho rằng khối này được thành lập nhằm “gây tổn hại” cho nước Mỹ. Ông đã áp đặt hàng loạt mức thuế cao hơn với hàng hóa châu Âu và đe dọa áp thuế 30% đối với tất cả sản phẩm nhập khẩu từ EU - một động thái bị các quan chức châu Âu cảnh báo sẽ làm tê liệt quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương.

Không dừng lại ở thương mại, chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng liên tục gây áp lực buộc các nước châu Âu phải tăng chi tiêu quốc phòng, đồng thời bày tỏ nghi ngờ về cam kết của Mỹ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Gần đây, những phát biểu mang tính chế giễu từ giới chức Mỹ nhằm vào đồng minh châu Âu trong các cuộc trao đổi bị rò rỉ càng làm sâu sắc thêm sự chia rẽ.

Song chính trong bối cảnh đó, châu Âu lại tìm thấy lý do để đoàn kết - điều mà ông Jörn Fleck, Giám đốc cấp cao tại Viện nghiên cứu Atlantic Council gọi là “hiệu ứng đoàn kết quanh lá cờ EU”. “Có một nhận thức ngày càng rõ ràng rằng, suy cho cùng, các quốc gia châu Âu đều nhỏ bé. Châu Âu cần hợp lực và chia sẻ nguồn lực”, ông Fleck chia sẻ.

Bộ trưởng các vấn đề châu Âu Đan Mạch, bà Marie Bjerre thì nhận định: “Chúng tôi từng có quan hệ rất tốt với Mỹ. Nhưng giờ đây, khi bị áp thuế vô lý và bị xem là đồng minh không đáng tin, chúng tôi buộc phải tìm đến EU như một chỗ dựa”.

Một cuộc khảo sát gần đây do Ủy ban châu Âu thực hiện cho thấy, 74% người dân Đan Mạch tin tưởng EU - tăng 11 điểm phần trăm so với cách đây 5 năm. Xu hướng này cũng đang được ghi nhận ở nhiều quốc gia thành viên khác, từ Tây Âu đến Đông Âu, bất kể chính phủ của họ thân EU hay không.

Quốc phòng và thương mại - hai trụ cột tái cấu trúc

Sự thay đổi trong thái độ của công chúng với EU được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, trong đó có hai lĩnh vực nổi bật: quốc phòng và thương mại.

Về quốc phòng, xung đột tại Ukraine kể từ năm 2022 đã khiến nhiều nước châu Âu nhận ra sự mong manh của an ninh khu vực. Trước sức ép từ Mỹ, EU lần đầu tiên cho thấy quyết tâm xây dựng năng lực quân sự độc lập. Tháng 3/2025, Ủy ban châu Âu công bố kế hoạch cho vay chung trị giá 150 tỷ euro nhằm hỗ trợ các nước thành viên mua sắm khí tài. Bên cạnh đó, Brussels còn nới lỏng các quy định ngân sách, cho phép các nước tăng chi tiêu quốc phòng mà không vi phạm cam kết tài khóa.

Quan hệ song phương giữa các quốc gia lớn cũng được cải thiện đáng kể. Đức và Pháp đang phối hợp chặt chẽ hơn dưới thời Thủ tướng mới Friedrich Merz. Thậm chí, Anh, dù đã rời EU, cũng bày tỏ mong muốn tham gia chương trình mua sắm quốc phòng chung của khối.

Về thương mại, các mối đe dọa từ Washington đã buộc châu Âu phải đẩy mạnh vai trò của mình trên bàn cờ toàn cầu. Với tư cách là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, EU đàm phán thay mặt 27 quốc gia thành viên, tạo ra sức nặng đáng kể trong các hiệp định song phương và đa phương. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen không ngừng vận động các đối tác chiến lược, mở rộng hợp tác với Đông Nam Á, Mỹ Latin và các nền kinh tế mới nổi.

Thách thức từ bên trong

Dù có sự chuyển biến tích cực, EU vẫn đối diện nhiều câu hỏi mang tính tồn tại. Tăng trưởng kinh tế nội khối tiếp tục trì trệ, năng lực cạnh tranh bị Trung Quốc và Mỹ bỏ xa trong nhiều lĩnh vực công nghệ cốt lõi. Các quốc gia thành viên khác biệt lớn về chính sách, mô hình phát triển và ưu tiên chiến lược.

Ủy ban châu Âu đang cố gắng xây dựng ngân sách mới theo hướng ưu tiên đổi mới, đơn giản hóa thủ tục hành chính và cắt giảm rào cản đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, kết quả của các nỗ lực này vẫn chưa rõ ràng. Chủ tịch Ursula von der Leyen từng thẳng thắn thừa nhận trên báo Die Zeit (Đức): “Chúng ta cần một EU mới, dám bước ra thế giới và đóng vai trò chủ động trong việc định hình trật tự toàn cầu đang thay đổi”.

Một bài toán không kém phần khó khăn là đàm phán thương mại với Mỹ. Các nhà thương thuyết EU đang chạy đua để đạt thỏa thuận trước ngày 1/8 - thời hạn Tổng thống Trump đe dọa sẽ áp thuế 30%. Nếu không thể đạt đồng thuận, khối này sẽ phải cân nhắc đến các biện pháp trả đũa, làm gia tăng nguy cơ chiến tranh thương mại.

Giữ vững đà “hồi sinh”

Câu hỏi lớn đặt ra là: Liệu đà ủng hộ hiện nay đối với EU có mang tính nhất thời, hay mở đường cho một giai đoạn ổn định, mạnh mẽ hơn?

Việc các quốc gia ngoài EU, bao gồm cả ở Balkan và Đông Âu, tiếp tục bày tỏ mong muốn gia nhập là tín hiệu đáng khích lệ. Điều này cho thấy, bất chấp chỉ trích, mô hình của EU vẫn hấp dẫn về mặt thể chế và giá trị. Bà Ursula von der Leyen, trong một phát biểu đầy ẩn ý, đã nhấn mạnh: “Chúng tôi không có các ông trùm hay tài phiệt chi phối luật lệ”.

Trong thế giới đa cực, nơi các mối liên minh trở nên mong manh và chủ nghĩa đơn phương nổi lên mạnh mẽ, một châu Âu đoàn kết và độc lập có thể không chỉ là phản ứng chiến lược với áp lực từ bên ngoài, mà còn là một cơ hội lịch sử để tái định nghĩa vai trò của chính mình.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sự thức tỉnh chiến lược của châu Âu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO