Kỳ họp thứ Nhất, HĐND tỉnh Hà Tĩnh Khóa XVIII

Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư

- Thứ Ba, 29/06/2021, 05:30 - Chia sẻ
Bên cạnh tập trung kiện toàn các chức danh chủ chốt của HĐND, UBND tỉnh nhiệm kỳ mới, Kỳ họp thứ Nhất, HĐND tỉnh Hà Tĩnh Khóa XVIII cũng dành thời gian thỏa đáng để thảo luận, đóng góp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Nhiều ý kiến tâm huyết cho rằng, cần tuân thủ nghiêm các quy định về đầu tư công; cân đối đủ nguồn lực và bảo đảm sử dụng có hiệu quả để thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách phục vụ yêu cầu phát triển.

Phát huy vai trò tập thể, khơi dậy trách nhiệm cá nhân 

Bước vào nhiệm kỳ mới trong thời điểm Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, HĐND tỉnh Hà Tĩnh Khóa XVII nói riêng, bộ máy chính quyền tỉnh nói riêng đang đứng trước những yêu cầu mới. Điều đó, đòi hỏi HĐND tỉnh phải tiếp tục củng cố tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động, phát huy năng lực, trí tuệ, tâm huyết của mỗi đại biểu và sức mạnh tập thể để giải quyết những vấn đề lớn, có tính chiến lược, đột phá cho sự phát triển của tỉnh. 

Để đảm đương nhiệm vụ đó, Kỳ họp thứ Nhất HĐND tỉnh Khóa XVII đã tập trung bầu ra những cán bộ có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất tham gia chính quyền địa phương. Tái đắc cử Chủ tịch HĐND tỉnh với tín nhiệm tuyệt đối của các đại biểu, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng khẳng định: Sẽ cùng tập thể HĐND tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, nhất là giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng theo thẩm quyền. Thường xuyên liên hệ, gắn bó mật thiết với Nhân dân; tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ. Cùng với đó, luôn phát huy vai trò tập thể trong chỉ đạo, điều hành, thẩm tra, giám sát; khơi dậy tinh thần năng động, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu.

Tương tự, người đứng đầu UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 Võ Trọng Hải cũng cam kết sẽ không ngừng đổi mới, xây dựng tập thể đoàn kết, liêm chính, kỷ cương, thống nhất, hành động; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của HĐND tỉnh… “Tập trung cao, dồn sức chỉ đạo thực hiện 5 chương trình trọng điểm, 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế gắn với an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân”, ông Hải nhấn mạnh.

Đại biểu phát biểu tại kỳ họp

Cân đối nguồn lực cho dự án quan trọng, cấp bách

Ngay sau kiện toàn các chức danh lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh nhiệm kỳ mới, HĐND tỉnh cũng đã bắt tay ngay vào thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Trong đó, có việc quyết định các chủ trương lớn phục vụ yêu cầu phát triển của tỉnh trong năm 2021 cũng như cả giai đoạn, trọng tâm là Tờ trình dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Đa số ý kiến cho rằng, theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, việc UBND tỉnh trình HĐND tỉnh cho ý kiến về tờ trình là cần thiết và đúng thẩm quyền. Tại Văn bản số 419 ngày 2.4.2021 của Thủ tướng Chính phủ, vốn dự kiến được thông báo cho tỉnh là 22.726,031 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại kỳ họp này, UBND mới trình HĐND tỉnh cho ý kiến về dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương, còn vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương mới chỉ là dự kiến sơ bộ, chưa có phương án cụ thể… UBND tỉnh cần chủ động bám sát quy định của Luật Đầu tư công để sớm triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước, trình HĐND tỉnh.

Về phương án phân bổ ngân sách trung ương đầu tư theo các ngành, lĩnh vực (4.369,7 tỷ đồng), Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga cho rằng: UBND tỉnh đã bám sát mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX để xem xét, ưu tiên bố trí vốn ngân sách trung ương cho các dự án cấp bách, cần thiết, tập trung cho dự án kết cấu hạ tầng chiến lược, trọng điểm, có tác động lan tỏa đến phát triển của tỉnh và đời sống Nhân dân; bám sát danh mục dự kiến tại Nghị quyết số 228/NQ-HĐND ngày 14.9.2020 của HĐND tỉnh…

Tuy nhiên, đối với danh mục dự án khởi công mới dự kiến bố trí nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu (giai đoạn 2021 - 2025), nếu theo thứ tự ưu tiên bố trí đủ vốn cho dự án ODA, dự án dự kiến chuyển tiếp theo Nghị quyết số 228/NQ-HĐND của HĐND tỉnh thì số vốn còn lại dành cho khởi công mới rất ít (dưới 1.000 tỷ đồng). Trong khi UBND tỉnh đề xuất bố trí cho khởi công mới hơn 3.000 tỷ đồng chưa thực sự phù hợp. “Theo tính toán, nhu cầu vốn từ nguồn ngân sách địa phương cho 24 dự án khởi công mới là 1.632 tỷ đồng (xấp xỉ 40% so với nguồn ngân sách Trung ương dự kiến bố trí). Đây là phương án rất khó khả thi, bởi cân đối ngân sách địa phương từ nguồn xây dựng cơ bản tập trung phân cấp cho ngành, lĩnh vực theo tiêu chí, định mức của Nghị quyết 245/NQ- HĐND cho cả giai đoạn chỉ có 2.016 tỷ đồng. Do đó, cần có phương án cân đối phù hợp thực tiễn”, bà Nga nhấn mạnh.

Liên quan đến danh mục dự án sử dụng vốn nước ngoài (ODA), theo phương án UBND tỉnh trình thì nhu cầu vốn cho các dự án chuyển tiếp, dự án khởi công mới và chuẩn bị đầu tư rất lớn (11.167,5 tỷ đồng) nhưng giai đoạn này chỉ được thông báo 2.193 tỷ đồng, mới chỉ đạt 19,6% nhu cầu, dự kiến bố trí cho 14 dự án… Các ý kiến đề nghị UBND tỉnh cân nhắc, lựa chọn các dự án cần thiết, cấp bách và bảo đảm điều kiện; huy động các nguồn hợp pháp khác để bố trí, nhất là các dự án chuyển tiếp để sớm hoàn thành dự án và nâng cao hiệu quả đầu tư; đồng thời, bố trí nguồn vốn đối ứng cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện.

Bày tỏ nhất trí với nội dung tờ trình và dự thảo Nghị quyết do UBND tỉnh trình, các thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng: Đối với nội dung vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương (9.672 tỷ đồng), UBND tỉnh cần căn cứ các nguyên tắc, tiêu chí, định mức quy định tại Nghị quyết số 245/2020/NQ-HĐND ngày 6.12.2020 của HĐND tỉnh để xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 trình HĐND tỉnh quyết nghị theo thẩm quyền…

Diệp Anh