Sự lơ là đáng trách!

- Thứ Tư, 05/05/2021, 07:10 - Chia sẻ
Các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh, thay vì phải cách ly tại doanh nghiệp, đã đi khắp nơi, tiếp xúc với vô số người. Bệnh nhân 2899 - người làm lây lan cả một ổ dịch cho cộng đồng - thay vì tự cách ly nghiêm túc thì đã mở tiệc liên hoan, ăn uống với nhiều người. Một thành viên tổ tuần tra kiểm soát Covid-19 cùng lực lượng Biên phòng thay vì làm tốt nhiệm vụ của mình, thì đã làm “nội gián” đưa 200 người xuất nhập cảnh trái phép. Trách nhiệm ấy phải được "chỉ mặt, đặt tên", không chỉ cá nhân gây ra mà còn người đứng đầu chịu trách nhiệm quản lý về việc đó, để tình trạng ấy không được phép tái diễn.

Để người dân bình yên trong đại dịch, rõ ràng đã phải đánh đổi rất nhiều thứ: từ nỗ lực lên phương án, giải pháp của Chính phủ, sự hy sinh của đội ngũ y tế, quân đội, các lực lượng liên quan, sự khốn khó của hàng vạn doanh nghiệp và hàng triệu người lao động… Không lý nào để sự vô ý thức, lơ là, chủ quan của một vài cá nhân, ở một vài địa phương khiến cho cả cộng đồng, toàn xã hội phải trả giá. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tại nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn có tâm lý lơ là, mất cảnh giác, không thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch, nhất là trong khâu quản lý, giám sát y tế trong và sau cách ly tập trung đối với bệnh nhân mắc Covid-19.

Tại cuộc họp vào chiều 30.4, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP. Hà Nội rất bức xúc bởi lúc phát hiện ca mắc Covid-19 thì lãnh đạo thành phố không liên lạc được với lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội). “Lúc nước sôi lửa bỏng thế này mà không gọi được. Thấy có cuộc gọi nhỡ không gọi lại”. Thực tế, chúng ta không thiếu các quy định về phòng, chống dịch nhưng chưa thể ràng buộc, cá thể hóa trách nhiệm và nhất là xử lý nghiêm minh các cá nhân có trách nhiệm, chấm dứt sự buông lỏng, lơ là, chủ quan mất cảnh giác từ chính những người có nhiệm vụ chống dịch.

Từ trước đến nay, trong dịch Covid-19, hầu như chưa có lãnh đạo địa phương nào phải chịu trách nhiệm khi dịch bùng phát, lan rộng ở địa phương mình rồi lan ra các địa phương khác. Trách nhiệm hầu như chỉ được quy cho một vài cá nhân là bệnh nhân. Điều đó đúng khi cá nhân đó là tác nhân trực tiếp làm lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng thì phải chịu trách nhiệm, nhưng chưa đủ. Vì trên thực tế, để xảy ra và khiến dịch lan rộng thì trách nhiệm còn thuộc về cơ quan chuyên môn cũng như chính quyền địa phương các cấp khi đã mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm. Phải quy được trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, tránh sự nhập nhằng giữa trách nhiệm cá nhân với trách nhiệm tập thể.

Không chỉ riêng CDC Hà Nội mà bất kỳ địa phương nào cũng phải lấy bài học từ Hà Nam và Yên Bái làm gương để chấm dứt sự lơ là, sơ suất trong phòng chồng dịch bệnh. Tại Hà Nam, ngoài việc xử phạt hành chính và xem xét xử lý hình sự bệnh nhân 2899, cơ quan chức năng tỉnh này đã đình chỉ công tác đối với Trạm trưởng Trạm y tế xã Đạo Lý và Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lý Nhân. Còn tại Yên Bái, Chủ tịch UBND tỉnh đã có quyết định tạm thời đình chỉ công tác đối với Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Yên Bái để kiểm điểm trách nhiệm và tiến hành quy trình xử lý kỷ luật theo quy định do có vi phạm khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ  phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể là việc quản lý khu cách ly tập trung của chuyên gia nước ngoài.

Trong 4 ngày nghỉ lễ, Thủ tướng 2 lần chủ trì cuộc họp khẩn của Thường trực Chính phủ. Thủ tướng nhấn mạnh: “Mọi sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác sẽ phải trả giá về tính mạng con người, sức khỏe cộng đồng, tiền của, cơ hội, phát triển kinh tế - xã hội, trật tự an toàn xã hội và niềm tin, uy tín với nhân dân”. Thủ tướng cũng chỉ đích danh một số địa phương lơ là trong công tác chống dịch, đề nghị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, xử lý theo quy định, kể cả xử lý trách nhiệm hình sự, theo tinh thần khách quan, công bằng, nghiêm minh.

Phải khẳng định lại rằng, rất cần xác định rõ trách nhiệm, không chỉ là bệnh nhân trực tiếp làm lây lan dịch, mà còn phải truy trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về kết quả phòng chống dịch cũng như phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đây cũng là cách giám sát để tránh sự lơi lỏng, thiếu trách nhiệm hay hội chứng “trên nóng dưới lạnh”.

Chi An