Sự kiện vịnh Bắc bộ

Hương Sen ghi 03/08/2014 08:37

Sau 50 năm, không thể che giấu sự thật về cái gọi là Sự kiện vịnh Bắc bộ mà Mỹ dày công dựng lên. Các tài liệu khoa học tại nước này đã công bố: không hề có cuộc tấn công của Hải quân Việt Nam vào Hải quân Mỹ trên vùng biển quốc tế ngày 4.8.1964.

Hải quân Nhân dân Việt Nam đánh trả máy bay và tàu Maddox của Hạm đội 7 Hoa Kỳ
Hải quân Nhân dân Việt Nam đánh trả máy bay và tàu Maddox của Hạm đội 7 Hoa Kỳ
Đã sang tuổi 82, Đại tá Nguyễn Xuân Bột - nguyên Phân đội trưởng Phân đội 3 kiêm thuyền trưởng tàu 333, Tiểu đoàn tàu phóng lôi 135 - giọng nói vẫn sang sảng như ngày chỉ huy bắn trả tàu khu trục Mỹ ngoài khơi vịnh Bắc bộ 50 năm trước. Ông kể: sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm, tình hình chính trị ở Sài Gòn rối ren, cách mạng ở miền Nam được củng cố, phát triển, giành nhiều thắng lợi trên các chiến trường. Bị thua ở miền Nam, Mỹ thông qua kế hoạch dùng không quân, hải quân đánh phá 94 mục tiêu ở miền Bắc, mở đầu bằng chiến dịch khiêu khích Bắc Việt Nam. Ngày 1 - 2.8.1964, Mỹ cho máy bay bắn phá đồn biên phòng Nậm Cắn và làng Noọng Dẻ ở Tây Nghệ An. Ngoài khơi Vịnh Bắc bộ, tàu khu trục Maddox tiếp tục tiến về phía Bắc, xâm phạm hải phận Việt Nam, gây ra một số vụ khiêu khích…

Đêm 31.7 rạng sáng 1.8.1964, phân đội tàu phóng lôi do ông Nguyễn Xuân Bột làm phân đội trưởng đang luyện tập trên vùng biển Vạn Hoa (Quảng Ninh) thì nhận được lệnh lắp ngư lôi, hành quân gấp vào vùng biển Hòn Mê (Thanh Hóa), đón đánh tàu khu trục Maddox. Khi đó phân đội 3 có 3 tàu, 333, 336, 339, do Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tàu phóng lôi 133 Lê Duy Khoái trực tiếp chỉ huy. So sánh tương quan lực lượng thấy có sự chênh lệch rất đáng kể. Tàu khu trục Maddox thuộc loại hiện đại, tối tân của Hải quân Mỹ: dài 144,8m, rộng 12,4m, tải trọng 3.320 tấn, được trang bị 3 bệ pháo 127mm/2 nòng, 2 bệ phóng bom, 2 giàn phóng ngư lôi chống ngầm với quân số gần 300 người… Trong khi tàu phóng lôi của ta chỉ dài 20m, rộng 3,4m, quân số trên tàu chỉ có 9 - 11 người; vũ khí chỉ gồm 2 quả ngư lôi, 1 bệ pháo 14,5mm và súng tiểu liên canh gác. Theo tính toán của các chuyên gia vũ khí, thông thường cần tới 12 tàu với 24 quả ngư lôi mới có thể đánh trúng 1 quả ngư lôi vào tàu khu trục Mỹ…

Máy bay Mỹ tham gia chiến dịch Mũi tên xuyên 5.8.1964
Máy bay Mỹ tham gia chiến dịch Mũi tên xuyên 5.8.1964
Hôm ấy biển động cấp 4, cấp 5, phải mất hơn 8 tiếng phân đội phóng lôi mới vượt được hơn 100 hải lý tới Hòn Mê. 13h30 ngày 2.8.1964, chúng tôi nhận được tin báo tàu khu trục Maddox xâm phạm Hòn Mê, Lạch Trường. Sở chỉ huy tiền phương lệnh cho biên đội tàu tuần tiễu xuất kích. Tôi cho phân đội chạy theo hàng dọc, mỗi tàu cách nhau 50m. Khi chỉ còn cách nhau 6 hải lý, Maddox dùng pháo lớn bắn tới tấp vào đội hình của ta. Tôi quyết định cho tàu 333 tăng tốc chặn tàu địch, tạo điều kiện thuận lợi để tàu 336 và 339 tấn công. Khi tiếp cận được góc mạn tàu địch, cự ly 7 - 8 liên (10 liên = 1 hải lý), thuyền trưởng tàu 339 hạ lệnh phóng ngư lôi, nhưng rất tiếc ngư lôi không trúng mục tiêu. Lúc đó, trên trời bất ngờ xuất hiện 5 máy bay Mỹ tập kích, bắn trúng khoang máy chính tàu 339, buộc tàu phải thả trôi vừa dập lửa vừa đánh trả máy bay địch. Sau khi tàu 339 phóng lôi, tàu 336 tiếp tục tiếp cận mục tiêu từ cự ly 6 - 7 liên và phóng lôi, nhưng vẫn chệch mục tiêu. Lúc này, pháo trên tàu địch bắn dữ dội, một quả đã trúng tàu 336. Thuyền trưởng Phạm Văn Tự trúng đạn hy sinh, thuyền phó Nguyễn Văn Chuẩn mặc dù bị thương vẫn chỉ huy tàu chiến đấu. Cột ăng-ten của tàu bị pháo địch đánh gục, không thể báo cáo cấp trên, quả ngư lôi bên trái tàu cũng bị trúng đạn, các chiến sỹ sợ nổ tàu nên tự động giật cò ném xuống biển. Chỉ còn 1 quả ngư lôi bên phải nên tàu lệch hẳn sang một bên, rất khó lái. Khi cách tàu Maddox 6 liên, tiếp cận được mạn phải tàu địch ở góc 80 độ, chúng tôi xông vào vừa bắn quét mạn tàu vừa phóng ngư lôi. Quả ngư lôi rẽ sóng chạy trên mặt nước rồi phát nổ ngay mũi tàu, khói bốc lên mù mịt. Đồng chí Đạt, chiến sỹ ngư lôi hô to: “Nó trúng ngư lôi của tôi rồi”. Toàn bộ cán bộ, chiến sỹ trên tàu nhảy lên reo mừng. Tôi quan sát thấy binh lính trên tàu địch chạy nhốn nháo, các pháo trên tàu địch im bặt. Maddox bị trúng đạn 14,5mm, buộc phải rút khỏi vùng biển miền Bắc nước ta...

Ngay sau khi tàu Maddox bị đánh đuổi, đêm mồng 4 rạng sáng 5.8.1964, chính quyền Mỹ đã dựng lên cái gọi là Sự kiện vịnh Bắc bộ, loan báo khắp thế giới rằng Hải quân Việt Nam vô cớ tấn công tàu Hải quân Mỹ trên vùng biển quốc tế. “Đây là sự bịa đặt trắng trợn, bởi hôm đó thời tiết xấu, hoàn toàn không có tàu phóng lôi hoặc tàu chiến nào của Việt Nam hoạt động trong khu vực mà Mỹ rêu rao” - Đại tá Nguyễn Xuân Bột giải thích. Và đúng như sắp đặt, Mỹ sử dụng lực lượng của hai biên đội tàu sân bay USS Ticonderoga và USS Constellation cho chiến dịch mang tên Mũi tên xuyên để trả thù. 40 máy bay phản lực và cánh quạt hiện đại, cả tiêm kích và cường kích như: AD6, A4D, F8U... đánh phá toàn bộ căn cứ hải quân ta từ sông Gianh (Quảng Bình) đến Bãi Cháy (Quảng Ninh)... Cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đã leo thang đến tột đỉnh và chỉ chấm dứt sau trận Điện Biên Phủ trên không giữa bầu trời Hà Nội tháng 12.1972.

Năm 2005, Cục An ninh quốc gia Mỹ mới công bố 140 trang tài liệu mật về Sự kiện vịnh Bắc bộ. Trước đó, năm 2001, từ cuốn băng ghi âm lời Tổng thống Johnson, một sử gia Mỹ đã chứng minh: “Cuộc tấn công thứ hai của Hải quân Bắc Việt vào tàu khu trục USS Turner Joy đêm 4.8.1964 trên vùng biển quốc tế là hoàn toàn bịa đặt”. Đầu tháng 1.2008, Hiệp hội Các nhà khoa học Hoa Kỳ mới chính thức tuyên bố bản giải mật báo cáo trên: “Không hề có cuộc tấn công đêm 4.8”. Vậy mà 50 năm trước, Quốc hội Mỹ bị che mắt khi tin vào báo cáo của nội các Johnson, chuẩn y Nghị quyết Vịnh Bắc bộ, cho phép quân đội Mỹ leo thang chiến tranh Việt Nam.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sự kiện vịnh Bắc bộ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO