Xây dựng Kiên Giang trở thành Trung tâm kinh tế biển quốc gia
Kiên Giang là một trong 28 tỉnh, thành phố ven biển của cả nước và là 1 trong 7 tỉnh, thành phố ven biển của Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) với tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế biển, đảo.
Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 2.11.2023 là công cụ pháp lý quan trọng để tỉnh hoạch định chính sách, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ tới.
Quy hoạch khai thác hiệu quả lợi thế về biển, đảo, vị trí tiếp giáp với biển Tây để xây dựng Kiên Giang trở thành Trung tâm kinh tế biển của quốc gia; Phú Quốc là đô thị biển độc đáo, đặc sắc, trung tâm du lịch biển đảo tầm cỡ khu vực và quốc tế…; phát huy hành lang kinh tế phía nam thuộc tiểu vùng sông Mekong mở rộng để cải thiện cơ sở hạ tầng và kết nối thúc đẩy giao lưu, giao thương quốc tế với các nước trong khu vực…
Các TP. Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc là tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại và dịch vụ hướng biển. Trong đó, TP. Phú Quốc là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới; TP. Rạch Giá là thành phố thương mại, dịch vụ xanh; TP. Hà Tiên là đô thị di sản.
Quy hoạch đặt mục tiêu phát triển đến năm 2030: Kiên Giang là tỉnh có chất lượng sống cao của vùng ĐBSCL, là trung tâm kinh tế biển của quốc gia. Tầm nhìn đến năm 2050: Kiên Giang trở thành Trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, là cửa ngõ, đầu mối giao thông, giao thương, giao lưu quốc tế quan trọng; Phú Quốc là trung tâm du lịch, dịch vụ tổng hợp, du lịch sinh thái biển - đảo đặc sắc…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chúc mừng những kết quả tỉnh Kiên Giang đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời cho rằng, Kiên Giang có nhiều lợi thế hơn các địa phương khác, Kiên Giang như một Việt Nam thu nhỏ, có bờ biển dài, có lượng tàu cá đông nhất, có sản lượng lúa cao và đặc biệt có nhiều cảnh đẹp, nhất là Phú Quốc là một di sản thiên nhiên ban tặng cho Kiên Giang để phát triển du lịch chất lượng, đẳng cấp quốc gia.
Nhấn mạnh Kiên Giang đang gặp trở ngại về hạ tầng giao thông và tỷ trọng công nghiệp chưa cao, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh tập trung giải phóng mặt bằng nhanh chóng để triển khai dự án tuyến đường ven biển từ Kiên Giang đến Cà Mau và dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 63, đồng thời, chủ động thực hiện các dự án giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh để tháo gỡ điểm nghẽn giao thông.
Cùng với đó, tỉnh cần tập trung vào công nghiệp chế biến nông sản, gia tăng giá trị nông sản. Đặc biệt, với lợi thế bờ biển dài, rộng, Kiên Giang cần thúc đẩy dự án nuôi trồng thuỷ sản thay thế, giảm bớt nghề đánh bắt, khai thác thủy sản như hiện nay.
Về thực hiện quy hoạch, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh Kiên Giang “tuân thủ quy hoạch, linh hoạt và đồng bộ quy hoạch”.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình chia sẻ, đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Kiên Giang sau 38 năm xây dựng và phát triển. Quy hoạch tỉnh Kiên Giang được tích hợp theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, thể hiện “khát vọng và tầm nhìn mở rộng không gian, định hình các động lực phát triển mới” để Kiên Giang phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, khơi thông nguồn lực, tiếp tục phát triển nhanh, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng đồng hành với tỉnh, sớm hiện thực hóa các dự án đã được xác định trong Quy hoạch; kịp thời thông tin, trao đổi cùng chính quyền tỉnh tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai dự án, với tinh thần“đồng hành cùng phát triển”.
Quy hoạch đã xác định Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong thời kỳ 2021-2030 gồm hơn 200 dự án thuộc các ngành, lĩnh vực: nông nghiệp, thuỷ sản, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh...
Tại hội nghị, UBND tỉnh Kiên Giang đã trao 11 quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng và 18 biên bản ghi nhận nghiên cứu đầu tư sẽ thực hiện trên địa bàn tỉnh Kiên Giang với tổng số vốn hơn 17.500 tỷ đồng.