Kế hoạch cải cách di cư của châu Âu còn được biết đến với tên gọi “Hiệp ước mới về di cư và tị nạn” đã được các Chính phủ của EU phê duyệt. Kế hoạch này được coi là một cuộc đại tu toàn diện nhằm đưa chính sách di cư của EU sang một trang mới sau một thập kỷ các quốc gia thành viên phản ứng đơn lẻ, lúng túng và thiếu đồng bộ trước cuộc khủng hoảng di cư bùng phát từ những năm 2015. Hiệp ước đưa ra nhiều thủ tục mới để sàng lọc người di cư, xác định khả năng hội đủ điều kiện để được bảo vệ quốc tế và trục xuất những người không đủ điều kiện. Ngoài sự phản đối của Hungary và Ba Lan, vốn từ lâu phản đối các nghĩa vụ bắt buộc trong việc tiếp nhận hoặc tài trợ hỗ trợ người di cư, các cải cách đã được thông qua với đa số cần thiết.
Nội dung chính của cuộc cải cách
Người di cư sẽ được sàng lọc tại ngay tại biên giới của quốc gia EU nơi họ nhập cảnh lần đầu tiên. Quy trình này bao gồm thủ tục kiểm tra, đánh giá danh tính người di cư (từ 6 tuổi) để xác định mọi rủi ro về sức khỏe hoặc an ninh. Công tác này sẽ được hoàn thành trong vòng 7 ngày và mọi thông tin được ghi vào cơ sở dữ liệu vân tay Eurodac mới. Chẳng hạn, nếu một gia đình di cư đến bờ biển Italy, chính quyền sẽ tiến hành sàng lọc ban đầu theo tiêu chí đã đề cập ở trên, lưu trữ thông tin trong Eurodac, cho phép các nước EU khác truy cập nếu họ muốn di chuyển xa hơn vào châu Âu.
Người xin tị nạn phải nộp đơn tại quốc gia EU mà họ nhập cảnh lần đầu tiên và ở lại cho đến khi chính quyền sở tại xác định quốc gia sẽ xử lý đơn đăng ký của họ. Thủ tục nhập cảnh phải được thực hiện trong trong vòng 12 tuần, cộng thêm 8 tuần nữa trong trường hợp số người nhập cảnh quá đông. Nếu đơn đăng ký bị từ chối, người xin tị nạn có thể kháng cáo một lần. Ví dụ, một cá nhân đến Hy Lạp từ Syria phải nộp đơn xin tị nạn ở Hy Lạp. Nếu bị từ chối, họ có quyền kháng cáo. Trong suốt thời gian này, họ sẽ ở trong trung tâm tiếp tân, nơi đáp ứng các nhu cầu cơ bản.
Lệnh trục xuất sẽ được tự động ban hành nếu yêu cầu tị nạn bị từ chối. EU có kế hoạch đẩy nhanh việc trục xuất trong thời gian tối đa là 12 tuần để hoàn tất quy trình trên. Cơ quan bảo vệ biên giới và bờ biển của EU sẽ hỗ trợ các chuyến bay trục xuất chung. Chẳng hạn, nếu đơn xin tị nạn của một công dân Nigeria bị từ chối ở Tây Ban Nha, họ sẽ nhận được lệnh trục xuất và có thể bị đưa trở lại Nigeria trong 3 tháng, do cơ quan biên giới của EU điều phối.
Các quy định mới còn bắt buộc các quốc gia thành viên phải hỗ trợ nhau trong bối cảnh EU đang đối mặt với áp lực di cư gia tăng. Hỗ trợ này có thể bao gồm việc cho phép tái định cư những người xin tị nạn, hoặc cung cấp hỗ trợ tài chính (khoảng 20.000 euro cho mỗi người tái định cư) về mặt kỹ thuật hoặc hậu cần. Ví dụ, nếu Italy gặp phải làn sóng người di cư đông đột ngột, Đức có thể chọn chấp nhận một số người xin tị nạn đến nước này, hoặc cung cấp hỗ trợ tài chính và hậu cần để giúp quản lý tình hình. Mặt khác, các thành viên EU cũng có thể chịu trách nhiệm trục xuất những người vượt biên trái phép khỏi quốc gia đối tác đang gặp áp lực về người di cư.
Còn nhiều tranh cãi
Mặc dù được coi là động thái mang tính bước ngoặt, song Hiệp ước về di cư và tị nạn mới của EU đã gây phản ứng đáng kể. Các nhà phê bình cho rằng, chính sách mới nhằm ngăn chặn người di cư thay vì bảo vệ họ, thậm chí có khả năng dẫn đến làm gia tăng các vụ bắt giữ ở biên giới và làm suy yếu quy trình đánh giá cá nhân về yêu cầu tị nạn.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến lo ngại về nhân quyền liên quan đến các thỏa thuận với những quốc gia ngoài EU để quản lý dòng di cư. Chẳng hạn, các nhóm nhân quyền cho rằng, các thỏa thuận với các nước Bắc Phi để ngăn chặn và trả lại người di cư có thể khiến họ phải chịu nhiều điều kiện khắc nghiệt và vi phạm nhân quyền. Hơn nữa, việc tự động ban hành lệnh trục xuất mà không có đánh giá thông tin cá nhân kỹ lưỡng cũng có thể bị coi là hành vi vi phạm tiềm năng quyền của người xin tị nạn.
Ngoài ra, vẫn còn nhiều câu hỏi về khả năng thực hiện cải cách trên thực tế. Hiệu quả của nó sẽ phụ thuộc vào khả năng hợp tác của tất cả các quốc gia thành viên và khả năng thực thi của Ủy ban châu Âu, vốn bị coi là vẫn còn lỏng lẻo với các quy định hiện hành. Theo dự kiến, Ủy ban sẽ trình bày Kế hoạch thực hiện chung vào tháng 6 để phác thảo các bước và mốc thời gian triển khai hiệp ước vào năm 2026.
Cách tiếp cận thống nhất và bền vững
Khuôn khổ pháp lý về nhập cư của EU không có nhiều cập nhật đáng kể trong hai thập kỷ qua. Đợt cải tổ lớn nhất gần đây đã thất bại trong cuộc khủng hoảng năm 2015 khi hơn 1 triệu người di cư, chủ yếu chạy trốn khỏi xung đột ở Syria và Iraq, ào ạt tràn vào châu Âu. Quy định của Khu vực Tự do Schengen, hiện bao gồm 27 quốc gia, cho phép hơn 400 triệu người di chuyển tự do, càng làm phức tạp thêm quá trình kiểm soát người tị nạn. Năm 2023, khoảng 3,5 triệu người di cư đã vào EU hợp pháp, trong khi khoảng 1 triệu người ở bất hợp pháp, hầu hết đều do quá hạn thị thực. Những cải cách mới chủ yếu nhắm vào khoảng 300.000 người di cư trái phép, thường thông qua các tuyến đường biển nguy hiểm. Đó là những người vượt biên tới bờ biển Hy Lạp, Italy hoặc Tây Ban Nha qua Địa Trung Hải hay Đại Tây Dương trên những chiếc thuyền thiếu an toàn do những kẻ buôn lậu cung cấp. Vì vậy, các quy tắc sàng lọc và xử lý mới sẽ giúp quản lý nhập cảnh hiệu quả hơn, bảo đảm rằng chỉ những người đủ điều kiện xin tị nạn mới được ở lại.
Hiệp ước về di cư và tị nạn mới của EU được đánh giá là nỗ lực quan trọng của khối nhằm tạo ra cách tiếp cận thống nhất, bền vững đối với vấn đề di cư, cân bằng trách nhiệm nhân đạo với nhu cầu an ninh và quản lý có trật tự các dòng di cư. Những cải cách này đặt mục tiêu ngăn chặn cuộc khủng hoảng di cư như hồi năm 2015, giúp các quốc gia như Hy Lạp, Italy và Malta không phải một mình đối phó với số lượng lớn người xin tị nạn. Tuy nhiên, thử thách thực sự sẽ nằm ở việc thực hiện thực tế và ý chí chính trị của tất cả thành viên EU trong việc tuân thủ các quy định mới.