Khai mạc Olympics 2020

"Sự kiện của hy vọng"

- Thứ Sáu, 23/07/2021, 06:53 - Chia sẻ
Quyết định hoãn Olympic mùa hè Tokyo cuối tháng 3 năm ngoái của Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Thomas Bach và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đánh dấu sự đầu hàng của thể thao thế giới trước đại dịch Covid-19. Sự trở lại của Thế vận hội một năm sau là nỗ lực đáng khen ngợi của Ban tổ chức và nước chủ nhà. Mặc dù quy mô bị thu hẹp đáng kể cùng những khán đài thinh lặng, nhưng như Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu, lúc này thế giới cần Olympics “như sự kiện của hy vọng”.

Mặc dù các môn thi đấu đầu tiên đã bắt đầu hôm 20.7, nhưng hôm nay, 23.7, Thế vận hội Tokyo 2020 mới chính thức khai mạc, muộn hơn một năm so với thời gian ban đầu, mùa hè 2020. Hoàng gia Nhật Bản ngày 20.7 cho biết, Nhật Hoàng Naruhito sẽ tham dự và tuyên bố khai mạc Olympics 2020 nhưng Hoàng hậu Masako sẽ không cùng dự khán sự kiện này. Được tổ chức tại Sân vận động Quốc gia ở Thủ đô Tokyo, lễ khai mạc Olympics 2020 tuy không mở cửa cho khán giả nhưng vẫn có sự hiện diện của khoảng 1.000 khách VIP.

	Olympic Tokyo 2020 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khó khăn nhưng vẫn đáng để chờ đợi - Nguồn: IOC
Olympic Tokyo 2020 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khó khăn nhưng vẫn đáng để chờ đợi
Nguồn: IOC

Bóng đen Covid-19

Trong nỗ lực vớt vát những gì đã bỏ ra sau hơn 7 năm chuẩn bị, Ban tổ chức nước chủ nhà đã nghiên cứu và đề xuất hàng loạt giải pháp, cũng như cùng Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) tiếp tục cuộc chiến chống Covid-19, nhằm đem lại môi trường an toàn nhất cho Thế vận hội.

Thế nhưng, Nhật Bản, cũng như phần còn lại của thế giới, đang trải qua làn sóng dịch thứ tư, với xu hướng tăng trở lại số ca nhiễm mới. Số ca nhiễm trung bình một ngày lên tới hơn 3.500 người cùng nguồn cung vaccine chưa hoàn toàn ổn định đang phủ bóng đe dọa lên quyết tâm tổ chức thành công sự kiện đã tiêu tốn của đất nước Mặt trời mọc gần 29 tỷ USD. Nỗi lo sợ dịch bệnh đã lấn át tâm trạng hào hứng của người dân Nhật đón chờ ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh.

Khán đài không khán giả?

Đúng như dự đoán và những lo ngại của giới chuyên môn, Olympic Tokyo 2020 sẽ diễn ra hầu như không có khán giả. Ước tính thiệt hại của Thế vận hội lúc này đã lên tới gần 6 tỷ USD, và con số này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng. Việc đóng cửa tuyệt đối với khán giả nước ngoài và hạn chế khán giả trong nước làm trầm trọng thêm những thống kê đáng buồn như trên. Cho đến đầu tháng 5, chính quyển sở tại vẫn còn hết sức lạc quan về khả năng lấp kín phân nửa các sân vận động tổ chức Thế vận hội. Song tình hình dịch bệnh đang bùng phát trở lại, nhiều vùng trên cả nước Nhật vẫn chưa dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp. Nếu những ngày tới tình hình trầm trọng hơn, các môn thi đấu có thể buộc phải diễn ra trước những khán đài không khán giả.

Đối với các vận động viên, đây cũng là kỳ Olympics khó khăn bậc nhất trong sự nghiệp của họ. Khi lễ khai mạc chưa diễn ra, làng vận động viên đã phát hiện hàng loạt ca dương tính với Covid-19 và phải chia tay sớm đại hội thể thao lớn nhất thế giới. Trong số những biện pháp được áp dụng tại Olympics 2020, quy trình “bong bóng” được coi là xương sống. Chu trình khép kín giữa nơi ở, tập luyện và thi đấu được áp dụng thành công tại nhiều sự kiện thể thao lớn cuối năm 2020, đầu năm 2021, tiếp tục được kỳ vọng giúp Olympics 2020 diễn ra an toàn và suôn sẻ cán đích. Ngoài ra, có một số sáng kiến mới ngăn ngừa sự tồn tại và lây lan của mầm bệnh, như giường làm bằng bìa carton thay cho kim loại. Đây là những tấm lá chắn bảo vệ phía ngoài, bên cạnh lớp phòng vệ quan trọng nhất là vaccine (tất cả thành viên các đoàn thể thao đến Nhật Bản đều phải tiêm phòng Covid-19 đủ 2 liều), giúp vận động viên an tâm phần nào bước vào các cuộc tranh tài đỉnh cao.

Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Thế vận hội Mùa hè Tokyo 2020 với 18 vận động viên, tranh tài ở 11 môn thi đấu, trong đó những môn như bơi lội, cử tạ được kỳ vọng giành huy chương với những cá nhân xuất sắc như Nguyễn Huy Hoàng, Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên.

Khát khao bất chấp thử thách

Sau hai sự kiện bóng đá đỉnh cao mang tầm châu lục tại châu Âu và Nam Mỹ, đến lượt Thế vận hội được chờ đợi sẽ làm thỏa mãn những con tim hâm mộ thể thao toàn cầu. Sự vắng vẻ trên các khán đài, những dấu vết của đại dịch, chắc chắn sẽ khiến Olympic Tokyo 2020 thành Thế vận hội mùa hè buồn tẻ, lo âu nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, nước chủ nhà Nhật Bản và Ban tổ chức đang nỗ lực cao nhất vì một Olympics an toàn.

Hơn 11.000 vận động viên đến từ 204 quốc gia sẽ tranh 339 bộ huy chương ở 33 môn thể thao. Nhiều người trong số họ giành suất đặc cách do thiếu vắng nội dung vòng loại ở châu lục và khu vực do bối cảnh phức tạp của đại dịch. Không có sự chuẩn bị tốt nhất cho ngày hội lớn, nhiều vận động viên đứng trước sức ép không nhỏ. Tuy vậy, khát khao chinh phục các đỉnh cao mới trong thể thao luôn là động lực lớn, góp phần không nhỏ vào màn thể hiện của các vận động viên. Giữa những khán đài thinh lặng, người hâm mộ và giới chuyên môn vẫn chờ đợi sẽ có nhiều kỷ lục mới, đúng với tinh thần thể thao nguyên thủy: “Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn”.

Phát biểu trước các thành viên IOC tại phiên họp ở Thủ đô Tokyo ngày 21.7, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Olympic có sức mạnh để đưa thế giới xích lại gần nhau, truyền cảm hứng, thể hiện những gì có thể. Cầu mong những tia hy vọng từ vùng đất này sẽ chiếu sáng một bình minh mới cho một thế giới khỏe mạnh, an toàn hơn và công bằng hơn”.

Trần Anh