Sự thận trọng cần thiết

- Thứ Bảy, 12/12/2020, 07:43 - Chia sẻ
Thảo luận về các dự thảo Nghị quyết hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại Phiên họp thứ 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vấn đề tăng số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND TP Hà Nội đã được đặt ra. Ghi nhận đây là đòi hỏi từ thực tế, song các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần tổ chức thêm một phiên họp cho ý kiến về vấn đề này, thậm chí có thể nghiên cứu ban hành nghị quyết hướng dẫn riêng.

Mất cân đối giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh?

Tại Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Chính phủ chỉ đề nghị tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách cho HĐND TP Hồ Chí Minh. Đề nghị này căn cứ theo quy định tại Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16.11.2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh và Thông báo kết luận số 174-TB/TW ngày 8.6.2020 của Bộ Chính trị về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

	Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Ảnh: Quang Khánh
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Ảnh: Quang Khánh

Tuy nhiên, qua nghe phản ánh của đại biểu tại Kỳ họp thứ 18, HĐND TP Hà Nội vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, nhiều ý kiến băn khoăn với quy định về đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Hiện nay, HĐND TP Hà Nội có tổng số đại biểu hoạt động chuyên trách là 18 đại biểu, bao gồm Chủ tịch HĐND, hai Phó Chủ tịch HĐND, Chánh Văn phòng HĐND, 4 Trưởng ban, 8 Phó trưởng ban và các Ủy viên chuyên trách tại các Ban của HĐND thành phố. Với số lượng nêu trên, thời gian qua, HĐND TP Hà Nội đã triển khai hiệu quả các hoạt động và được ghi nhận. Tuy nhiên, theo quy định mới sẽ giảm khoảng ½ số lượng đại biểu trong nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong khi đó, Hà Nội cũng đang thực hiện thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị cũng như một số cơ chế, chính sách tài chính, kinh tế đặc thù. Vì thế, HĐND thành phố nhiệm kỳ tới sẽ phải thực hiện khối lượng công việc lớn hơn nhiều so với nhiệm kỳ này. 

Dù Hà Nội có điểm khác so với TP Hồ Chí Minh, song với quy định dự thảo Nghị quyết được Chính phủ trình, HĐND TP Hồ Chí Minh có thể có tối đa 19 đại biểu hoạt động chuyên trách. Ở đây có sự mất cân đối giữa hai thành phố. Số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND TP Hồ Chí Minh lớn hơn, trong khi đó, Hà Nội còn là Thủ đô của cả nước và cũng đang xây dựng mô hình chính quyền đô thị. Nêu thực tế này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, nếu chưa thể tăng số lượng đại biểu chuyên trách thì cần có cơ chế để giữ như hiện hành, tức là 18 đại biểu chuyên trách để HĐND TP Hà Nội đủ sức thực hiện nhiệm vụ được giao. Tương tự với HĐND thành phố, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng cho rằng, cần tăng đại biểu chuyên trách với HĐND cấp quận, huyện trên địa bàn Thủ đô.

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, với địa bàn Hà Nội, chỉ nên tăng đại biểu chuyên trách của HĐND cấp quận, vì các nhiệm vụ của HĐND phường sẽ được giao cho HĐND quận thực hiện trong nhiệm kỳ 2021 - 2026. HĐND TP Hà Nội sẽ hoạt động bình thường như HĐND các tỉnh, thành phố khác. 

Phải đầy đủ thủ tục

Phân tích vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, theo quy định tại các nghị quyết liên quan của Quốc hội, TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện ngay mô hình chính quyền đô thị còn Hà Nội và Đà Nẵng là thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Đối với TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, trong nghị quyết có quy định tăng số lượng đại biểu chuyên trách, nhưng không tăng biên chế trong khi nghị quyết áp dụng với Hà Nội lại không có quy định này. HĐND TP Hà Nội đã có công văn gửi Bộ Nội vụ, song Bộ Nội vụ chưa có ý kiến để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Pháp luật chưa tiến hành thẩm tra được. Cho rằng, đề nghị của HĐND TP Hà Nội có cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, song do chưa được tiến hành đầy đủ quy trình, thủ tục như đã nêu, nên Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chưa thể đưa ngay vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn về việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng lưu ý, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 cũng như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định cụ thể về số lượng lãnh đạo HĐND, của các Ban thuộc HĐND cấp tỉnh và số đại biểu chuyên trách. Đối chiếu với các quy định hiện hành, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, khi HĐND TP Hà Nội có Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách sẽ chỉ có một Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách. Như vậy, theo quy định hiện hành, số lượng lãnh đạo hoạt động chuyên trách của HĐND TP Hà Nội chỉ có 2, khác với HĐND TP Hồ Chí Minh (Chủ tịch HĐND và hai Phó Chủ tịch HĐND đều hoạt động chuyên trách). Tương tự, với các Ban của HĐND, nếu Trưởng ban hoạt động chuyên trách sẽ có một phó trưởng ban là đại biểu chuyên trách, nếu Trưởng ban hoạt động kiêm nhiệm thì mới có hai Phó trưởng ban hoạt động chuyên trách. Như vậy, số lượng Trưởng, Phó các Ban của HĐND TP Hà Nội không thể thực hiện khác quy định của luật. Nhưng, Luật không quy định số Ủy viên của các Ban thuộc HĐND mà do HĐND quyết định. Trên cơ sở này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu gợi mở, HĐND TP Hà Nội có thể quy định số lượng Ủy viên các Ban của HĐND hoạt động chuyên trách để đáp ứng đòi hỏi thực tiễn. Thực hiện theo cách này sẽ không "vướng" luật, đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn hoạt động của cơ quan dân cử TP Hà Nội và tương ứng với TP Hồ Chí Minh.

Dù số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách đã được quy định cụ thể tại Luật hiện hành, song, việc nâng cao chất lượng hoạt động là mục tiêu xuyên suốt và liên tục được HĐND TP Hà Nội triển khai thực hiện thời gian qua. Đề nghị bảo đảm số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP Hà Nội là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, do chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sẽ lùi thời gian xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết này, dành thời gian lắng nghe ý kiến từ thực tế hoạt động của HĐND TP Hà Nội cũng như của các cơ quan chức năng. Đây là sự thận trọng cần thiết để bảo đảm quy trình xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm, cũng như tính khả thi của quy định.

Thanh Hải