Sự thận trọng cần thiết!

- Chủ Nhật, 11/10/2020, 06:24 - Chia sẻ
Tuần tới, trong phiên họp cuối chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh.

Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã được Chính phủ chuẩn bị, Ủy ban Pháp luật mới đây đã tiến hành phiên họp toàn thể theo hình thức trực tuyến để kịp thời thẩm tra chính thức dự thảo Nghị quyết này. Về quy trình, thủ tục trình dự thảo Nghị quyết ra Quốc hội - dù có hơi gấp rút nhưng cũng bảo đảm đầy đủ theo quy định và có thể chấp nhận được.

Sự cần thiết phải trình Quốc hội xem xét, ban hành một nghị quyết để tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh, đến thời điểm này, chắc ít người phản đối. Bởi đúng như lý lẽ đã được Chính phủ đề cập trong Tờ trình, mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt như TP Hồ Chí Minh.

Là địa phương có quy mô dân số gần chục triệu dân, quy mô kinh tế và cường độ hoạt động kinh tế lớn nhất cả nước, yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội, môi trường, an ninh, dân cư đòi hỏi TP Hồ Chí Minh phải tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hiện đại, có năng lực lập quy hoạch, kế hoạch, sử dụng hiệu quả các tài nguyên, phát triển các dịch vụ hạ tầng đồng bộ; có khả năng triển khai nhanh chóng, đồng bộ và hiệu quả các quyết định quản lý hành chính từ chính quyền thành phố đến chính quyền cơ sở, đến người dân, doanh nghiệp, khắc phục tình trạng cấp trung gian triển khai và hướng dẫn lại...

Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng đã có thực tiễn 7 năm (2009 - 2016) thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân ở tất cả huyện, quận, phường theo Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa X) và các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Những kinh nghiệm và bài học được đúc kết từ khoảng thời gian này chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho việc xây dựng, tổ chức mô hình chính quyền đô thị của thành phố trong thời gian tới.

Việc trình Quốc hội ban hành một nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị ở TP Hồ Chí Minh ở thời điểm này cũng rất thuận lợi bởi đến nay Quốc hội đã ban hành nghị quyết thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 2 địa phương là Hà Nội và Đà Nẵng.

Dù vậy, dự thảo Nghị quyết nêu trên vẫn còn nhiều điểm chưa thuyết phục. Ngay ở “chốt gác” đầu tiên của Quốc hội là Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chỉ ra nhiều nội dung “rất khó lý giải”, thậm chí là ngay từ tên gọi của dự thảo Nghị quyết.

Cụ thể là, Chính phủ đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh chứ không phải là “Nghị quyết thí điểm” như đối với Hà Nội và Đà Nẵng. Như vậy, nếu được Quốc hội thông qua, chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh sẽ được áp dụng chính thức, lâu dài ở các quận, phường. Lý giải về việc không có hai chữ “thí điểm”, Chính phủ cho là bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 đã quy định chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương.

Trở lại với hai nghị quyết mà Quốc hội đã ban hành đối với Hà Nội và Đà Nẵng. Tại sao lại phải là “thí điểm”? Là bởi, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã quy định rất rõ: Quốc hội chỉ có thẩm quyền “ban hành nghị quyết để thực hiện thí điểm một số chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành”. Nói cách khác, nếu theo Luật Ban hành VBQPPL thì không thể trình Quốc hội ban hành Nghị quyết như đề xuất của Chính phủ mà phải là một đạo luật riêng, tồn tại song song với Luật Tổ chức chính quyền địa phương để quy định về tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền TP Hồ Chí Minh. Tất nhiên, đi theo hướng này thì khó mà chuẩn bị kịp để trình Quốc hội thông qua theo quy trình rút gọn tại Kỳ họp thứ Mười tới được.

Liệu có thể áp dụng điều khoản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 như giải thích của Chính phủ không hay phải áp dụng quy định tại Luật Ban hành VBQPPL như Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chỉ ra?

Rõ ràng, vấn đề không chỉ là ở câu chữ mà còn là thẩm quyền của Quốc hội. Các Luật về tổ chức bộ máy được ban hành kể từ sau khi có Hiến pháp năm 2013 đã “mở” hơn rất nhiều so với giai đoạn trước để tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, miền núi... để chính quyền các địa phương không “mặc đồng phục”, làm mất đi sự năng động, sáng tạo trong thực hiện trách nhiệm quản lý, điều hành và phát triển địa phương mình.

Không chỉ TP Hồ Chí Minh “nóng ruột” với việc tổ chức chính quyền đô thị bởi sự phát triển của thành phố này sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển của cả nước. Nhưng tổ chức chính quyền địa phương chưa bao giờ là vấn đề đơn giản, nhất lại là với một địa phương có vai trò, vị trí đặc biệt như TP Hồ Chí Minh. Vì thế, vẫn nên trình Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm để có thể áp dụng được ngay mô hình chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh trong năm tới. Phương án này cũng là sự thận trọng cần thiết để có thể kịp thời điều chỉnh, xử lý những vướng mắc có thể phát sinh trong việc thực hiện chủ trương rất quan trọng này.

Hải Lam