Sự thật về ung thư vú ở nam giới: Chủ quan có thể giết chết chúng ta

Khi nói đến ung thư vú, hầu hết chúng ta đều chỉ nghĩ đến căn bệnh này ở phụ nữ. Nhưng sự thật là nam giới cũng mắc ung thư vú và sự chủ quan về căn bệnh này khiến các trường hợp thường được phát hiện muộn. Đây là chia sẻ và cảnh báo của Tiến sĩ Jamin Brahmbhatt, bác sĩ tiết niệu và bác sĩ phẫu thuật tại Cơ quan Y tế Orlando, đồng thời là cựu Chủ tịch Hiệp hội tiết niệu Florida, Mỹ.

Một vài năm trước, có một bệnh nhân nam đến gặp tôi và phàn nàn về tình trạng ngực to ra. Lúc đầu, chúng tôi nghĩ đó là tác dụng phụ của một trong những loại thuốc điều trị phì đại tuyến tiền liệt của anh ấy. Nhưng trong quá trình khám, tôi cảm thấy có gì đó không ổn ở một bên ngực. Tôi quyết định yêu cầu chụp x-quang tuyến vú để xem xét kỹ hơn. Kết quả cho thấy một điểm bất thường và tôi yêu cầu bệnh nhân phải đi khám bác sĩ chuyên khoa. Chẩn đoán cuối cùng cho thấy, bệnh nhân nam bị mắc ung thư vú.

Trên thực tế, ung thư vú ở nam giới có thể bị chẩn đoán nhầm hoặc rất dễ bị bỏ qua vì hiếm gặp. Do đó, hiểu biết về căn bệnh này và phát hiện sớm có thể cứu sống chúng ta.

Tại sao đàn ông chủ quan với bệnh ung thư vú?

Khi nói đến ung thư vú, hầu hết chúng ta đều nghĩ đó là căn bệnh dành riêng cho phụ nữ. Nhưng sự thật là nam giới cũng mắc ung thư vú. Nam giới chiếm khoảng 1% trong số tất cả các trường hợp ung thư vú, nghĩa là cứ 726 nam giới thì có 1 người được chẩn đoán mắc bệnh. Chẩn đoán này hiếm gặp ở nam giới, nhưng vẫn có rất nhiều nam giới mắc ung thư vú.

z5962545354714-2aa6d5a08bf1e3316848164fe8c37f39-9631-7643.jpg
Tỷ lệ mắc ung thư vú ở nam giới thấp hơn không có nghĩa là căn bệnh này kém nghiêm trọng

Một trong những thách thức lớn nhất với căn bệnh ung thư vú ở nam giới là nó thường không được chú ý. Rất nhiều bệnh nhân nam không nhận ra rằng họ có thể mắc ung thư vú và thực tế cũng không có hướng dẫn sàng lọc như đối với phụ nữ. Điều đó dẫn đến thực tế là, hơn 40% trường hợp ung thư vú ở nam giới khi được phát hiện đã ở giai đoạn cuối (Giai đoạn 3 hoặc 4).

Trên thực tế, các triệu chứng ở nam giới thường rất khó phát hiện: xuất hiện cục u, dịch tiết ở núm vú, thay đổi màu sắc da hoặc sưng quanh vùng ngực. Nếu nam giới nhận thấy bất kỳ thay đổi nào ở ngực, tuyệt đối không nên bỏ qua và tốt nhất cần đi khám chuyên khoa.

Vai trò của đột biến di truyền ở gen BRCA

Đột biến ở gen BRCA1 và BRCA2, vốn liên quan đến ung thư vú và buồng trứng ở phụ nữ, cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú ở nam giới. Khoảng 0,2% đến 1,2% nam giới có đột biến di truyền ở gen BRCA1 và 1,8% đến 7,1% nam giới có đột biến di truyền ở gen BRCA2 sẽ phát triển ung thư vú ở tuổi 70, trong khi khoảng 0,1% nam giới nói chung (không có đột biến) sẽ phát triển ung thư vú ở cùng độ tuổi.

Nam giới có đột biến BRCA2 có nguy cơ mắc ung thư vú là 7-8%, cao hơn nhiều so với nam giới nói chung. Do đó, nam giới có tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú, đặc biệt là những người có đột biến BRCA, nên cân nhắc xét nghiệm di truyền và cần cẩn thận hơn với bất kỳ thay đổi nào ở mô vú của họ.

Mối liên hệ giữa BRCA và ung thư tuyến tiền liệt

Những đột biến ở gen BRCA cũng làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới. Gần đây có một bệnh nhân rất trẻ tuổi đến phòng khám của tôi với một mối lo ngại mà nhiều người không ngờ đến ở độ tuổi của anh ấy: ung thư tuyến tiền liệt. Mẹ và chị gái của anh ấy đã được chẩn đoán mắc ung thư vú, và mặc dù mới ngoài 40, anh ấy vẫn yêu cầu xét nghiệm gen BRCA và xét nghiệm máu kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA), được dùng để tầm soát, chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến.

Trong khi chúng tôi chờ đợi kết quả xét nghiệm gen, kết quả xét nghiệm của anh ấy cao hơn dự kiến, điều này khiến xét nghiệm gen trở nên không còn quan trọng. Anh ấy đã tiến hành sinh thiết và kết quả xác nhận rằng anh ấy bị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu. Vì vậy, nếu gia đình bạn có tiền sử mắc bệnh ung thư vú, không chỉ những người phụ nữ trong gia đình cần biết, những người đàn ông trong gia đình cũng cần có sự phòng ngừa.

Ung thư vú ở nam và nữ có giống nhau không?

Ung thư vú ở nam và nữ có nhiều điểm tương đồng, nhưng cũng có một số điểm khác biệt chính. Vì nam giới có ít mô vú hơn nên ung thư thường gần thành ngực hơn, điều này có thể ảnh hưởng đến cách ung thư lan rộng. Tỷ lệ sống sót sau năm 5 đối với nam giới mắc ung thư vú là khoảng 77,6%, thấp hơn so với 86,4% ở phụ nữ, phần lớn là do phát hiện muộn.

Tuy nhiên, các phương pháp điều trị ung thư vú ở nam giới: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị - phần lớn là giống với ở nữ giới.

Sự khác biệt lớn nhất về căn bệnh này ở nam và nữ có lẽ là nhận thức. Thế giới đã có những chiến dịch tuyệt vời để nâng cao nhận thức về ung thư vú ở phụ nữ, nhưng căn bệnh này lại đang bị bỏ qua ở nam giới. Chúng ta cần phải thay đổi quan niệm và tâm lý này.

Ngay cả đàn ông cũng nên kiểm tra ngực thường xuyên

Hiện nay chưa có hướng dẫn chính thức cho nam giới để tự kiểm tra ngực nhưng nam giới có thể chủ động thực hiện các bước để theo dõi thông qua các kỹ thuật tự kiểm tra. Nên thực hiện các bước kiểm tra này vào cùng thời điểm mỗi tháng - có thể là cùng thời điểm với các bước kiểm tra tinh hoàn hàng tháng của bạn (để tầm soát ung thư tuyến tiền liệt).

8-signs-of-breast-cancer-in-men-1620-4545.jpeg
Nam giới cũng cần kiểm tra ngực thường xuyên để phát hiện dấu hiệu bất thường

Nếu nhờ người khác kiểm tra, chúng ta nên bắt đầu bằng cách cởi trần trước gương hai tay giơ sang hai bên hoặc lên cao, để kiểm tra bất kỳ bất thường nào như sưng tấy, cục u, vết lõm hoặc thay đổi màu sắc núm vú. Khi tự kiểm tra bằng tay, hãy nằm xuống và kê chiếc gối dưới vai, gối cánh tay ở bên ngực cần kiểm tra ra sau đầu. Dùng tay còn lại ấn nhẹ các ngón tay theo vòng tròn nhỏ trên toàn bộ vùng ngực và nách, tạo nhiều áp lực khác nhau và nhẹ nhàng bóp núm vú để kiểm tra dịch tiết. Nếu phát hiện bất kỳ thay đổi hoặc bất thường nào, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ chuyên khoa.

Chúng ta cần nhớ rằng, các bước tự kiểm tra này chỉ là gợi ý giúp nam giới xác định sớm các vấn đề tiềm ẩn vì việc phát hiện này có thể rất quan trọng, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao do tiền sử gia đình hoặc các yếu tố di truyền như đột biến BRCA.

Bước tiếp theo nếu phát hiện có u, cục

Nếu phát hiện bất thường, bước tiếp theo chúng ta cần tiến hành chụp x-quang tuyến vú hoặc siêu âm để đánh giá chi tiết khối u. Nếu hình ảnh cho thấy có điều gì đó đáng ngờ, chúng ta sẽ tiến hành sinh thiết. Trong quá trình sinh thiết, mô vú được phân tích dưới kính hiển vi để xác định xem đó là lành tính hay ác tính.

Dựa trên các phát hiện sinh thiết, bác sĩ có thể thảo luận về các phương án điều trị phù hợp, có thể bao gồm phẫu thuật, xạ trị hoặc các phương pháp khác, tùy thuộc vào giai đoạn và loại ung thư được tìm thấy trên hình ảnh sinh thiết. Tất cả các phương pháp điều trị này đều tương tự như những phương pháp được cung cấp cho phụ nữ được chẩn đoán mắc ung thư vú.

Vượt qua mặc cảm tâm lý giới tính về căn bệnh

Nam giới có một mặc cảm tâm lý nghiêm trọng đối với căn bệnh ung thư vú. Nhiều bệnh nhân nam cảm thấy xấu hổ hoặc vô cùng sốc khi được chẩn đoán mắc bệnh. Thậm chí, họ có thể cảm nhận được điều gì đó bất thường ở vùng ngực của mình, nhưng vì mặc cảm tâm lý hoặc vì không nghĩ rằng nam giới cũng bị ung thư vú, họ tự loại bỏ khả năng mắc bệnh và điều này có thể khiến họ ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ sớm hơn. Nhưng thực tế là ung thư không quan tâm đến giới tính của bạn, và bạn cũng nên như vậy. Phát hiện sớm là cách tốt nhất để ngăn chặn căn bệnh này, bất kể bạn là nam hay nữ. Chìa khóa là chúng ta phải cởi mở về bệnh tình của mình.

Điều quan trọng nhất mà nam giới có thể làm là chú ý hơn đến cơ thể của mình. Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như cục u, đau, sưng hoặc thay đổi ở vùng vú hoặc vùng ngực, tuyệt đối đừng bỏ qua. Hãy trao đổi với bác sĩ. Và nếu gia đình bạn có tiền sử mắc ung thư vú hoặc tuyến tiền liệt, hãy cân nhắc xét nghiệm di truyền.

Ung thư vú ở nam giới rất hiếm, nhưng điều đó không có nghĩa là nó ít nghiêm trọng hơn. Bằng cách nâng cao nhận thức trong tháng 10 - Tháng hành động nhằm nâng cao nhận thức về ung thư vú, chúng ta cần phá bỏ kỳ thị và khuyến khích nam giới trao đổi với bác sĩ sớm hơn. Đây là yếu tố quan trọng để giúp kiểm soát tốt căn bệnh này.

Cha của nữ ca sĩ Beyonce chia sẻ câu chuyện chiến đấu ung thư vú

Vào năm 2020, chuyên gia âm nhạc Mathew Knowles, cha đẻ của nữ ca sĩ đình đám Beyoncé và Solange - tiết lộ mình đang chiến đấu với ung thư vú giai đoạn IA và hy vọng câu chuyện này có thể truyền cảm hứng cho mọi người cũng như giúp giảm thiểu sự thờ ơ, kỳ thị với căn bệnh ung thư vú ở nam giới.

Ông bắt đầu chú ý đến ngực của mình khi phát hiện những chấm máu trên áo phông trong nhiều ngày. Ban đầu, ông cho rằng đó chỉ là một vết bẩn và không bận tâm. Tuy nhiên, sau nhiều ngày, ông bắt đầu cảm thấy có sự bất thường và chia sẻ với vợ của mình.

z5962554563157-bfdc08f49644b9d110aabae24dddbd1c-2917-8597.jpg
Mathew Knowles, cha đẻ của nữ ca sĩ đình đám Beyoncé phát hiện bị ung thư vú năm 2019

Năm 1980, ông từng làm trong bộ phận y tế của Xerox với công việc bán Xeroradiography, phương thức hàng đầu cho bệnh ung thư vú thời điểm đó. Nhờ nhiều năm kinh nghiệm bán máy chụp CT và MRI, ông biết lúc đó, cứ 10 người phụ nữ thì một người mắc ung thư vú. Hiện tại, tỉ lệ này đã cao lên, cứ 8 người thì một người được chẩn đoán mắc bệnh.

Ngoài ra, theo tiền sử di truyền, dì ruột của ông đã mất do ung thư vú, hai con gái của người dì ấy, cũng đang phải chiến đấu với căn bệnh này. Do đó, Knowles luôn canh cánh trong lòng về ung thư vú và biết mình có thể có tỷ lệ nguy cơ mắc bệnh cao.

Sau nhiều kiểm tra sàng lọc như chụp X quang, sinh thiết..., tháng 7.2019, Knowles được chỉ định phẫu thuật ngay khi nhận kết quả BRCA, loại xét nghiệm di truyền được sử dụng để xác định nguy cơ phát triển ung thư vú. Do đó, Knowles quyết định thực hiện thêm các bước sàng lọc đối với tuyến tụy, gan và tuyến tiền liệt.

Knowles đã phẫu thuật cắt vú để giảm thiểu nguy cơ trong tương lai. Trên thực tế, không có trường hợp nào "khỏi ung thư hoàn toàn" (cancer-free), mọi thứ đều có rủi ro. Như vậy, sau khi thực hiện lần phẫu thuật này, nguy cơ tái phát ung thư vú của ông giảm từ 5% xuống còn 2%.

Chia sẻ câu chuyện của mình, ông Knowles muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của xét nghiệm gen. Nó giúp các bác sĩ ước tính khả năng mắc ung thư và từ thông tin đó, người bệnh sẽ nhận được hướng dẫn điều trị và giám sát chặt chẽ để ngăn chặn các nguy cơ trong tương lai. Ngay cả khi kết quả gen âm tính, người có nguy cơ cao cũng không được chủ quan, bởi đó có thể là dấu hiệu chưa được phát hiện.

Đặc biệt, ông muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc phát hiện ung thư sớm với xét nghiệm BRCA, ở cả nam và nữ. Nếu phát hiện ung thư vú ở giai đoạn I hoặc II, tỷ lệ tử vong sẽ thấp hơn, sau điều trị, người bệnh cũng có thể sống cuộc sống bình thường.

Knowles khuyên những bệnh nhân ung thư vú hãy tìm kiếm sự hỗ trợ và không nên cảm thấy mặc cảm vì là nam giới mắc bệnh. "Chúng ta hãy lên tiếng, chúng ta cần nói về nó sớm hơn. Tiếng nói cũng là sức mạnh. Khi bị bệnh, im lặng chính là nguy cơ".

Sức khỏe

Bệnh viện Đại học Y Dược - ĐH Quốc gia Hà Nội cơ sở Linh Đường: Ứng dụng công nghệ tiên tiến, robot trong khám, chữa bệnh
Sức khỏe

Bệnh viện Đại học Y Dược - ĐH Quốc gia Hà Nội cơ sở Linh Đường: Ứng dụng công nghệ tiên tiến, robot trong khám, chữa bệnh

Môi trường học thuật đa ngành, đa lĩnh vực của Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ làm nền tảng cho việc hiện thực hóa mô hình bệnh viện đại học gắn kết chặt chẽ với đào tạo, nghiên cứu khoa học với chuyển giao công nghệ, ứng dụng thực tế và áp dụng công nghệ cao.

Bộ Y tế đề nghị điều tra, xử lý vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Shinsung Vina Bắc Giang
Tin tức

Bộ Y tế đề nghị điều tra, xử lý vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Shinsung Vina Bắc Giang

Sau bữa liên hoan mừng ngày Phụ nữ việt Nam 20.10, nhiều công nhân của Công ty TNHH Shinsung Vina (Bắc Giang) xuất hiện tình trạng đau bụng, nôn, tiêu chảy, chóng mặt, sốt… Trong đó, có tổng cộng 83 người phải nhập viện khám, chưa phát hiện trường hợp chuyển biến nặng, ảnh hưởng đến tính mạng.

Hội nghị thu hút hơn 600 đại biểu đến từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long
Sức khỏe

Đề xuất phát triển mô hình bác sĩ gia đình tại Cần Thơ

Ngày 23.10, Sở Y tế TP. Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị Phát triển y tế cơ sở, nhằm báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25.10.2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở và đề ra các giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới

Đề xuất chương riêng về cơ quan quản lý dược
Kinh tế

Đề xuất chương riêng về cơ quan quản lý dược

“Thực trạng quản lý dược phẩm, vaccine, sinh phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc y học cổ truyền, thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang phân tán ở nhiều vụ, cục ở Bộ Y tế, không nhất quán về biện pháp quản lý, chồng chéo và tạo ra nhiều kẽ hở. Vì thế, cần có chương riêng về cơ quan quản lý dược.