Ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách:
Cần có lộ trình phù hợp
Mức tăng thuế như hai phương án Bộ Tài chính đưa ra có thể sẽ làm cho tỷ trọng thuế trong giá bán thuốc lá tăng lên. Chẳng hạn, hiện tại tỷ trọng thuế khoảng 36% thì đến năm 2030 sẽ lên đến 59,4%, tức tăng lên khoảng 23%. Trong khi số lượng người tiêu dùng có thể giảm từ 42,7% như hiện nay xuống còn 38% vào năm 2030 (giảm 4%). Như vậy, thuế tăng 23% nhưng tiêu dùng chỉ giảm 4%. Trong khi đó theo dự báo, đến năm 2030, ngân sách thu được 39.000 tỷ đồng, so với mức 23.000 tỷ tiền thuế TTĐB như hiện nay. Tốc độ tăng thuế này 69,5% lớn hơn cả tốc độ tăng của tỷ suất thuế 23%. Nếu đạt được con số này thu ngân sách thực sự đạt được thành công lớn. Tuy nhiên, cũng cần đánh giá kỹ hơn về những con số này.
Về tác động đến thu ngân sách từ thuế thuốc lá, nếu điều chỉnh thuế làm giảm thu ngân sách (do việc tăng thuế khiến sản lượng tiêu dùng hợp pháp giảm mạnh) thì vấn đề này phải cân nhắc lại. Bởi khi đó mục tiêu tăng thu ngân sách không đạt được, trong khi không kiểm soát được tình hình thuốc lá lậu.
Khi tính đến các phương án đánh thuế phải xem xét các phương án chuyển dịch hoạt động sản xuất để người dân vẫn có được sinh kế tốt và không ảnh hưởng tiêu cực đến bình ổn chung của đời sống kinh tế - xã hội. Khi đó cải cách thuế của chúng ta mới đạt được mục tiêu. Rõ ràng trồng lá thuốc lá là một trong những sinh kế căn bản, bền vững của người dân ở những vùng có ít lựa chọn các sản phẩm cây trồng. Và khi chúng ta đánh thuế TTĐB đối với thuốc lá thì đương nhiên là nhu cầu sản xuất sẽ giảm đi, dẫn đến nguyên liệu đầu vào phải giảm, từ đó ảnh hưởng trực tiếp ngay những nhóm đối tượng này.
Nếu chúng ta chỉ đơn thuần dựa vào công cụ kinh tế là tăng thuế dẫn đến tăng giá để hạn chế tiêu dùng đối với thuốc lá thì tôi cho rằng sẽ không thành công. Mà cùng với việc tăng thuế cần phải kèm theo biện pháp quản lý hành chính. Do đó, chúng ta cần có lộ trình tăng thuế phù hợp. Cùng với công cụ thuế cần tuyên truyền và các biện pháp quản lý hành chính khác để hạn chế sử dụng thuốc lá.
Theo đó, Việt Nam cần phải quản lý chặt chẽ các kênh bán thuốc lá, kiểm soát chặt thuốc lá lậu. Nếu người tiêu dùng không thể tiếp cận thuốc lá lậu dễ dàng thì sẽ hạn chế hành vi tiêu dùng thuốc lá. Tôi cho rằng, triển khai một loạt các biện pháp tổng thể để có tác động toàn diện, từ đó đạt được mục tiêu hạn chế sử dụng thuốc lá chứ không chỉ dựa vào một công cụ duy nhất là tăng thuế.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam:
Tính toán tăng thuế để tránh ảnh hưởng đến vùng trồng nguyên liệu
Hai phương án của dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ Đặc biệt (sửa đổi) giống nhau ở chỗ là đến năm 2030 đều tăng lên là 10.000 đồng/bao khi áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp. Với mức tăng như vậy là tương đối cao so với lộ trình trước đây khi chúng ta điều chỉnh thuế từ năm 2019. Tôi cho rằng phương án 1 hợp lý hơn so với phương án 2, vì phương án 1 (75%+ 2.000 đồng/bao) có ưu điểm là tăng đều hàng năm thay vì tăng đột ngột như ở phương án 2 (75%+ 5.000 đồng/bao). Tuy nhiên, cả hai phương án có mức thuế tuyệt đối cộng với 75% theo thuế tương đối thì tính ra tổng mức thuế hỗn hợp vẫn cao, cho nên cần cân nhắc lại mức điều chỉnh thấp hơn 2.000 đồng/bao thì sẽ phù hợp hơn.
Các số liệu cho thấy, ở Việt Nam tỷ lệ hút thuốc lá ở nhóm thu nhập thấp lại chiếm tỷ trọng cao hơn nhóm có thu nhập cao. Các đối tượng này sẽ tìm đến loại thuốc lá khác phù hợp với túi tiền của mình khi giá bán lẻ thuốc tăng do thuế TTĐB tăng. Từ đó, giá thuốc lá chính thống tăng lên nhiều, điều này có thể sẽ đẩy người tiêu dùng tìm đến nguồn thuốc lá bất hợp pháp. Như vậy vô hình trung, mục tiêu của Chính phủ nhằm hạn chế tiêu dùng sẽ không đạt được.
Ngoài ra, khi tăng thuế phải cân nhắc ảnh hưởng đến vùng nguyên liệu và sản xuất của ngành thuốc lá, các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động.
Bài toán đặt ra, cơ quan soạn thảo cần tính toán để việc điều chỉnh thuế hợp lý, có lộ trình từ từ để có thể hài hòa hoặc hạn chế những tác động tiêu cực cho các bên liên quan.
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Chủ tịch Công ty PwC Việt Nam:
Đề xuất giãn lộ trình tăng thuế
Về hai phương án tăng thuế của dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), PwC Việt Nam đã thực hiện một số mô hình để đánh giá tác động về mặt tài chính, bao gồm việc tăng thuế sẽ làm tăng buôn lậu thuốc lá như thế nào. Theo tính toán của chúng tôi, cho dù phương án nào đi nữa thì giá bán lẻ thuốc lá vào năm 2030 sẽ tăng trung bình khoảng 100%. Giá thuốc lá tăng, nếu không có biện pháp kiểm soát, người tiêu dùng sẽ có xu hướng tìm đến thuốc lá lậu. Sản lượng thuốc lá hợp pháp có thể sẽ giảm từ 40 - 45% trong khi thuốc lá bất hợp pháp sẽ tăng ở mức tương tự lên đến 45% (tỷ lệ thuốc lá lậu hiện nay là khoảng 12%).
Bất kỳ một chính sách nào cũng phải xem xét sự ảnh hưởng đến tất cả các bên có liên quan. Thực tế những năm gần đây Việt Nam tự đáp ứng được một phần lớn nguồn nguyên liệu của mình. Đây là một nỗ lực lớn của ngành thuốc lá vì trước đây chúng ta phải đi nhập sợi thuốc lá từ nước ngoài về để sản xuất. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu trong nước thì xây dựng vùng trồng bền vững là điều cốt lõi. Nếu như sản xuất giảm do tăng thuế đột ngột thì vùng trồng nguyên liệu sẽ bị thu hẹp.
Do đó, có thể cân nhắc nên giãn lộ trình, 2 - 3 năm tăng thêm 1.000 đồng/bao thì cả người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất có đủ thời gian để chuyển đổi trong hành vi tiêu dùng và hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng chuyển đổi lên phân khúc cao cấp hơn, liên tục cải thiện chất lượng sản phẩm.
Tại Tọa đàm “Cân nhắc lộ trình khi sửa thuế tiêu thụ đặc biệt”, các khách mời đều đồng tình việc tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá nhằm hướng đến mục tiêu hạn chế tiêu dùng là cần thiết. Tuy nhiên nếu thuế tăng quá nhanh, không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ sẽ tạo cơ hội cho thuốc lá lậu tăng nhanh, gây ra nhiều hệ lụy cho kinh tế - xã hội: Nhà nước bị thất thu thuế, doanh nghiệp chính thống phải "cạnh tranh" với các sản phẩm bất hợp pháp trôi nổi trên thị trường, thu hẹp sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến việc làm của người lao động, gây bất ổn về an sinh xã hội cho người nông dân... Các khách mời kiến nghị, không nên tăng thuế quá đột ngột như đề xuất hiện nay và nên có lộ trình phù hợp để người tiêu dùng và các doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi, tránh ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách dài hạn.