Khai mạc Phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

- Thứ Hai, 28/11/2022, 10:16 - Chia sẻ

Sáng 28.11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 17, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong một ngày, cho ý kiến với 4 nội dung.

Khai mạc Phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Thứ nhất, về tổng kết Kỳ họp thứ Tư và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, Kỳ họp thứ Năm của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, vừa qua trên cơ sở là một số các nhiệm vụ cấp bách cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bàn với Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, cho ý kiến, trình Quốc hội giải quyết sớm 7 nội dung. Trước hết là về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - là quy hoạch gốc, cấp cao nhất, quyết định đến các quy hoạch khác. Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Hội nghị lần thứ Sáu Ban chấp hành Trung ương cho ý kiến và vẫn còn thời gian để chuẩn bị để Quốc hội xem xét nội dung này. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nếu nội dung này để đến Kỳ họp thứ Năm mới trình Quốc hội xem xét thông qua thì các quy hoạch khác, nhất là quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh sẽ có những khó khăn. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội xem xét, phê duyệt Quy hoạch tổng thể quốc gia là hết sức cấp thiết, phải giải quyết sớm.

Một nội dung quan trọng khác là dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được thảo luận qua hai kỳ họp, chất lượng cũng khá bảo đảm, nhưng Quốc hội và Chính phủ cũng thống nhất sẽ dành thời gian để chuẩn bị thêm về một số nội dung quan trọng về tài chính, y tế, cơ cơ chế tự chủ tài chính của cơ sở khám, chữa bệnh... Dự án Luật này nếu để đến Kỳ họp thứ Năm xem xét thông qua thì thời gian còn lại để ban hành các văn bản hướng dẫn sẽ rất hạn hẹp, vì mục tiêu của chúng ta là để luật có hiệu lực vào ngày 1.1.2024.

Khai mạc Phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Ngoài ra, một số nội dung liên quan đến về tài chính và ngân sách cũng cần trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến như: Vấn đề xử lý các vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp tác đối tác công tư; Tổng kết đánh giá việc thực hiện Khoản 3 của Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV về cơ chế đặc thù, đặc biệt trong công tác phòng, chữa bệnh, chống dịch bệnh… Về Tổng kết thực hiện Khoản 3, Nghị quyết số 30/2021/QH15, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, theo quy định của Nghị quyết của Quốc hội thì nội dung này đến hết năm 2022 sẽ hết hiệu lực, đòi hỏi phải đánh giá, tổng kết, xác định có chính sách nào để hỗ trợ cho ngành y tế trong giai đoạn tới thì Chính phủ cũng sẽ trình.

Bên cạnh đó một số vấn đề liên quan đến bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước, nguồn vốn viện trợ không hoàn lại, điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại của các địa phương và điều chỉnh dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động mà chưa sử dụng hết của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan. Nội dung này đã được Chính phủ xây dựng Tờ trình nhưng chuẩn bị không kịp cho Kỳ họp thứ Tư, chưa có điều kiện để thẩm tra theo quy trình quy định. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những nội dung nêu trên và khả năng tổ chức kỳ họp bất thường như thế nào.

Khai mạc Phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến một số nội dung thuộc thẩm quyền về tài chính và ngân sách. Một là, việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 còn lại của ba chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Theo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền cho ý kiến trước khi Chính phủ phân bổ chính thức. Nội dung này về cơ bản đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, phần còn lại lần này được Chính phủ nghiên cứu, tính toán để trình tiếp, phân bổ tiếp. Hai  về điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại của năm 2022 của các địa phương thì có địa phương là đề nghị tăng, song có địa phương đề nghị giảm, đòi hỏi phải được xem xét cho ý kiến. “Về nội dung này, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc đã đủ điều kiện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và có thể chuẩn bị cho một trong bảy nội dung liên quan đến chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ Hai”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Khai mạc Phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội -0
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về một số nội dung có liên quan đến thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ về các điều kiện cải tạo, xây dựng, bảo trì các tòa nhà có liên quan đến cơ quan ngoại giao và lãnh sự hai bên (Thỏa thuận COCA). Thỏa thuận này thuộc thẩm quyền của Chính phủ, trong đó có một số nội dung có liên quan đến thuế nên đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội gợi mở, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm cho ý kiến về phạm vi, thẩm quyền, trình tự, thủ tục phải quyết định ở cấp nào, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sau đó trình Quốc hội quyết định vì liên quan đến vấn đề thuế.

Khai mạc Phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội -0
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Thứ tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có hồ sơ, quá trình xem xét trước đây. Phần còn lại, nếu chuẩn bị kịp cũng cần phải giải quyết sớm để bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

“Bốn nội dung chính của Phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thực hiện theo dự kiến trong một ngày. Tài liệu liên quan đã gửi trước cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội”. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng và phát biểu sôi nổi, liên tục để có thể kết thúc được các cái nội dung này trong một ngày làm việc.

P.Thủy
#