Gốm sứ là chất liệu hết sức gần gũi trong cuộc sống thường nhật qua đồ gia dụng, đồ nội thất, vật liệu kiến trúc, trang trí cảnh quan... Có lẽ vì vậy mà gốm sứ trở thành một chất liệu phản ánh nhân sinh, mang trầm tích văn hóa, dấu vết và biến chuyển thẩm mỹ của từng giai đoạn.
Từng xuất phát là một vật liệu "phục vụ đời sống", sơn mài đã được chuyển hóa thành một loại hình sáng tác khi được dùng làm chất liệu cho hội họa trong các lớp học của Trường Mỹ thuật Đông Dương những năm 1930. Còn gốm sứ, liệu chăng cũng có thể mang một diện mạo nghệ thuật của riêng nó?
Khi người tạo tác bắt đầu tách việc tạo hình ra khỏi những câu thúc về chức năng sử dụng, bắt đầu chất vấn chính những di sản văn hóa mà gốm sứ chứa đựng, cũng như mong muốn nói lên câu chuyện cá nhân, thì gốm sứ trở thành chất dẫn để suy tư về thế giới. Nghệ sĩ có những cách tiếp cận gốm sứ như thế nào? Quá trình sáng tác với gốm sứ có đặc thù gì so với những chất liệu khác?
Trò chuyện nghệ thuật Sứ lạ: Vùng thực hành đa phương xuất phát từ những vấn đề này. Chương trình do nghệ sĩ Ngô Thu Hương điều phối, với chia sẻ từ hai nghệ sĩ thực hành gốm Nguyễn Duy Mạnh và Linh San. Hai nghệ sĩ đại diện cho hai thế hệ, hai hướng tiếp cận sáng tác khác nhau sẽ mang đến góc nhìn đa chiều về gốm sứ, gợi mở tiềm năng thực hành nghệ thuật với chất liệu gốm trong bối cảnh nghệ thuật đương đại.
Trò chuyện nghệ thuật diễn ra chiều 9.3, tại không gian nghệ thuật The Outpost, Tháp B1 Roman Plaza, Tố Hữu, Hà Nội.