Sự điều chỉnh thực dụng

- Thứ Hai, 09/12/2013, 08:42 - Chia sẻ
Thủ tướng Anh David Cameron đã có chuyến thăm 3 ngày tới Trung Quốc, được tháp tùng bởi một phái đoàn quy mô chưa từng có gồm các bộ trưởng, quan chức cao cấp các ngành ngoại giao, y tế, văn hóa, môi trường, khoa học kỹ thuật, thương mại và đại diện khoảng 150 doanh nghiệp hàng đầu. Sự kiện này cho thấy cái nhìn thực dụng của London trong quan hệ với Bắc Kinh.

Thủ tướng Anh David Cameron bắt tay Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Đại lễ đường nhân dân

Đây không chỉ là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Anh đến Trung Quốc kể từ khi nước này có ban lãnh đạo mới, mà còn là cuộc tiếp xúc song phương cấp cao nhất giữa hai nước trong vòng hơn 2 năm trở lại đây. Sau các cuộc tiếp xúc cấp cao, Thủ tướng Cameron nhấn mạnh Anh mong muốn đặt nền móng cho thỏa thuận thương mại tự do trị giá nhiều tỷ USD giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Ông Cameron nhấn mạnh công cuộc cải cách của Trung Quốc không chỉ mang lại nhiều cơ hội cho người dân nước này mà cho cả nước Anh và thế giới. Bất chấp EU và Bắc Kinh đang cuốn vào cuộc tranh cãi về vấn đề xuất khẩu tấm pin năng lượng Mặt trời và những lo ngại hàng hóa giá rẻ của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ tràn ngập thị trường của 28 quốc gia thành viên, ông Cameron vẫn khẳng định Anh sẽ nỗ lực hết mình thúc đẩy thỏa thuận thương mại tự do giữa Trung Quốc - EU. Giới chức Bắc Kinh cũng hoan nghênh thái độ cởi mở của Anh đối với đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt trong  lĩnh vực điện hạt nhân. Hai nước đã nhất trí phối hợp chống bảo hộ mậu dịch, thúc đẩy giao thương và tự do hóa đầu tư.

Nhìn vào quy mô lớn của đoàn đại biểu Anh tới thăm Trung Quốc lần này có thể thấy rõ thiện chí của London muốn hâm nóng mối quan hệ với cường quốc châu Á, vốn đã trở nên nguội lạnh sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Cameron và Dalai Lama hồi năm 2012. Hãng tin Reuters bình luận, chưa bao giờ có một phái đoàn lớn như vậy của Anh đến thăm Trung Quốc. Mục tiêu chính của chuyến thăm này là để dọn đường cho các doanh nghiệp Anh và Trung Quốc xúc tiến thương mại tại mỗi bên. Thủ tướng Cameron thậm chí còn tuyên bố để thúc đẩy quan hệ thương mại Anh - Trung và EU - Trung Quốc, ông sẵn sàng đảm nhận vai trò “luật sư phương Tây” của Trung Quốc. Điều này phản ánh cách nhìn thực dụng của London đối với đối tác châu Á trong bối cảnh phát triển kinh tế được đặt lên hàng đầu, trên cả các vấn đề mang tính ý thức hệ như nhân quyền, dân chủ.

Kinh tế châu Âu trì trệ khiến đầu tư trở thành một trong những công cụ đắc lực mà các nước hướng tới. Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ đã trở thành đích hướng tới của nhiều nước, trong đó có Anh. Hiện nay, vốn đầu tư của Trung Quốc ở châu  Âu đã vượt quá con số vốn châu  Âu đầu tư tại Trung Quốc. Bắc Kinh có tiền và không ít quốc gia khi thúc đẩy quan hệ với nước này đã trông chờ vào điều đó.

Tuy nhiên, cách tiếp cận của Thủ tướng Cameron đã khiến Ủy ban châu Âu (EC) không hài lòng. Có thông tin cho rằng EC phản đối thỏa thuận thương mại đang được xúc tiến này do lo ngại khối liên minh gồm 28 thành viên có thể sẽ phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ sự tấn công ồ ạt của nguồn hàng Trung Quốc nhập khẩu giá rẻ. Alexandre Polack - người phát ngôn của EC - nói: “Chúng tôi cho rằng vẫn còn quá sớm để thảo luận về một thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc, nhất là với bối cảnh hiện tại”. Theo ông Polack, EU và Trung Quốc đã đàm phán về một thỏa thuận đầu tư nhiều tiềm năng, và giờ hai bên nên tập trung cho tiến trình này. EC cho rằng còn quá sớm để nói đến một FTA toàn diện với Trung Quốc. EC nêu rõ trong một thông cáo báo chí: “Chúng ta nên bắt đầu đàm phán về hiệp định đầu tư. Đó mới là ưu tiên của châu Âu”. 

Trong khi đó, báo chí Anh đã tỏ ra khó chịu với thái độ vồ vập Trung Quốc của Thủ tướng Cameron. Tờ “Financial Times” cho rằng, chính Thủ tướng Cameron đã tự hạ uy tín của mình trong con mắt người Trung Quốc, khi trước Quốc hội Anh, ông tuyên bố phản đối việc trao độc lập cho Tây Tạng. Một số thậm chí còn tỏ ra hoài nghi về việc Trung Quốc rót vốn vào những dự án cơ sở hạ tầng mà Anh triển khai như đường sắt cao tốc, nhà máy điện hạt nhân, mở rộng sân bay… vì sẽ không thể chỉ là những dự án đầu tư đơn thuần.

Thành An