Cùng đi có Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; lãnh đạo các tỉnh, thành phố có tuyến đường đi qua.
Dự án đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, được khởi công từ ngày 1.1.2023, dài hơn 110km, đi qua 5 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng, được phân thành 2 dự án thành phần: Cần Thơ - Hậu Giang (37km) và Hậu Giang - Cà Mau (73km).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kiểm tra, tặng quà động viên lực lượng thi công Dự án tại nút giao IC5 Km47+800 thuộc xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.
Thủ tướng cảm ơn và mong muốn lực lượng thi công tiếp tục khắc phục khó khăn, tranh thủ thời tiết, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”, “vượt nắng, thắng mưa”, “thi công xuyên ngày nghỉ lễ”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, "làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm" để kịp tiến độ; cùng với đó bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong suốt quá trình thực hiện dự án.
Thăm hộ gia đình ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang để nắm bắt tình hình cuộc sống người dân sau khi đã nhường đất cho dự án, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng vì cuộc sống của người dân được đảm bảo; cảm ơn Nhân dân đã nhường đất cho dự án; mong muốn người dân tiếp tục ủng hộ, tham gia vào các phần việc, hỗ trợ lực lượng thi công và giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường trong suốt quá trình triển khai dự án và khi đưa dự án vào khai thác…
Sau khi kiểm tra dự án, tặng quà động viên lực lượng thi công và thăm hộ gia đình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Ban quản lý dự án và nhà thầu nhằm giải quyết những vướng mắc, thúc đẩy triển khai dự án.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, đến nay các địa phương đã nỗ lực giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng tuyến chính đạt 99,9%, thực tế thi công được đạt 99,7% và tuyến nối đạt 98%. Dự kiến, dự án cần khoảng 19 triệu m3 vật liệu san lấp, hiện đã xác nhận khối lượng khai thác 16,8/19 triệu m3. Công tác thi công được tập trung theo chỉ đạo của Thủ tướng, lũy kế sản lượng đến nay đạt 34% khối lượng, chậm 14% so với kế hoạch.
Đơn vị thi công cũng báo cáo, khó khăn hiện nay ngoài việc khan hiếm vật liệu san lấp, dự án cần 1,5 triệu m3 đá, song tại các địa phương không sẵn sàng, phải huy động, điều phối trong vùng và khu vực. Đặc biệt, cần nâng công suất khai thác các mỏ vật liệu để đáp ứng yêu cầu thi công, chờ lún gia tải sau đó tiếp tục triển khai dự án đáp ứng tiến độ.
Sau khi lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và các nhà thầu thảo luận, đưa ra các giải pháp khắc phục các khó khăn như nêu trên, kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng sau 3 năm triển khai, từ chỗ Dự án mới có chủ trương đầu tư, vẫn chưa bố trí được vốn, còn trong giai đoạn khảo sát, xây dựng hướng tuyến, thiết kế… đến nay, một tuyến cao tốc xuyên đồng bằng sông Cửu Long từ Cần Thơ đến Cà Mau đã hình thành, được thi công đồng loạt.
Thủ tướng khẳng định, có được thành quả này là sự nỗ lực, quyết tâm rất cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhân dân nơi có dự án đi qua và kỹ sư, công nhân thi công trên công trường.
Bày tỏ trân trọng thành quả, cảm ơn tất cả chủ thể có liên quan trong quá trình thực hiện Dự án, Thủ tướng Chính phủ cho biết, mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, cả nước hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc, thông tuyến từ Cao Bằng tới Cà Mau; do đó, việc thực hiện các dự án cao tốc nói chung và Dự án đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau phải theo tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, các tỉnh, thành phố có dự án đi qua khẩn trương, dứt điểm hoàn thành giải phóng mặt bằng; phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật để có mặt bằng sạch cho các đơn vị thi công, hoàn thành trong tháng 7.2024.
Các tỉnh, thành phố trong khu vực giao mỏ, điều chỉnh công suất và điều phối vật liệu san lấp phục vụ dự án. Cát biển sau khi xử lý về đến công trình thì có độ mặn thấp hơn yêu cầu, thậm chí thấp hơn cả cát sông nên khẩn trương đưa cát biển vào san lấp mặt bằng dự án; đồng thời nghiên cứu sử dụng tro xỉ vào san lấp.
Trên cơ sở đó, kịp thời thi công, dành thời gian gia tải trước tháng 10.2024 để thúc đẩy thi công giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, đơn vị làm việc với các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương để các địa phương này hỗ trợ nguồn đá phục vụ dự án.
Nhắc lại tinh thần thi công “3 ca, 4 kíp”, “vượt nắng, thắng mưa”, “thi công xuyên ngày nghỉ lễ”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm” của các nhà thầu, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương huy động cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp địa phương vào cuộc. Trong đó, các doanh nghiệp, người dân địa phương tham gia các phần việc, hạng mục trong phạm vi năng lực; hỗ trợ hậu cần, động viên lực lượng thi công… tạo sức mạnh tổng hợp, phong trào thi đua xây dựng công trình, vì đây là công trình chiến lược quốc gia, vì sự phát triển của đất nước, khu vực và của chính người dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải tổ chức triển khai đồng loạt 11 nút giao và hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, khi hoàn thành khai thác đồng loạt, đồng bộ, phát huy hiệu quả; khai thác không gian phát triển mới do dự án tạo ra…