Sử dụng ODA hiệu quả để nợ công an toàn

Vũ Dũng thực hiện 09/12/2010 00:00

Kết thúc Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) cho Việt Nam, các nhà tài trợ đã cam kết dành cho Việt Nam 7,9 tỷ USD. Đây là con số đáng phấn khởi trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới đang gặp khó khăn, và các nhà tài trợ cũng khó khăn. Song, vấn đề đang được đặt ra hiện nay đối với thế giới và Việt Nam là: khủng hoảng nợ công và ngưỡng nợ công an toàn. Theo Cố vấn chính sách cao cấp Chương trình nâng cao năng lực toàn diện quản lý ODA của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Dương Đức Ưng, số vốn tài trợ chỉ là một vế, vế quan trọng hơn là sử dụng vốn đó có hiệu quả và trả được nợ hay không?

- Năm 2010, chúng ta có 8 tỷ USD vốn ODA tài trợ. Năm nay, mức tài trợ là 7,9 tỷ USD. Ông đánh giá thế nào về mức độ giải ngân của chúng ta?

- Khối lượng ODA cam kết tốt, năm sau cao hơn năm trước. Giải ngân về cơ bản cũng tốt. Nhưng tiến bộ này là chưa đủ. Vì so với mức ODA các nhà tài trợ dành cho Việt Nam thì hiện nay mới giải ngân được trên 50%. Một lượng vốn lớn đang còn, và phải chuyển sang giải ngân những năm tới đây, làm cho nhiệm vụ giải ngân còn nặng nền hơn nữa. Trong khâu này, đang cần sự đột phát - thì mới có thể sử dụng và giải ngân hiệu quả vốn ODA.

Đánh giá sơ bộ tình hình thực hiện Đề án ODA thời kỳ 2006 - 2010

- Cam kết vốn ODA giai đoạn 2006 – 2009 đạt 23,8 tỷ USD. Chỉ tiêu là 19 – 21 tỷ USD.

Ký kết hiệp định vốn ODA: dự kiến đạt 21,3 tỷ USD. Chỉ tiêu là 12,35 – 15,75 tỷ USD.
- Giải ngân vốn ODA: dự kiến đạt 13,8 tỷ USD. Chỉ tiêu là 11 đến 11,9 tỷ USD.

Nguồn: Báo cáo của Chính phủ tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho VN, tháng 12.2010.

- Khâu đột phá như Ông nói là gì?

- Khâu đột phá theo tôi là phải giải quyết tốt các quy trình, thủ tục ở trong nước. Bên cạnh đó, phải hài hòa các thủ tục của chúng ta với thủ tục của các nhà tài trợ. Đây là vấn đề phải được coi trọng và sớm thực hiện thì mới có thể đẩy nhanh giải ngân các dự án ODA.

- Ông đánh giá thế nào khi trong Hội nghị CG lần này, các nhà tài trợ cũng có những lo ngại về một số bất ổn kinh tế cũng như sử dụng vốn của khối doanh nghiệp Nhà nước?

- Nói chung, việc sử dụng vốn của chúng ta có hiệu quả, trong đó có ODA. Nói riêng thì cũng có một vài trường hợp cá biệt. Ví dụ các nhà tài trợ thường hay nói đến vụ Vinashin, việc sử dụng vốn, trong đó có vốn công chưa hiệu quả. Tại hội nghị, nhiều nhà tài trợ đã đề cập: chúng ta đã sắp tiếp cận đến giới hạn an toàn của nợ công. Vì vậy phải chăm lo quản lý nợ.

- Thưa Ông, có đáng lo ngại về việc ODA gây sức ép đối với nợ công không khi những biến động tỷ giá vừa qua cho thấy những bất lợi về nợ?

- Theo quan điểm của tôi, trong nợ Chính phủ hiện nay, ODA chiếm 70%. Vì vậy phải quan tâm sử dụng các nguồn vốn này, và đặc là quan hệ tỷ giá. Bởi, chúng ta vay nhiều đồng tiền khác nhau, có thể vay Euro, vay đồng Yên, vay USD. Và với tất cả các đồng tiền đó, chúng ta phải đứng trước những rủi ro về tỷ giá.

Sắp tới đây, các nhà tài trợ sẽ mở các kênh tín dụng mới, trong đó cho phép chúng ta linh hoạt vay nhiều đồng tiền khác nhau, không những vay USD, Yên Nhật, Euro, mà có thể cả tiền VNĐ. Phải tính toán để giảm tối đa những rủi ro về tỷ giá. 

- Có chuyên gia cho rằng, ODA là công cụ để các nhà tài trợ hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Vậy, trong tương lai chúng ta có nên giảm bớt các nguồn vốn này không?

- Đó là quan điểm chính xác, vì ODA là công cụ kinh tế và ngoại giao để phát triển quan hệ giữa Việt Nam với các nước cũng như các nước muốn quan hệ với Việt Nam. Vì vậy, cùng với tất cả những công cụ khác, Việt Nam phải sử dụng công cụ này hiệu quả.

Trong chiến lược 5 năm và 10 năm tới, chúng ta có chủ trương tiếp tục huy động mọi nguồn lực, trong đó tài trợ phát triển ODA, nếu như chúng ta sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này.

- Việt Nam đang tiến đến nước có mức thu nhập trung bình, vì vậy, việc tiếp cận vốn ODA sẽ khó hơn, mà thay vào đó là các khoản vay tín dụng? Theo Ông, vấn đề này sẽ phải giải quyết như thế nào?

Việt Nam đã là nước thu nhập trung bình với thu nhập khoảng 1.160 USD/người/năm.

Theo chính sách tài trợ của nước ngoài, họ sẽ thay đổi chính sách đối với các nước có thu nhập trung bình. Vì từ trước đến nay, ODA chủ yếu dành cho những nước nghèo và thu nhập thấp. Nay chúng ta đã có mức thu nhập trung bình thì cơ cấu sẽ giảm đi. Tức là viện trợ không hoàn lại sẽ giảm xuống, thay vào đó, viện trợ vốn vay với các điều kiện khó khăn hơn sẽ tăng lên. Nhưng dù khó khăn hơn cũng sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc phải tiếp cận vốn thương mại. Vì vậy, vẫn tiếp tục khai thác nguồn vốn này.

Song, phải khai thác một cách thông minh, vì phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận khó khăn hơn. Đó là tổ hợp của các yếu tố tài chính khác nhau, thời hạn vay trả, thời gian ân hạn… Dùng vốn vay vào những lĩnh vực thật cần thiết để mang lại hiệu quả. Và đặc biệt phải bảo đảm rằng, chúng ta không được lãng quên các lĩnh vực ODA đã tài trợ, đó là xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp và nông thôn. Song cũng không nên chi quá tay. Quan trọng nhất là chúng ta vay và bảo đảm khả năng trả nợ, tức là bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn.

- Xin cám ơn Ông!

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sử dụng ODA hiệu quả để nợ công an toàn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO