Sự kiện giáo dục nổi bật tuần qua: Bỏ xét tuyển sớm, ngành giáo dục sửa 3 Luật, hoàn thiện cơ chế chính sách cho ngành khoa học công nghệ...

Quy chế xét tuyển đại học, cao đẳng 2025; sửa đổi 3 Luật quan trọng của ngành giáo dục; Công bố 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Năm 2024; Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển hơn 20.000 chỉ tiêu năm 2025... là những tin tức giáo dục nổi bật tuần qua

Sửa đổi 3 Luật quan trọng của ngành giáo dục

Chiều 20.3, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) và dự án Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi).

Theo kế hoạch, tháng 10.2025 sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua 3 dự án Luật nói trên; tháng 12.2025 sẽ trình Chủ tịch nước công bố Luật.

z64257361540805724d9fd48b9635584a312051a0a94ad.jpg
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: "Đây là một cuộc cải cách về thể chế, mở đường cho giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu mới, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn; từ đó hoàn thành được trách nhiệm về phát triển giáo dục đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu của thời kỳ mới, giai đoạn mới. Tinh thần là ý thức hết khó khăn, thách thức, tập trung cao độ, đưa ra những gì tốt nhất để tạo điều kiện cho sự phát triển của giáo dục, đào tạo".

Bộ GD-ĐT công bố những thay đổi quan trọng về Quy chế xét tuyển đại học, cao đẳng 2025

Ngày 21.3, Bộ GD-ĐT công bố nội dung thông tin mới nhất trong Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều trong Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2025.

Theo Quy chế tuyển sinh mới của Bộ GD-ĐT, từ năm nay sẽ không còn hình thức xét tuyển sớm do gây kéo dài kỳ tuyển sinh và kém hiệu quả. Các cơ sở đào tạo phải sử dụng kết quả học tập cả năm lớp 12 để xét tuyển, với trọng số không dưới 25%. Đồng thời, các trường phải công khai quy tắc quy đổi điểm giữa các phương thức xét tuyển nhằm bảo đảm công bằng, minh bạch.

Quy chế cũng bỏ giới hạn số tổ hợp xét tuyển, nhưng yêu cầu mỗi tổ hợp phải có ít nhất 3 môn phù hợp, trong đó có môn Toán hoặc Ngữ văn với trọng số không dưới 25%. Từ năm 2026, các môn chung trong tổ hợp phải chiếm ít nhất 50% trọng số.

474474107-925902259667536-842128196931420716-n.jpg
Thí sinh dự thi kỳ thi TSA đợt 1 năm 2025

Việc quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm môn ngoại ngữ được cho phép, nhưng trọng số không vượt quá 50%.

Quy chế đưa ra giới hạn tổng điểm cộng không vượt quá 10% mức điểm tối đa của thang điểm xét (ví dụ với thang điểm 30, tối đa là 3 điểm) để tạo cơ hội công bằng hơn trong xét tuyển.

Các cơ sở đào tạo vẫn có điểm cộng dựa trên đặc thù của cơ sở đào tạo, của yêu cầu đầu vào và khai thác tối đa thế mạnh riêng của thí sinh.

Mỗi thí sinh đều có cơ hội đạt mức điểm tối đa của thang điểm xét nhưng không có thí sinh nào có điểm xét (tất cả các loại điểm cộng, điểm ưu tiên) vượt quá mức điểm tối đa này.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư cho các ngành khoa học, công nghệ cao

Sáng 20.3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Trường Đại học Phenikaa về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, giai đoạn 2021 - 2024. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đinh Công Sỹ chủ trì cuộc làm việc.

a1.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đinh Công Sỹ chủ trì cuộc làm việc với Trường Đại học Phenikaa sáng 20.3. Ảnh: Nghĩa Đức

Từ thực tế hoạt động, Trường Đại học Phenikaa kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư cho giáo dục đại học, nhất là các ngành khoa học, công nghệ cao, các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các trường đại học kết nối với doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu; khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo, cung cấp học bổng, cấp kinh phí cho sinh viên thực tập và nghiên cứu. Cho phép các trường đại học ngoài công lập thí điểm các mô hình giáo dục đại học linh hoạt, kết hợp với đào tạo thực tế…

Ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển nhân lực chất lượng cao gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và thị trường lao động; đẩy mạnh tự chủ đại học, tạo điều kiện cho các trường xây dựng chương trình đào tạo linh hoạt, phù hợp với xu hướng phát triển khoa học - công nghệ. Hỗ trợ tài chính, ưu đãi thuế cho các trường đại học có hoạt động nghiên cứu và đào tạo nhân lực chất lượng cao; xây dựng các quỹ học bổng, hỗ trợ tài chính cho sinh viên xuất sắc và giảng viên có thành tích cao trong nghiên cứu…

Đoàn giám sát đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của Trường Đại học Phenikaa để làm việc với Đoàn. Nội dung báo cáo cơ bản bám sát yêu cầu của đề cương. Tại buổi làm việc, đại diện Trường Đại học Phenikaa cũng đã cung cấp, bổ sung nhiều thông tin, số liệu; làm rõ thêm một số nội dung mà Đoàn giám sát quan tâm, yêu cầu. Những thông tin ghi nhận được sau buổi làm việc sẽ được tổng hợp, phục vụ xây dựng nội dung báo cáo kết quả giám sát.

Ghi nhận những kết quả Trường Đại học Phenikaa đạt được thời gian qua, đặc biệt trong khuyến khích giảng viên, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, Đoàn giám sát mong muốn và đề nghị nhà trường tiếp tục phát huy thế mạnh, vừa thực hiện tầm nhìn, sứ mệnh, vừa đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, tăng cường nguồn lực, tập trung đầu tư cho một số ngành/nghề đào tạo trọng điểm/chất lượng cao, then chốt, đáp ứng nhu cầu về nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, như công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, AI... Xây dựng các chương trình đào tạo theo đơn đặt hàng với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Duy trì và mở rộng liên kết với các trường đại học hàng đầu để trao đổi sinh viên và giảng viên…

Công bố 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024

10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024 có nhiều thành tựu xuất sắc trên các lĩnh vực đã được công bố.

btctd.jpg
10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024

10 gương mặt gồm:

1. Anh Nguyễn Hữu Tiến Hưng, hiện là sinh viên Đại học Y Hà Nội; Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế 2024 - Huân chương Lao động hạng Nhì

2. Anh Thân Thế Công, hiện là sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội; Huy chương Vàng Olympic Vật lý châu Á và quốc tế 2024 - Huân chương Lao động hạng Nhì

3. TS. Phạm Huy Hiệu, Giảng viên Viện Kỹ thuật và khoa học máy tính, chuyên gia nghiên cứu trung tâm sức khỏe thông minh, trường Đại học VinUni - tác giả 4 bằng độc quyền sáng chế; 1 giải pháp phần mềm hữu ích; TS trẻ đã công bố 70 báo khoa học trên các tạp chí và hội thảo quốc tế uy tín.

4. TS. Nguyễn Viết Hương, Phó Trưởng Khoa Khoa học và kỹ thuật vật liệu, Trường Đại học Phenikaa; Quả Cầu Vàng năm 2024; sở hữu một bằng độc quyền sáng chế quốc tế về “Phát triển công nghệ lắng đọng đơn lớp nguyên tử ở áp suất khí quyển”

5. Anh Hoàng Khắc Hiếu, Trưởng Phòng Phát triển 2, Trung tâm Giải pháp Chính phủ, Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; chủ trì nhiều dự án lớn của Viettel đạt doanh thu lớn và mang công nghệ Việt “chinh phục” thế giới.

6. Đại uý Nguyễn Hoàng Hải Quang, Phó Phi Đội trưởng - Tham mưu trưởng, Phi Đội 1, Trung đoàn 925, Sư đoàn 372, Quân chủng Phòng không - Không quân; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trực ban chiến đấu tiêm kích phòng không cấp 2 ngày, đêm...

7. Đại uý Trần Vĩnh Chiến, Phó Đội trưởng Đội 3 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Hồ Chí Minh; điều tra hơn 40 vụ án, vụ việc “Mua bán trái phép chất ma túy” và “Vận chuyển trái phép chất ma túy” với 130 bị can, vật chứng thu giữ hơn 350kg ma túy các loại và nhiều tang vật, tài sản khác có liên quan...

8. Chị Trịnh Thu Vinh, đội Bắn súng Công an Nhân dân; Đội tuyển quốc gia Việt Nam; đạt danh hiệu vận động viên tiêu biểu toàn quốc năm 2024 - Huy chương Vàng Giải bắn súng vô địch châu Á (1/2024) - hạng 4 súng ngắn hơi tại Olympic Paris 2024 - top 5 súng ngắn hơi nữ tại Giải bắn súng vô địch thế giới...

9. Anh Nguyễn Huỳnh Sơn (Soobin Hoàng Sơn), ca sĩ tự do; đạt giải “Anh tài toàn năng”, “Anh tài được yêu thích nhất” tại chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai 2024 - giải thưởng WeChoice Awards năm 2024 hạng mục: EP/Album; màn trình diễn bùng nổ; ca sĩ/rapper có hoạt động đột phá; nhân vật truyền cảm hứng; BFF - Best Fandom Forever...

10. Anh Phùng Quang Trung, trưởng nhóm các bạn trẻ phục dựng ảnh Skyline; tổ chức phục dựng và trao bức ảnh “Bữa cơm bên mẹ” cho gia đình mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngách 109 tuổi (huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) và mẹ Nguyễn Thị Tòn 100 tuổi (tỉnh Thái Bình)...

Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển hơn 20.000 chỉ tiêu năm 2025

Năm 2025, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tuyển sinh 20.285 chỉ tiêu cho 12 đơn vị đào tạo, tăng 2.285 chỉ tiêu so với năm 2024. Trong đó, Trường Đại học Công nghệ được giao chỉ tiêu nhiều nhất với 3.900 chỉ tiêu.

vnu-ussh.jpg
Năm 2025, Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển sinh 20.285 chỉ tiêu cho 12 đơn vị đào tạo (Ảnh: USSH)

Trường Đại học Việt Nhật và Trường Quản trị Kinh doanh vẫn giữ nguyên chỉ tiêu tuyển sinh so với năm trước lần lượt là 450 chỉ tiêu và 500 chỉ tiêu.

Đồng thời, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng giao 1.500 chỉ tiêu tuyển sinh hệ vừa làm vừa học và 810 chỉ tiêu bằng kép cho một số cơ sở đào tạo.

Năm 2025, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến mở mới một số chương trình đào tạo (CTĐT) đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong giai đoạn tới như các ngành kỹ thuật - công nghệ, chip, công nghệ bán dẫn… Các CTĐT chuyên sâu về bán dẫn sẽ được cấp chỉ tiêu riêng.

Lấy ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, thay thế Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT ban hành ngày 26.7.2022. Dự thảo có nhiều nội dung mới nhằm bảo đảm an toàn, chất lượng và minh bạch.

z6411579883070-a19a65d738f8b7114876037441f3da6b.jpg
Dự thảo bổ sung quy định về công khai thông tin và trách nhiệm của các bên liên kết (Ảnh: Quốc Việt)

Dự thảo bổ sung các khái niệm "đơn vị chủ trì", "đơn vị phối hợp", "đơn vị cấp chứng chỉ" để làm rõ vai trò từng bên.

Dự thảo cũng quy định các đơn vị liên kết phải công khai thông tin về chứng chỉ, lệ phí, lịch thi, quyền lợi thí sinh; cập nhật dữ liệu định kỳ 6 tháng/lần. Việc phê duyệt liên kết không đồng nghĩa công nhận tương đương chứng chỉ với Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có thể đình chỉ hoạt động nếu phát hiện vi phạm.

Cục Quản lý chất lượng được giao thẩm quyền tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Thời gian lấy ý kiến góp ý Dự thảo từ nay đến hết ngày 20.5.2025.

Giáo dục

Xây dựng phong trào “Bình dân học vụ số” phải là quá trình liên tục để trở thành văn hóa học tập suốt đời
Giáo dục

Xây dựng phong trào “Bình dân học vụ số” phải là quá trình liên tục để trở thành văn hóa học tập suốt đời

Theo các chuyên gia, để tổ chức phong trào “Bình dân học vụ số” một cách hiệu quả, chất lượng, trước hết cần nâng cao nhận thức. Mỗi người dân, học sinh, giáo viên phải nhận thức được rằng việc trang bị năng lực số là phục vụ chính mình. Phong trào “Bình dân học vụ số” phải là quá trình liên tục, trở thành văn hóa học tập liên tục, xã hội học tập. 

7.200 học sinh tham gia khảo sát PISA trên máy tính toàn quốc
Giáo dục

7.200 học sinh tham gia khảo sát PISA trên máy tính toàn quốc

Năm 2025 là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện khảo sát PISA trên máy tính tại 60/63 tỉnh, thành phố, ở 195 trường với 7.200 học sinh tham gia. Cùng với đánh giá các lĩnh vực đọc hiểu, toán và khoa học, đây cũng là lần đầu tiên học sinh Việt Nam được tham gia đánh giá năng lực học tập trong thế giới số.

Tọa đàm: "Bình dân học vụ số - làm sao triển khai sâu rộng và hiệu quả? "
Tọa đàm - Talkshow

Tọa đàm: "Bình dân học vụ số - làm sao triển khai sâu rộng và hiệu quả? "

Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức cuộc Tọa đàm: “Bình dân học vụ số - Làm sao triển khai sâu rộng và hiệu quả?”, với mong muốn làm rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và tính cấp thiết của phong trào “Bình dân học vụ số”; phân tích những khó khăn, rào cản trong quá trình phổ cập tri thức số tới toàn dân; gợi mở và đề xuất những giải pháp khả thi, sáng tạo và phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, người yếu thế, người cao tuổi, người lao động phổ thông…

Tham dự Tọa đàm có các khách mời: Cục Phó Cục Khoa học Công nghệ và Thông tin (Bộ GD-ĐT) Tô Hồng Nam; PGS.TS. Hà Minh Hoàng, Trưởng Khoa Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Trường Công nghệ, Đại học kinh tế Quốc dân và ông Nguyễn Nhật Quang Hội đồng Sáng lập VINASA -Hiệp hội phần mềm và CNTT Việt Nam.

Hà Nội: Cô giáo giành giải Nhất giáo viên dạy giỏi thành phố với cách xây dựng bài giảng theo 5 tiêu chí
Giáo dục

Hà Nội: Cô giáo giành giải Nhất giáo viên dạy giỏi thành phố với cách xây dựng bài giảng theo 5 tiêu chí

Cô giáo Vũ Thị Lan, giáo viên môn Toán, Trường THPT Đống Đa đã giành giải Nhất, tại hội nghị đánh giá kết quả hội thi giáo viên dạy giỏi thành phố cấp trung học phổ thông năm học 2024-2025. Điểm nhấn trong các bài giảng của cô Lan là nội dung kiến thức bám sát thực tiễn, mang đậm tinh thần phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực học sinh.

 Việt Nam và Ethiopia ký kết hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học
Giáo dục

Việt Nam và Ethiopia ký kết hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học

Chiều 15.4, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali cùng Phu nhân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali đã chứng kiến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam (GDĐT) và Bộ trưởng Bộ Phát triển lao động và Kỹ năng Ethiopia ký, trao Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục đại học giữa Bộ GD-ĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục Ethiopia.

Từ “Let’s Talk” đến hành động: Một thế hệ đang trưởng thành cùng bản lĩnh và trách nhiệm
Giáo dục

Từ “Let’s Talk” đến hành động: Một thế hệ đang trưởng thành cùng bản lĩnh và trách nhiệm

Ngày 12.4 vừa qua tại Hà Nội và TP.HCM, 24 thí sinh xuất sắc của mùa giải đã được chia thành 6 đội thi thuộc 3 bảng theo khu vực Bắc - Nam. Trên sân khấu, các em thể hiện khả năng tiếng Anh trôi chảy, phong thái tự tin và bản lĩnh khi bàn về những vấn đề xã hội nhức nhối, khiến khán phòng nhiều lần bùng nổ trong những tràng pháo tay dài.

Đề nghị có hướng dẫn cụ thể về xã hội hóa trong giáo dục
Thời sự Quốc hội

Đề nghị có hướng dẫn cụ thể về xã hội hóa trong giáo dục

Nguồn lực tài chính cho hoạt động giáo dục trong nhà trường ngoài ngân sách nhà nước, học phí, còn có nguồn tài trợ của cha mẹ học sinh, các tổ chức xã hội, đơn vị, doanh nghiệp. Vì thế, tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đề nghị có hướng dẫn cụ thể hơn về xã hội hóa trong giáo dục.