Sự ổn định cần thiết

- Thứ Sáu, 23/07/2021, 06:41 - Chia sẻ
Sáng nay, 23.7, theo chương trình nghị sự, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026. Nhiều ý kiến cho rằng, việc giữ nguyên cơ cấu tổ chức của Chính phủ như nhiệm kỳ Khóa XIV là "sự ổn định cần thiết” vào lúc này.

So với cơ cấu nhiệm kỳ Chính phủ Khóa XIV, Tờ trình về cơ cấu của Chính phủ Khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 không có gì mới. Theo đó, cơ cấu tổ chức của Chính phủ vẫn gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ.

Nhìn lại nhiệm kỳ qua, cơ cấu tổ chức của Chính phủ được tổ chức theo mô hình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực bước đầu phát huy hiệu quả. Cơ cấu tổ chức bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ đã từng bước được sắp xếp, kiện toàn bước đầu tinh gọn, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các cơ quan, tổ chức được bổ sung, hoàn thiện, từng bước khắc phục sự trùng lặp, chồng chéo. Cùng với đó, các bộ, cơ quan ngang bộ đã quyết tâm thực hiện việc đổi mới phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân. Qua đó, nâng cao tính minh bạch và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực hiện công vụ, thực hiện tốt một nền hành chính thống nhất, thông suốt, liên tục, dân chủ, hiện đại, phục vụ Nhân dân.

Nhìn lại nhiệm kỳ qua, có thể khẳng định Chính phủ nhiệm kỳ Khóa XIV đã có nhiều nỗ lực và thành công trong điều hành, quản lý, tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, xã hội đất nước trong thời gian qua.

Trước tác động nhiều mặt của đại dịch Covid-19, nhiệm vụ đặt ra là phải bảo đảm song hành hai mục tiêu quan trọng, vừa phòng, chống, đẩy lùi dịch, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Trách nhiệm này đặt nặng lên vai của cả hệ thống chính trị, trong đó có nhiệm vụ rất lớn của Chính phủ nhiệm kỳ Khóa XV. Do đó, việc không xáo trộn, giữ ổn định cơ cấu, tổ chức Chính phủ lúc này là sự cần thiết.

Tuy vậy, để xây dựng Chính phủ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, một Chính phủ hành động, phục vụ nhân dân, đòi hỏi phải thật rõ chức năng, rõ nhiệm vụ và không được chồng chéo. Muốn vậy, mỗi bộ, ngành phải kiên quyết thực hiện theo yêu cầu của nghị quyết Trung ương về tinh gọn tổ chức bộ máy. Mỗi bộ, ngành phải rà soát tổ chức lại chức năng, nhiệm vụ, bộ máy của bộ, ngành mình cho vừa gọn, vừa tinh.

Trong Nghị quyết số: 56/2017/QH14 về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Quốc hội đã yêu cầu rõ, căn cứ vào các tiêu chí, nguyên tắc chung, bộ, cơ quan ngang bộ sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bên trong để giảm tối đa cấp trung gian, thu gọn đầu mối, giảm biên chế, giảm số lượng lãnh đạo cấp phó và người giữ "hàm" lãnh đạo, quản lý. Cùng với đó, sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở một số lĩnh vực tổ chức theo ngành dọc hoặc đã phân cấp cho địa phương quản lý. Không chuyển các vụ thành cục, tổng cục; không thành lập mới phòng trong vụ tham mưu thuộc bộ, cơ quan ngang bộ.

Việc giữ ổn định cơ cấu, tổ chức bộ máy của Chính phủ ở thời điểm này là cần thiết, như nhận định của Ủy ban Pháp luật là nhằm “tiếp tục phát huy ưu điểm và kết quả hoạt động của Chính phủ đã đạt được trong nhiệm kỳ Khóa XIV, bảo đảm yêu cầu chỉ đạo, điều hành trong điều kiện Chính phủ tập trung thực hiện mục tiêu kép”. Tuy nhiên, cần có những đổi mới mạnh mẽ trong cơ cấu tổ chức bên trong của từng bộ, ngành theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Và điều quan trọng là, hiệu quả quản lý điều hành phải được xác lập bởi cơ chế cá thể hóa trách nhiệm cá nhân người đứng đầu.

“Bình cũ” nhưng “rượu” phải mới! Nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội đã có, cử tri và Nhân dân mong rằng, trên cơ sở thành tựu của nhiệm kỳ Khóa XIV, Chính phủ nhiệm kỳ Khóa XV sẽ có nhiều đổi mới trong hoạt động với mục tiêu xây dựng Chính phủ phục vụ vì Nhân dân.

Hà An