Vì cuộc sống, dẫn dắt và kiến tạo chính sách phát triển của đất nước và hành động quyết liệt trong hoạt động lập pháp mang lại hiệu lực thực sự cho cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân. Đấy là hình ảnh sinh động của Quốc Khóa XV đã đi qua nửa chặng đường, luôn theo sát sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành cùng Chính phủ, vì Nhân dân, phản ánh kịp thời ý chí, nguyện vọng của Nhân dân trong mỗi quyết sách; tiếp bước chủ động đổi mới, sáng tạo, đột phá trong hoạt động của Quốc hội; nâng tầm vóc của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; rời xa tính hình thức; quyết liệt và tham gia sớm, sâu, thực chất trong xây dựng và quyết định chính sách pháp luật; góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
Bằng tư duy chủ động, sáng tạo trong vận hành bộ máy, các cơ quan của Quốc hội chuyển sang trạng thái chủ động thực hiện quá trình chuẩn bị, phân tích chính sách kỹ lưỡng “từ sớm, từ xa”; phối hợp chặt chẽ, ngay từ đầu với các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan hữu quan trong quá trình hình thành sáng kiến lập pháp; phát huy dân chủ, tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của Nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp, các bậc lão thành cách mạng, các chuyên gia, nhà khoa học và tiếp thu, giải trình thấu đáo để có dự án tốt nhất, nhanh nhất; hướng tới việc thảo luận, cho ý kiến, hoàn thiện văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội được thực hiện chủ yếu tại các cơ quan của Quốc hội. Từ đó, các dự án luật được Quốc hội thông qua đều đạt được sự đồng thuận, thống nhất rất cao và rút ngắn thời gian thảo luận, thông qua tại kỳ họp.
Đến hết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội xem xét thông qua 30 luật trong đó 5 luật mới; 7 luật sửa đổi bổ sung một số điều; 18 luật sửa đổi toàn diện. Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua 19 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật điều chỉnh những vấn đề kinh tế- xã hội cấp bách, cấp thiết, còn nhiều vướng mắc như cơ chế tài chính, phòng chống dịch COVID-19, tổ chức phiên tòa trực tuyến, thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù ở các tỉnh, thành phố... phát huy năng lực của bộ máy chính quyền, khơi dậy các nguồn lực của đất nước và sức mạnh của Nhân dân. Và chỉ tính đến kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan, tổ chức hữu quan đã hoàn thành 112/137 nhiệm vụ lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt 81,8%; trong đó, có 32 nhiệm vụ đã được ban hành thành luật, pháp lệnh, nghị quyết quy phạm pháp luật; 29 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được đưa vào Chương trình lập pháp năm 2023 và 2024.
Không chỉ là những con số ấn tượng mà chính những lĩnh vực, vấn đề nóng bỏng được Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian qua có ý nghĩa rất quan trọng, vừa dẫn dắt, vừa kiến tạo với bước đột phá mới, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trì trệ. Chính các đạo luật, nghị quyết là cuộc sống, là đòi hỏi của việc quản lý, điều chỉnh kịp thời đời sống kinh tế- xã hội; khơi dậy sức mạnh của bộ máy, nguồn lực của đất nước, sức mạnh của Nhân dân vượt qua thách thức. Sự chậm trễ cũng sẽ đánh mất cơ hội phát triển, củng cố, nâng cao vị thế của đất nước. Trong bối cảnh đó, Quốc hội đã thực hiện khối lượng công việc vô cùng lớn trên tất cả các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia... Quốc hội tiến hành kỳ họp “bất thường” trở thành “bình thường”. Đến nay Quốc hội đã tổ chức 4 kỳ họp bất thường với nhiều quyết định quan trọng góp phần kịp thời hoàn thiện nhân sự cấp cao của bộ máy nhà nước hay thông qua các đạo luật, nghị quyết như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật, Luật Khám bệnh, chữa bệnh hay Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ...
Không chỉ là những con số ấn tượng mà chính những lĩnh vực, vấn đề nóng bỏng được Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian qua có ý nghĩa rất quan trọng, vừa dẫn dắt, vừa kiến tạo với bước đột phá mới, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trì trệ.
Các cơ quan thường trực của Quốc hội đẩy mạnh hoạt động; UBTVQH tiến hành nhiều phiên họp không chỉ chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung kỳ họp mà còn ban hành 4 pháp lệnh, 14 nghị quyết giải quyết kịp thời nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền; tổ chức chất vấn giữa hai kỳ họp, tổ chức hội nghị đại biểu chuyên trách; hội nghị triển khai công tác lập pháp, công tác giám sát hàng năm, xem xét báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng, hàng quý... Các Ủy ban đẩy mạnh công tác thẩm tra, giám sát kịp thời, sâu rộng mang tính xây dựng, kiến tạo và hoàn thiện chính sách trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt các hình thức tọa đàm, hội thảo khoa học, diễn đàn kinh tế, xã hội… phát huy dân chủ rộng rãi, thu hút trí tuệ các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý... đóng góp ý kiến trong quá trình hình thành và quyết định chính sách của Quốc hội.
Luật là cuộc sống. Và hình ảnh sinh động về một Quốc hội chủ động, hành động dẫn dắt và kiến tạo chính sách phát triển của đất nước; tiếp bước đổi mới, sáng tạo, đột phá trong hoạt động; nâng tầm vóc của bộ máy nhà nước của dân, do dân và vì dân ngày càng thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân.
Những dấu ấn trong hoạt động lập pháp và cả trong giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước cho thấy bước đổi mới, đột phá, chủ động, kỹ lưỡng và thực chất, cụ thể trong phương thức hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội. Quốc hội đã có đột phá, sáng tạo hoạt động ngay khi mở đầu nhiệm kỳ trong hoàn cảnh đặc biệt của đại dịch COVID-19 và tiếp bước đổi mới quyết liệt và mạnh mẽ. “Từ sự chủ động, linh hoạt thích ứng trong điều kiện bất thường của đại dịch COVID-19 đã định hình một Quốc hội chuyên nghiệp, trách nhiệm, luôn tiên phong đổi mới căn cơ từ bên trong Quốc hội, từ bên trong hệ thống cơ quan dân cử để ngày càng xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân cả nước, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định.
Tiên phong đổi mới của Quốc hội từ sự chủ động, linh hoạt thích ứng trong điều kiện bất thường của đại dịch COVID-19 đã định hình tầm vóc, vị thế của một Quốc hội chuyên nghiệp, trách nhiệm và có sức lan tỏa mạnh mẽ, lay động hoạt động của bộ máy nhà nước, chính quyền các cấp. Trong công tác xây dựng pháp luật đã có những chuyển động tích cực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành công tác xây dựng pháp luật, tổ chức nhiều Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; nhiều văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật. Theo đó, Chính phủ đã kiến nghị: “Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ ngay từ giai đoạn đầu trong công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm tính khả thi các quy định giao quy định chi tiết trong các dự án luật, pháp lệnh gắn với các điều kiện tối thiểu về thời gian, nguồn lực; giúp Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ tăng cường hoạt động giám sát trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện những nội dung trái pháp luật, nhữngvi phạm để kiến nghị các biện pháp xử lý phù hợp...”. Chính những thành quả đổi mới, chủ động, sáng tạo, kiến tạo và dẫn dắt trở thành động lực thôi thúc đổi mới phương thức tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước, từ cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp đến đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. TS Nguyễn Đình Quyền chia sẻ: “Quốc hội mà “cựa mình” thì mọi nơi đã phải chạy rồi, bởi chính sách pháp luật thay đổi thì tất cả các guồng máy của cơ quan hành pháp và tư pháp phải đổi theo thì mới đáp ứng được yêu cầu của Quốc hội".
Quốc hội Việt Nam đã thể hiện rõ nét được vai trò quan trọng dẫn dắt đổi mới phương thức hoạt động với tinh thần chủ động, quyết liệt. Những quyết sách của Quốc hội ngày càng theo sát thực tiễn quản lý đất nước, kịp thời và cụ thể. Đồng thời, khuyến khích các sáng kiến lập pháp, giải pháp lập pháp cho hoạt động quản lý đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng an ninh… từ phía Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và các chủ thể có quyền sáng kiến khác tham gia mạnh mẽ vào quá trình lập pháp.
“Làn gió tươi mới trong hoạt động của cơ quan dân cử đang ngày càng có tính chất lan tỏa hơn, vừa truyền cảm hứng, vừa tạo động lực, giữ lửa cho hoạt động của Hội đồng Nhân dân. Đổi mới của chúng ta là khá toàn diện từ các kỳ họp, hoạt động của Thường trực Hội đồng Nhân dân, các Ban Hội đồng Nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân, đại biểu Hội đồng Nhân dân; công tác xây dựng thể chế, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, giám sát, dân nguyện, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, công tác thông tin, truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin... Hoạt động của Hội đồng Nhân dân ngày càng thực chất, hiệu quả hơn.”- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Cũng tại Khóa XV, lần đầu tiên, Quốc hội tổ chức hội nghị HĐND toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và triển khai công tác hàng năm. Hoạt động này trở thành thường niên, lan tỏa từ Quốc hội đổi mới, chủ động, kiến tạo giúp của HĐND các cấp “thức tỉnh ”, đổi mới nâng cao vai trò cơ quan đại diện cho nhân dân; nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động .“Làn gió tươi mới trong hoạt động của cơ quan dân cử đang ngày càng có tính chất lan tỏa hơn, vừa truyền cảm hứng, vừa tạo động lực, giữ lửa cho hoạt động của Hội đồng Nhân dân. Đổi mới của chúng ta là khá toàn diện từ các kỳ họp, hoạt động của Thường trực Hội đồng Nhân dân, các Ban Hội đồng Nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân, đại biểu Hội đồng Nhân dân; công tác xây dựng thể chế, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, giám sát, dân nguyện, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, công tác thông tin, truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin... Hoạt động của Hội đồng Nhân dân ngày càng thực chất, hiệu quả hơn.”- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Từ đổi mới hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp cũng đúc rút bài học kinh nghiệm đổi mới hoạt động giám sát, xây dựng chính sách ở địa phương tạo ra chuyển động mạnh mẽ; góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp. “Quá trình phối hợp giám sát, HĐND cấp tỉnh cần học tập và phát huy kinh nghiệm hay, bài học quý của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội để vận dụng trong thực tiễn, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh”. Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc rút bài học quý báu góp phần tiếp tục đổi mới hoạt động của HĐND.
Quốc hội đã khởi sự, tiên phong đổi mới căn cơ từ bên trong âm thầm, quyết liệt, sáng tạo và không ngừng nghỉ! Đây chính là động lực to lớn để các cơ quan trong bộ máy nhà nước tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động; đội ngũ cán bộ, công chức tiếp tục rèn giũa nâng cao năng lực chuyên môn và phẩm chất, đạo đức công vụ.
Giờ đây, đổi mới phương thức tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước là mệnh lệnh không thể chậm trễ. Lập pháp là cuộc sống! Và khi bộ máy và mỗi cá nhân hướng về dân, vì Nhân dân thì đổi mới tất yếu sẽ thành công!
Trình bày: Xuân Tùng