Sự điều chỉnh hợp lý

- Thứ Năm, 03/06/2021, 07:06 - Chia sẻ
Bộ Nội vụ đã chính thức có văn bản đề nghị Thủ tướng bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng và bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức. Cụ thể, bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức. Đồng thời, bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức.

Từ năm ngoái, thông tin Bộ Nội vụ xây dựng thông tư theo hướng chỉ yêu cầu trình độ đáp ứng được công việc, thay vì bắt buộc công chức, viên chức phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đã thu hút sự theo dõi của dư luận. Nhiều người thở phào nhẹ nhõm vì sắp thoát khỏi các chứng chỉ theo kiểu tích lũy theo “quy trình” nhưng không sử dụng đến, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Thực tế, đã có không ít phàn nàn về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học còn mang tính hình thức, không giúp ích được cho công tác chuyên môn. Có chứng chỉ nhưng không đồng nghĩa đủ điều kiện có thể sử dụng ngoại ngữ, tin học trong công việc.

Hầu hết, các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học hiện chỉ dùng làm điều kiện để thi tuyển, nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức vì muốn cho đủ thủ tục nên đã đăng ký học ngoại ngữ, tin học với thời gian rất ngắn, dẫn đến chất lượng các chứng chỉ không thực chất và cũng không phục vụ yêu cầu công việc. Việc duy trì các chứng chỉ không có giá trị trong thực tiễn không những gây phiền hà, tốn kém cho bản thân viên chức, người lao động, mà còn dẫn đến những hệ lụy khác trong khâu tuyển dụng, sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ, có thể dễ dẫn đến cất nhắc nhầm, bổ nhiệm nhầm, hay tiêu cực trong việc “mua - bán” các chứng chỉ.

Chính Bộ Nội vụ sau khi rà soát cũng đã chỉ ra, cùng với những kết quả tích cực, một số chứng chỉ, chương trình bồi dưỡng chưa thật sự bám sát với yêu cầu của vị trí việc làm, trùng lặp với chương trình đã đào tạo ở bậc đại học. Hiện trong đào tạo đại học, muốn tốt nghiệp đại học phải có những chứng chỉ tin học, ngoại ngữ bắt buộc. Đối với người chuyên sâu hoặc cần trình độ cao hơn để phục vụ cho công việc thì họ học chuyên ngành hoặc tự đào tạo thêm. Khi đặt người lao động vào vị trí công việc đòi hỏi phải có kỹ năng, kiến thức mới đáp ứng được yêu cầu thì họ mới học. Bởi vì nếu không sẽ bị loại trừ, và lúc đó mới học thực, học để mà hành.

Phải nhấn mạnh rằng, bỏ các điều kiện chứng chỉ không có nghĩa là công chức, viên chức không cần trình độ ngoại ngữ, tin học. Thực tế, với những ngành đặc thù, quy định cần có trình độ tin học và ngoại ngữ là rất cần thiết nhằm phục vụ yêu cầu của quản lý nhà nước và xuất phát từ việc nâng cao chất lượng hoạt động nghề nghiệp của họ. Nhưng thay vì yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thì cần có quy định về năng lực sử dụng ngoại ngữ và tin học. Cách làm tốt nhất là để cho các cơ quan, đơn vị tự quyết định từ yêu cầu tiêu chuẩn, vị trí việc làm thông qua kỳ thi kiểm tra tuyển dụng, bổ nhiệm.

Có thể nói rằng, đề xuất này rất phù hợp thực tiễn, giúp lược bỏ các chứng chỉ mang tính “thủ tục” đối với công chức, viên chức, để họ yên tâm tập trung đầu tư cho chuyên môn. Đây được xem là điểm khởi đầu cho một loạt những "mạnh dạn" khác bỏ giấy tờ thủ tục không cần thiết khác, trong tất cả các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp hiện nay. Qua đó loại bỏ những “rào cản” trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, từ đó lựa chọn người có năng lực phù hợp với vị trí việc làm theo yêu cầu đặt ra. Quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm cần căn cứ trên năng lực thực sự, dựa trên hiệu quả công việc, chứ không ở sự phong phú của các giấy tờ, bằng cấp trong bộ hồ sơ.

Duy Anh