Sống với vẻ đẹp ngôn ngữ Tày
“Ngôn ngữ tày lạ lắm, đẹp lắm!” Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi khi tiếp xúc với nhà thơ Ngô Lương Ngôn. Ông đã tâm sự điều đó bằng tất cả sự kính trọng và lòng yêu mến với thứ ngôn ngữ vốn dĩ không phải của mình.

Sinh ra, lớn lên ở tỉnh Cao Bằng, nhà thơ Ngô Lương Ngôn đã gần chạm tới cái tuổi làm nhà không cần xem hướng. Sinh năm 1944, khi ông vừa tròn hai tuổi, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, gia đình ông tản cư về Bảo Lạc, vùng xa xôi nhất của tỉnh Cao Bằng. Cho đến mãi năm 1960 mới trở về thị xã. Được đắm mình trong không gian văn hóa Tày cổ, một vùng văn hóa thuần khiết, ngay từ tấm bé, thứ ngôn ngữ chính của ông đã là ngôn ngữ Tày với điệu hát ru từ cái ngày còn nằm nôi, ngồi địu, đi nương, đi rẫy, cùng những câu then mượt mà, câu sli, câu lượn đằm thắm lứa đôi. Tất cả thẩm thấu vào ông như rễ cây rừng thấm nước nguồn, tinh khiết.
Tôi nhớ lần đầu gặp ông năm 2006 ở trại sáng tác của NXB Quân đội Nhân dân. Một người đàn ông tầm thước, trầm lặng, đầy suy tư, mái đầu bạc trắng phất phơ trong gió núi. Ngô Lương Ngôn có tài kể chuyện, ông kể rất duyên, phần lớn là những câu chuyện dân gian người Tày. Ông đã sống hết mình, sống nhập mình với dòng văn hóa đó. Còn nhớ có lần ông nói “bây giờ tớ đã là người Tày xịn rồi đấy nhé!”.
Trong chuyến thực tế Cao Bằng, ngày 21.5.2009, tôi và ông có duyên gặp lại. Ông hồ hởi khoe về tập thơ song ngữ đã nói với tôi trước đó. “Văn hóa Tày đẹp lắm, ngôn ngữ Tày phong phú lắm. Chú là người Tày, chú nên tìm hiểu và viết bằng chính thứ ngôn ngữ ấy”. Sáng hôm sau một lần nữa chúng tôi lại có duyên cùng nhau trong hành trình về với thiên nhiên non nước Cao Bằng. Mở ra trước mắt trong suốt dọc hành trình là những dãy núi cao ngất, lút mắt một màu xanh. Ngô Lương Ngôn thủ thỉ “Cậu thấy quê tớ thế nào?” rồi ông lẩm nhẩm đọc cho tôi nghe mấy câu thơ của mình: Rượu cất từ tiếng lượn tiếng then/ xanh ngô thơm lúa trong trẻo gió núi/ thanh khiết suối nguồn nghiêng ngả… Chấp chới cánh chim chiều đỏ/ Hoa phặc phiền có thật từ em. Ông tâm sự: “Tớ là người Kinh nhưng sinh ra đã núi, đã hòa mình với ngôn ngữ và văn hóa dân tộc thiểu số”. Ông có bài thơ song ngữ Tày - Kinh rất thú vị khi viết về người miền núi: Rườn rà dú tẳm phja slung/ Pây tầư/ Tó lồng/ Slương điếp căn lẻ khỉn.(Nhà ta tít tận núi cao/ Đi đâu/ Cũng xuống/ Thương yêu nhau thì lên). Ông bảo muốn làm một cái gì đó có ý nghĩa để tri ân với nơi này. Ông không bằng lòng với lối viết vay mượn của một số nhà thơ khi viết bằng thổ ngữ. Ngôn ngữ Tày không thiếu mà lại rất đẹp sao cứ phải mượn tiếng Kinh nhiều đến vậy. Tôi tin không chỉ tôi mà chắc hẳn rất nhiều người khi nghe điều này sẽ phải giật mình.
Bất chợt tôi nhớ nhà thơ Y Phương trong một tản văn có nói “Kinh già hóa thổ”. Tôi đem chuyện này kể với ông, ông nheo mắt nhìn lên dòng thác trắng bạc gậm gào, cuồn cuộn lao xuống chân núi nói: “Chẳng sai đâu, tớ thấy mình như thế thật. Tớ đã đi theo dòng văn học này từ thời kỳ tân thành lập. Nhiều người cho rằng tớ chơi ngông, nhưng không, mình đến với dòng văn học này bằng tất cả sự yêu mến và thành kính”. Tình cảm trong sáng, phông kiến thức sâu rộng về miền núi, về văn hóa dân tộc Tày chính là nguồn cảm hứng thi ca cho những sáng tác của ông. Ngô Lương Ngôn làm thơ khá sớm, trước khi trở thành họa sĩ của Sở Văn hóa Cao Bằng ngày trước, ông đã có một thời gian dài lang thang với đủ nghề kiếm sống. Tay cưa, tay đục chẳng những không làm nguội lạnh, khô đi cảm xúc, niềm đam mê nghệ thuật mà anh phó mộc, sau là họa sĩ, thi sĩ Ngô Lương Ngôn còn tích lũy thêm nhiều từ đời sống, từ những tháng ngày bần hàn, cơ cực.
Lặng ngắm dòng thác đổ xuống dòng Quây Sơn lấp lóa, ông thủ thỉ như nói với tôi lại như nói với chính mình: “Tiếng Tày đẹp và sang, chú là người Tày chú cũng biết điều đó. Này nhé, ngay như từ Mặt trời của người Kinh chẳng hạn, người Tày gọi Mặt trời là Tha vằn, nếu dịch xuôi có nghĩa là Mắt trời, đúng quá, mắt của trời”. Hồi còn ở trại sáng tác Núi Cốc, Ngô Lương Ngôn đã khẳng định có những câu, những từ rất hay mà không thể dịch xuôi được và ông ví dụ: Nộc quất pây đoải đoải cằn nà. Nếu dịch có nghĩa là Bìm Bịp đủng đỉnh đi trên bờ ruộng. Nhưng từ “đoải đoải” hay lắm, độc lắm, đó là động tác mô tả dáng đi thong dong đủng đỉnh rất gợi hình. Đúng là không thể nào nói được hết ý của từ đó trong tiếng Kinh khi dịch. Ngô Lương Ngôn đã cho xuất bản ba tập thơ: Chiếc lá NXB Hội Nhà văn 2003, Lên đèn NXB Hội nhà văn 2004 và đặc biệt hơn cả là tập thơ song ngữ Tày - Kinh mang tên Tốc lả (Muộn màng), NXB Văn hóa Dân tộc ấn hành năm 2008.
Sống gắn bó với núi rừng Việt Bắc từ khi còn tấm bé, được tắm táp ngụp lặn trong dòng văn hóa thiểu số, cùng người vợ hiền là sơn nữ Tày chính hiệu, ông đã có thêm nhiều hiểu biết về người miền núi nơi ông sinh sống, như trong bài thơ Chứ (Nhớ): Rìm tàng/ Vàn khau/ Bjoóc/ Bjoóc/ Bjoóc/ Búng tầư tó bjoóc/ Cần bjoóc chiêm căn bấu pác/ Bâư ban đuông nậu mjảc mjàu. Có nghĩa là: Bờ đường lưng núi/ Hoa/ Hoa/ Hoa/ Đâu cũng hoa/ Người lặng lẽ ngắm hoa/ Hoa lặng lẽ ngắm người… Trước lúc chia tay, tiễn tôi về Hà Nội Ngô Lương Ngôn bảo: Văn học miền núi cần tiếp cận với hiện đại, cần phải làm mới thì mới phản ảnh được hồn cốt văn hóa thiểu số. Lâu nay các nhà thơ dân tộc Tày ít có sự cách tân, phần lớn viết theo lối truyền thống dựa trên hát sli, lượn hay phong shư, thơ bảy chữ vần lưng nên dễ nhàm chán, vay mượn nhiều và chưa thấy được sự chuyển mình cũng như tiếp cận với hiện đại… Lo ngại hơn cả chính là lớp trẻ bây giờ thờ ơ với văn hóa Tày, ít người viết về nó quá.
Tạm biệt Ngô Lương Ngôn, tôi nhẩm đọc mấy câu thơ viết bằng tiếng Tày của ông Loọc lòi mươi nài lặm xăm chang nhả/ Bjoóc hán dạ/ Lỏ dạ hán khỏi nỏ?(Dầm sương nép mình trong cỏ/ Hoang dại là hoa/ Hay hoang dại là tôi?). Hy vọng một ngày trở lại tôi sẽ được đọc những tác phẩm mới của ông, chỉ đơn giản “để đồng bào dân tộc thiểu số đọc bằng chính thứ ngôn ngữ thường nhật của mình” như ông vẫn hằng mong muốn.