Sử dụng tùy tiện tượng linh vật ngoại lai sẽ ảnh hưởng đến không gian văn hóa cổ truyền
Theo NHÀ NGHIÊN CỨU VĂN HÓA DÂN GIAN NGUYỄN HÙNG VĨ, việc sử dụng tùy tiện tượng linh vật ngoại lai tại một số di tích làm ảnh hưởng đến không gian văn hóa cổ truyền của người Việt, đến bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện sự kém cỏi của mỹ thuật Việt hiện thời. Vì vậy, nâng cao dân trí, ý thức tôn trọng văn hóa nghệ thuật, chúng ta không những bảo vệ được bản sắc văn hóa mà còn khẳng định vị thế quốc gia dân tộc trong thế giới hiện đại.
- Thời gian qua, tại một số địa phương đã xảy ra hiện tượng tự ý đưa vào đình, đền, chùa các biểu tượng, linh vật như sư tử, tỳ hưu… bằng đá, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, trái quy định của luật pháp về di sản văn hóa. Ý kiến của Ông về hiện tượng này như thế nào?
- Xác định thế nào là thuần phong mỹ tục trong sự phong phú, phức tạp của phong tục, tập quán, tín ngưỡng nghe qua thì trơn tru nhưng thực chất rất khó khăn. Tiêu chuẩn về cái gọi là giá trị văn hóa không phải bao giờ cũng mạch lạc. Ở vấn đề chúng ta đang quan tâm, thực chất của câu chuyện nằm ở chỗ khác. Có thể chỉ ra mấy điểm không tích cực của hiện tượng trên. Thứ nhất, tâm lý sùng ngoại lan tràn trong xã hội. Nguyên nhân ở chỗ của nội phẩm chất kém, giá cả không tương ứng, nên tạo tâm lý chung là xài của ngoại. Tâm lý tiêu dùng này, từ tiện nghi, lan sang cả sản phẩm văn hóa. Thứ hai, tâm lý mê tín lan tràn trong đời sống ở thời buổi hội nhập kinh tế thị trường khiến các hành vi cung tiến, trấn yểm, phong thủy nảy nở như nấm sau mưa, làm gia tăng sự xuất hiện các linh vật trong không gian tín ngưỡng thần bí, mang vỏ ngôn ngữ là văn hóa tâm linh, đẩy xã hội Việt Nam vào sự vận động nhộn nhạo. Thứ ba, pháp luật và những quy định pháp lý về bảo tồn di sản chưa thực sự hoàn chỉnh, đặc biệt, chưa trở thành ý thức thường trực của công dân. Tinh thần thượng tôn pháp luật trong bảo vệ di tích chưa cao, dẫn tới việc sửa chữa, duy tu, cung tiến tràn lan, làm biến dị di tích.
![]() Tượng nghê bằng gỗ, thế kỷ XVII, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam |
- Thực tế, nhiều người, trong đó có cả người sản xuất biểu tượng, linh vật, nhầm lẫn giữa nghê, sư tử đá của Việt Nam với nghê, sư tử đá của Trung Quốc. Xin Ông cho biết, các linh vật thuần Việt khác linh vật cùng loại của Trung Quốc và các nước trong khu vực ở những điểm nào?
- Trong văn hóa Phật giáo, nghê là một loại sư tử, gọi là con toan nghê, tòa sư tử (sư tử tọa) cũng được gọi là tòa nghê (nghê tọa). Sư tử đá Việt Nam trước đây mang ảnh hưởng đậm nét của cội nguồn Phật giáo. Chúng ta biết rằng, sư tử chủ yếu là giống thú phương nam. Nếu người Ấn Độ coi sư tử là chúa sơn lâm thì người Trung Hoa lại coi hổ mới là chúa. Biểu tượng sư tử trong văn hóa Phật giáo xuất hiện thường xuyên, tượng trưng cho chính Đức Phật, cho sức mạnh của Phật pháp và cả sức mạnh của Bồ tát, A la hán. Vì vậy, hình tượng sư tử không chỉ được thể hiện dũng mãnh, mà còn tượng trưng cho tâm từ bi, cho trí tuệ hướng đạo con người đến cõi Niết bàn. Sư tử Trung Hoa, từ việc tiếp thu văn hóa phương nam, trong quá trình phát triển, nghiêng hẳn về phía sức mạnh, sự dũng mãnh và năng lực hủy diệt. Sư tử dần được tiếp nhận với tư cách vật bảo vệ, thậm chí mang tính tiêu cực, tính ác. Thành ngữ Sư tử Hà Đông ra đời vào cuối thời Đường là một trong những ví dụ. Cho nên, nhìn nghê, sư tử ở các di tích cổ Việt Nam sẽ thấy khác hẳn hình ảnh sư tử Tàu nanh nọc và hiếu chiến mà chúng ta đang nhập vào.
- Theo Ông, việc sử dụng tràn lan linh vật ngoại lai (ở đây là sư tử đá, tỳ hưu theo văn hóa Trung Quốc) sẽ ảnh hưởng như thế nào đến không gian văn hóa tâm linh của người Việt?
- Bốn chữ văn hóa tâm linh nghe ra rất mới. Người Việt chúng ta rất tài, có thể tạo ra những ngôn từ rất hay, rồi dùng mãi thành quen. Theo cụ Đào Duy Anh thì tâm linh là cái trí tuệ có trong lòng người (intelligence). Theo Gs Trần Đình Sử thì văn hóa tâm linh là mysterious culture, chính là cái ngày xưa các cụ dịch là văn hóa thần bí. Nghĩ ra 4 từ văn hóa tâm linh sao mà tài vậy. Nó là cái túi thần đựng hết được cả mê tín, mê muội lẫn những tín ngưỡng, những ẩn ức thần linh của con người, rồi ai sử dụng thế nào thì tùy. Tôi cho rằng, việc sử dụng tùy tiện linh vật ngoại lai làm ảnh hưởng đến không gian văn hóa cổ truyền của người Việt, đến bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện sự kém cỏi của mỹ thuật Việt hiện thời, lý lẽ rất nhiều nhưng tiếp thu truyền thống để đẽo một loại linh thú có sức cạnh tranh trên thị trường quá yếu.
- Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm vừa giới thiệu các mẫu tượng linh vật của Việt Nam. Trước đó, Bộ VH, TT và DL có công văn gửi các ban, bộ, ngành, Sở VH, TT và DL các tỉnh/thành, các cơ quan, đơn vị, yêu cầu không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Theo Ông, chúng ta có thể giải quyết dứt điểm thực trạng này không?
![]() Tượng nghê bằng gỗ, thế kỷ XVII, Thái miếu nhà Lê, Thanh Hóa |
- Không thể kỳ vọng vào bất cứ sự giải quyết dứt điểm nào cả. Văn hóa là một quá trình, là sự tiếp biến và hội nhập. Biện pháp hành chính là cần thiết nhưng nhiều khi đưa ra một cách đơn phương thì có thể cực đoan, chỉ có hiệu quả nhất thời. Ví dụ, trong công văn có những từ thuần phong mỹ tục thì cán bộ văn hóa cơ sở giải thích cho trọn nghĩa với người ta đã đủ khổ rồi. Tôi vẫn thấy chủ trương nâng dần dân trí, nâng cao ý thức tôn trọng văn hóa nghệ thuật như một thứ quyền lực mềm trong thế giới hiện đại, thì dần dần chúng ta không những bảo vệ được bản sắc văn hóa mà còn khẳng định vị thế quốc gia dân tộc.
- Xin cám ơn Ông!