Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng

- Thứ Ba, 29/11/2022, 10:46 - Chia sẻ

* Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu chỉ đạo

* Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng dự và chủ trì Hội nghị

Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng -1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự hội nghị. Ảnh: Trí Dũng

Sáng 29.11, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23.11.2022, của Bộ Chính trị Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Trung ương Đảng kết nối tới điểm cầu tại các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Cùng dự và chủ trì có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.

Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng -0
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chủ trì hội nghị. Ảnh: Trí Dũng

Tham dự Hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo chủ chốt các địa phương.

Với Hội nghị hôm nay, Bộ Chính trị đã hoàn tất việc ban hành và tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị khóa XIII đối với toàn bộ 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước cũng như trong các Vùng, nhằm sớm đưa các Nghị quyết quan trọng này vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng - một vấn đề có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn trong việc phát triển nhanh, bền vững mỗi vùng nói riêng và cả nước nói chung.

Khẳng định vai trò của vùng kinh tế động lực, có đóng góp to lớn, hàng đầu cho tăng trưởng kinh tế của cả nước

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh trình bày nội dung Nghị quyết 30-NQ/TW; đại diện Ban cán sự Đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội trình bày Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, thể hiện quyết tâm rất cao trong việc đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng -0
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh trình bày báo cáo tại Hội nghị

Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, được phân thành 2 tiểu vùng là: Tiểu vùng Bắc đồng bằng sông Hồng ồng thời cũng Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ), gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên; và Tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng, gồm 4 tỉnh: Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, đây luôn luôn là địa bàn cốt lõi của Vùng Thủ đô, có ý nghĩa chiến lược, quan trọng bậc nhất của cả nước về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Vùng đồng bằng sông Hồng được coi là cửa ngõ phía Bắc của nước ta và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc - thị trường rộng lớn nhất thế giới và ngược lại; có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ và tốt nhất cả nước về cả đường bộ, đường biển, đường sông, đường hàng không, đường sắt với ba tuyến hành lang kinh tế đi qua: Hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hành lang kinh tế Bắc - Nam (có tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua), là tuyến hành lang kết nối các tuyến hành lang kinh tế phía Bắc với hành lang kinh tế phía Nam, tham gia vào tuyến hành lang xuyên Á.

Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng là một trong ba vùng động lực phát triển kinh tế của cả nước. Trong Vùng, có Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, khoa học - công nghệ lớn nhất của cả nước, có lịch sử phát triển hàng nghìn năm, hào hoa và thanh lịch, văn hiến và anh hùng, nơi lắng hồn núi sông, thủ đô của lương tri và phẩm giá con người.

Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương trình bày Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị Khóa XIII

Đây cũng là vùng đất châu thổ sông Hồng rất màu mỡ và giàu tiềm năng phát triển, có truyền thống lịch sử văn hiến, cách mạng, anh hùng, rất vẻ vang; có nền văn hóa lâu đời, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc của Nền văn hóa sông Hồng, Nền văn minh lúa nước với vô vàn những di sản văn hóa vật thể cũng như phi vật thể quý giá, nhất là những làn điệu dân ca lay động làm say đắm lòng người, nuôi dưỡng, nâng cao tâm hồn và trí tuệ con người "Bắc Hà", rất đa dạng, phong phú mà hầu như địa phương nào cũng có (Quan họ Bắc Ninh; Chèo Thái Bình, Hưng Yên; Chầu Văn Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình...). Đồng thời, đây cũng là trung tâm hàng đầu về y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ với đội ngũ trí thức giỏi và đông đảo lực lượng lao động có chất lương cao; là cái nôi sản sinh, đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho cả nước với nhiều trường đại học, trung tâm nghiên cứu có uy tín. Do vậy, đây thường được gọi là Vùng "địa linh nhân kiệt", có nhiều thuận lợi về cả địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa và nhiều tiềm năng, lợi thế to lớn, vượt trội cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhanh và bền vững.

Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng -0
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới dự hội nghị tại điểm cầu nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh

Xuất phát từ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Vùng, ngày 14.9.2005, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW; và ngày 28.10.2011, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Kết luận số 13-KL/TW về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và thời kỳ 2011 - 2020. Qua 17 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị các khóa IX và XI, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong Vùng đã phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng, anh hùng vẻ vang và những tiềm năng, lợi thế vượt trội, nhất là về nguồn nhân lực, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, liên tục phấn đấu đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng.

Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng -1
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường dự hội nghị tại điểm cầu nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh

Nhờ đó, Vùng đồng bằng sông Hồng luôn luôn khẳng định được vị trí, vai trò của một vùng kinh tế động lực, có đóng góp to lớn, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu cho tăng trưởng kinh tế của cả nước, thúc đẩy, hỗ trợ các vùng khác cùng phát triển. Tuy là một vùng đất chật, người đông nhất so với các vùng khác; diện tích tự nhiên chỉ có 21.278 km2, chiếm khoảng 6,42% diện tích cả nước; dân số khoảng hơn 23 triệu người, chiếm gần 24% dân số cả nước, nhưng quy mô kinh tế của Vùng luôn luôn được mở rộng; tỷ trọng đóng góp vào GDP cả nước tăng từ 26,9% năm 2010 lên 29,4% năm 2020; thu nhập bình quân đầu người cao hơn 1,3 lần so với bình quân chung cả nước; tổng thu ngân sách nhà nước của Vùng chiếm tới 32,7% tổng thu ngân sách của cả nước, tốc độ tăng thu bình quân là 16,7%/năm; tổng vốn đầu tư xã hội gấp 19,7 lần năm 2005 và chiếm 35,1%, đứng đầu cả nước; số lượng đô thị vùng tăng nhanh, tỉ lệ đô thị hoá của Vùng đến năm 2021 đạt 41%.

Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng -0
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Trí Dũng

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phát triển khá nhanh và bền vững; hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới và khu vực, đang trở thành một trong các vùng dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật lớn nhất của cả nước. Hai tuyến hành lang kinh tế (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); năm hành lang công nghiệp (Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Nội Bài - Hạ Long; Hà Nội - Việt Trì; Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn), và hành lang kinh tế ven biển (Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình) từng bước được hình thành, phát triển; liên kết giữa đô thị trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng với các địa phương, khu vực ven biển, các Khu đô thị, Khu công nghiệp, các cửa khẩu, cảng biển và các vùng khác, tạo động lực cho phát triển các địa phương và toàn vùng. Tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đang trở thành hạt nhân, trụ cột phát triển của Vùng và cả nước.

Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vượt trội, vai trò đặc biệt quan trọng của Vùng

Tuy nhiên, vùng đồng bằng sông Hồng vẫn còn một số mặt hạn chế. Đó là: Kinh tế - xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vượt trội và vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Vùng; quy mô kinh tế còn nhỏ, các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỉ lệ thấp, chưa tạo được tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững hơn nữa. Một số loại thị trường hình thành chậm và chưa đồng bộ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới. Công nghiệp, đô thị phát triển khá nhưng còn mang tính tự phát; ô nhiễm môi trường có xu hướng tăng nặng hơn. Chưa hình thành được các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung cho xuất khẩu; giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích chưa cao; tỷ lệ lao động nông nghiệp thiếu việc làm còn lớn; đời sống nhân dân ở nhiều vùng nông thôn còn khó khăn. Trình độ phát triển giữa các địa phương trong vùng, giữa các tiểu vùng còn có sự chênh lệch đáng kể.

Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng -0
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Trí Dũng

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; đồng thời định hướng phát triển vùng theo hướng: "khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới...". Tình hình thế giới, khu vực và trong nước, vùng đồng bằng sông Hồng có nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới đan xen.

Thực tế trên đây đã đặt ra yêu cầu phải tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX; Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI và ban hành Nghị quyết mới về vấn đề đặc biệt quan trọng này, góp phần tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, có tính đột phá trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước trong giai đoạn phát triển mới.

Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng -3
Các đại biểu dự tại điểm cầu nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh
Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng -4
Các đại biểu dự tại điểm cầu nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu của đại diện một số ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu chỉ đạo, trong đó nhấn mạnh Vùng đồng bằng sông Hồng cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống văn hiến, cách mạng và anh hùng, nỗ lực phấn đấu, thực hiện thật tốt vai trò là trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia và động lực phát triển kinh tế hàng đầu của đất nước.

Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục thông tin về Hội nghị quan trọng này...

Thanh Tâm
#