Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

Rõ đến đâu làm đến đấy, làm từng bước vững chắc, làm không thể cãi được!

- Chủ Nhật, 16/10/2022, 05:53 - Chia sẻ

Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực vẫn đang tiếp diễn. Tinh thần là "rõ đến đâu làm đến đấy, làm từng bước vững chắc, làm không thể cãi được...". Đây là khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc tiếp xúc với cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng, Hà Nội trước Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV sáng qua.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các cử tri tại cuộc tiếp xúc	 Ảnh: Trí Dũng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các cử tri tại cuộc tiếp xúc
Ảnh: Trí Dũng

Quốc hội cần có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ hơn nữa

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là chủ đề chưa bao giờ giảm tính thời sự tại các hội nghị tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội. Không ngoại lệ tại cuộc tiếp xúc cử tri giữa các đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 1 của thành phố Hà Nội với cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng sáng qua, trong số những ý kiến phong phú về các lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời là những vấn đề quan trọng của đất nước, nhiều ý kiến tiếp tục phản ánh về công cuộc này.

Công tâm và khách quan, nhiều cử tri đánh giá rất cao hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong thời gian qua, đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan có liên quan xử lý nghiêm, kịp thời nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, trong đó có những vụ “đại án”, được cử tri và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, tin tưởng, dư luận quốc tế đánh giá cao. Một trong những điểm nhấn, như nhận định của cử tri Nguyễn Đức Thuận (phường Nam Đồng, quận Đống Đa), đó là Trung ương đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở 63 tỉnh, thành trên cả nước. “Dư luận xã hội và Nhân dân rất đồng tình, ủng hộ và tin tưởng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục có nhiều đổi mới, chỉ đạo sát sao, toàn diện với tinh thần không ngừng nghỉ, không vì chống dịch mà không xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực; thực tế công tác này ngày càng quyết liệt, bài bản, hiệu quả, nhân văn..., củng cố niềm tin trong nhân dân”, cử tri Vũ Thị Thanh (phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa) nêu rõ.

Từ thực tế công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý cán bộ vi phạm thời gian qua, cử tri Vũ Thị Thanh cũng nêu thực tế hàng loạt cán bộ cấp Trung ương và nhiều cán bộ, công chức bị bắt để điều tra về hành vi vi phạm pháp luật ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Đặc biệt, riêng “đại án” Việt Á, con số bị can hiện đã lên đến gần 100 người (đến nay, Bộ Công an và công an cả nước đã khởi tố 26 vụ án, 94 bị can để làm rõ nhiều tội danh, trong số các bị can, có 8 cựu lãnh đạo, quan chức thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ... - PV). “Đây là con số rất đau xót. Các vụ án đã, đang và sẽ được đưa ra xét xử cho thấy, những cán bộ, cá nhân, tổ chức vi phạm đều có trình độ, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm và kinh qua nhiều chức vụ lãnh đạo. Nhưng do lòng tham, cộng với sự suy thoái về đạo đức, lối sống, về tư tưởng chính trị đã rơi vào “vòng lao lý”, bị xử lý kỷ luật cách hết các chức vụ... Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần cảnh báo, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là cái gốc của tham nhũng...”, cử tri Vũ Thị Thanh thẳng thắn.

Trước thực trạng nêu trên, đồng tình với ý kiến của nhiều cử tri khác tại cuộc tiếp xúc, cử tri Vũ Thị Thanh đề nghị, Quốc hội cần nghiên cứu có cơ chế, chính sách kiểm soát quyền lực chặt chẽ hơn nữa. Thực tế, không có kiểm soát quyền lực, hoặc kiểm soát quyền lực yếu, thì quyền lực tất yếu bị lạm dụng để phục vụ cho lợi ích riêng, lợi ích nhóm, quyền lực bị tha hóa dẫn đến quan liêu, tiêu cực, tham nhũng...

Ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến, kiến nghị rất tâm huyết, trách nhiệm, sâu sắc và sát thực tiễn của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Kiểm soát quyền lực ở cấp dưới và của cấp dưới là vấn đề cần phải tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa. Bởi thực tế, khi có quyền trong tay, nếu không có ai giám sát, thì dễ tự tung, tự tác, thậm chí lại bè cánh, móc ngoặc với nhau trở thành lợi ích nhóm là vô cùng nguy hiểm. Cảnh báo điều này, dẫn ví dụ thực tế từ xử lý vụ việc tại Hải Dương và cho biết “còn một số nơi khác vẫn đang làm”, Người đứng đầu Đảng ta nêu rõ, vi phạm ở Hải Dương xảy ra không phải chỉ là một người mà có sự móc ngoặc với nhau, từ Bí thư Tỉnh ủy cho đến Chủ tịch UBND tỉnh, rồi cán bộ các cấp và thậm chí còn “móc cả với những ông ở trên Trung ương”.

Đồng tình với ý kiến, đề nghị của cử tri về việc cần phải tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư nêu rõ: “Vừa qua là cũng đỡ rồi, các bác chờ xem còn mấy vụ sắp tới sẽ làm, có vụ cũng đã tồn tích lâu rồi, cũng nổi tiếng rồi, thậm chí chạy trốn đi rồi, nhưng tôi bảo trốn cũng không thể trốn được, rồi đấy chờ xem có trốn được không”.

Công tâm, khách quan, bài bản, đúng kỷ luật của Đảng, đúng pháp luật của Nhà nước

Một điểm rất mới tại Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII vừa qua, đó là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành xem xét, quyết định để cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3.11.2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo số 20-TB/TW, ngày 8.9.2022 về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật. Như trao đổi của Tổng Bí thư với cử tri tại cuộc tiếp xúc sáng qua, thì “bây giờ không phải chỉ cốt kỷ luật, mà nếu anh thấy có khuyết điểm, anh tự nhận, và xin thôi, tự từ chức, thì Trung ương hoặc các cơ quan có thẩm quyền đồng ý quyết định cho thôi... Và đồng chí nào còn tuổi, còn sức khỏe, có trình độ, khả năng thì có thể tham gia vào các công việc khác phù hợp hơn, chứ không phải chỉ cốt xử thật nặng, hoặc không còn tình nghĩa gì mới là nghiêm”.

Qua chia sẻ một vài ví dụ cụ thể từ thực tế công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, Tổng Bí thư một lần nữa nhấn mạnh: “Tinh thần là giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe là chính, chứ không thích thú gì kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, nhưng vì sự tiến bộ chung, vì phải giáo dục người khác đừng đi vào vết xe đổ ấy, Trung ương buộc phải làm và yêu cầu các cấp cũng phải làm theo như Trung ương”. Và chủ trương thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh chính là nhằm mục đích đó.

Cũng theo Tổng Bí thư, chúng ta đã “làm rất công tâm, khách quan, bài bản, đúng kỷ luật của Đảng, đúng pháp luật của Nhà nước, nghiêm minh nhưng nhân đạo, nhân ái, nhân tình, mở đường cho người ta tiến, và quan trọng nữa là răn đe để anh khác đừng đi vào con đường đấy - đường lối xử lý của chúng ta là như thế”. Cho nên, “tại sao thế giới cũng hoan nghênh và ca ngợi chúng ta về việc làm này. Một cuộc đấu tranh ngay trong nội bộ của chính mình, có ai lại cầm dao chém vào chân mình không? Nhưng phải làm sao để răn đe đi, để không dám, không thể và không cần tham nhũng”, Tổng Bí thư nói.

Với tính chất phức tạp và nghiêm trọng của các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực xảy ra gần đây, một trong những kinh nghiệm vừa qua đang làm rất tốt và có hiệu quả rõ rệt tiếp tục được Tổng Bí thư nhấn mạnh, đó là “rõ đến đâu làm đến đấy, làm từng bước vững chắc, làm không thể cãi được”. 

Đặc biệt, Người đứng đầu Đảng ta khẳng định: “Cuộc chiến đấu vẫn đang tiếp diễn, chứ chưa phải đã hết. Một số vụ trọng tâm, trọng điểm, bây giờ đang làm rồi, các bác cứ chờ xem, bây giờ tôi nói trước cũng khó cho anh em làm và cũng không cần thiết. Toàn những vụ cách đây nhiều năm rồi, nó ghê gớm lắm, nó chi phối chúng ta, cả hệ thống chính quyền, móc ngoặc với nhau...”.

“Chúng ta phải quyết tâm làm, không thể lùi được đâu. Các bác cứ yên tâm, không thể lùi được!” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.  

Thanh Tâm