"Sốt" đất và những hệ lụy

- Thứ Sáu, 02/04/2021, 06:15 - Chia sẻ
Từ cuối năm 2020 đến nay, giá đất tại nhiều tỉnh, thành phố từ Bắc đến Nam đều trong tình trạng "sốt" bởi nguyên nhân chủ yếu là do các thông tin về quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch.

Cụ thể, theo đánh giá của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021, thị trường bất động sản có hiện tượng giới đầu cơ lợi dụng các yếu tố như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... gây nhiễu loạn thông tin để "thổi giá" nhằm thu lợi bất chính. Tại các phân khúc chung cư, đất nền, thổ cư ở hầu hết tỉnh, thành phố trên cả nước đều tăng giá. Đặc biệt, có những khu vực giá đất tăng "dựng đứng" nhưng chỉ diễn ra chóng vánh trong vòng một tuần đến 10 ngày...

Về lý thuyết, giá đất tăng bởi tác động của quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung - cầu. Thế nhưng như tại Hà Nội, sau khi Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng hoàn thiện và trình cấp thẩm quyền phê duyệt, giá đất tại nhiều địa phương đã lên "cơn sốt" dù chưa biết cụ thể sẽ như thế nào bởi quy hoạch chi tiết chưa có. Hay ở Bình Phước, dù tỉnh mới chỉ đề xuất đưa sân bay vào quy hoạch nhưng cũng khiến giá đất "sốt xình xịch" nhưng không có nhiều giao dịch được thực hiện và nếu có thì giá trị pháp lý cũng rất hạn chế, chủ yếu dừng lại ở việc các cá nhân "đặt cọc" với nhau.

Thực tế, những "cơn sốt" này chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ, còn thị trường bất động sản và nền kinh tế phải chịu nhiều hệ lụy xấu. Đó là làm giảm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; cản trở việc kêu gọi, thu hút đầu tư vào địa phương vì giá đất tăng kéo các chi phí khác tăng theo. Bên cạnh đó, việc tăng giá đất có thể sẽ làm tăng chi phí phát triển nhà ở, khó thực thi các chính sách phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội. Đặc biệt, có thể tác động đến an toàn tài chính và có nguy cơ gây nợ xấu.

Để giải khắc phục tình trạng này, mới đây Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu các địa phương ngăn chặn hiện tượng tung tin, đồn thổi gây bất ổn cho thị trường; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, quyền sử dụng đất… vi phạm pháp luật. Cụ thể, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời, tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Theo dõi nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và "bong bóng" bất động sản trên địa bàn.

Đặc biệt, cần tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính… để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ đẩy giá nhằm trục lợi bất hợp pháp. Thực hiện quản lý, kiểm soát việc tăng giá đất nhằm bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tại địa phương...

Để ngăn chặn các "cơn sốt" đất, điều cần thiết là phải công khai, minh bạch đầy đủ, kịp thời các thông tin về quy hoạch để người dân hiểu và biết được giá trị đất hiện nay như thế nào, tình hình quy hoạch hiện nay ra sao. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng nên tính đến việc sử dụng chính sách thuế để điều tiết thị trường, để những người đầu cơ thổi giá không được hưởng nhiều lợi ích như hiện nay.

Ninh Hà