Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, diễn ra ngày 3.4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro; tình trạng bất ổn an ninh, chính trị tiếp tục leo thang tại một số quốc gia, khu vực… thì trong nước, tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng kinh tế, sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi.
Cụ thể, tăng trưởng GDP quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,2 - 5,6%), là mức tăng cao nhất trong quý I kể từ năm 2020 đến nay. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 3,97% so với cùng kỳ, tính chung quý I tăng 3,77%. Mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp, nhu cầu ngoại tệ trong nước được đáp ứng để hỗ trợ cho tăng trưởng, sản xuất, xuất khẩu; an toàn hệ thống ngân hàng được bảo đảm…
Dù vậy, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức. Sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm. Áp lực lạm phát, tỷ giá là vấn đề cần quan tâm, khi tốc độ tăng CPI bình quân có xu hướng tăng dần.
Thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro, quản lý thị trường vàng còn bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã chuyển biến tích cực, nhưng còn nhiều khó khăn, khối lượng phát hành quý I giảm 36% so với cùng kỳ năm trước, áp lực đáo hạn trái phiếu năm 2024 lớn…
Đáng chú ý, "sự cố giao dịch của VNDirect đã tác động không nhỏ đến tâm lý, quyền lợi nhà đầu tư, có thể ảnh hưởng đến việc xem xét nâng hạng thị trường chứng khoán. Do đó, cần tập trung tăng cường bảo mật thông tin, an toàn, an ninh mạng, hoàn thiện các quy định bảo vệ nhà đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường tài chính thời gian tới”, Bộ trưởng nêu.
Trước đó, từ ngày 24.3.2024, toàn bộ nền tảng giao dịch của Công ty CP Chứng khoán VNDirect không thể truy cập do bị một tổ chức quốc tế tấn công. Sau một tuần khắc phục sự cố, ngày 1.4, hệ thống giao dịch đã hoạt động trở lại.
Trên cơ sở kết quả quý I, dự báo tình hình quý II và cả năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo hai kịch bản tăng trưởng. Ở kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6% (cận dưới mục tiêu Quốc hội quyết nghị); ở kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5% (cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lựa chọn kịch bản 2. Trong điều kiện tình hình thế giới, trong nước chuyển biến thuận lợi hơn, tiếp tục nghiên cứu, triển khai các chính sách hỗ trợ mới về tài khóa, tiền tệ... để phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong quý II, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần tập trung xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở..., bảo đảm đủ điều kiện để trình Quốc hội cho phép sớm thi hành các Luật này trong tháng 7.2024.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...
Đồng thời, cần tập trung xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; khẩn trương nghiên cứu, có giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hàng không duy trì đường bay, số máy bay thương mại, hạn chế ảnh hưởng lên giá vé, việc di chuyển của người dân và phát triển du lịch trong nước; đẩy mạnh xử lý nợ xấu; thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán trong thời gian sớm nhất...