Sống trong bí tích Văn hóa Công giáo đương đại VN
Với hơn 120 hiện vật, bài viết, các câu chuyện, ảnh, phim video, khu trưng bày Sống trong bí tích – Văn hóa Công giáo đương đại VN đang diễn ra tại Bảo tàng Dân tộc học VN, tái hiện một phần đời sống văn hóa của đồng bào Công giáo Việt Nam.

Du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ XVI, việc thực hành nghi lễ Công giáo được lối sống, văn hóa bản địa làm phong phú thêm và trở thành một bộ phận của văn hóa Việt Nam. Khu trưng bày Sống trong bí tích – Văn hóa Công giáo đương đại Việt Nam giới thiệu những nét sơ bộ về đời sống của người Công giáo ở các địa phương khác nhau, chủ yếu là ở vùng đồng bằng Bắc bộ, thông qua các nghi lễ đời người và nghi lễ cộng đồng.
Là nơi lưu giữ những hiện vật, hình ảnh, câu chuyện có giá trị văn hóa – lịch sử của dân tộc, của các vùng miền, nhưng đây là lần đầu tiên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mở một cuộc trưng bày giới thiệu về tôn giáo. Khu trưng bày tập trung thể hiện 7 bí tích (phép) trong cuộc đời và các nghi lễ cộng đồng của người Công giáo. Mỗi giai đoạn của đời người theo Chúa đều gắn với một bí tích nhất định, mở đầu là bí tích Thánh tẩy, còn gọi là lễ Rửa tội, có ý nghĩa nhập đạo, tiếp đến là Hòa giải, Thánh thể, Thêm sức, Xức dầu bệnh nhân... Khu trưng bày cũng thể hiện các nghi lễ cộng đồng quan trọng hàng năm, như lễ Giáng Sinh, lễ Phục sinh… và một số nghề thủ công truyền thống phục vụ đời sống Công giáo như: thêu, làm tượng, làm kèn, làm tuần lộc…
Trong số các hiện vật trưng bày, nhiều du khách quan tâm tới bức phù điêu gỗ Bữa tiệc ly, tái hiện cảnh bữa tiệc cuối cùng của Chúa Jesus với 12 môn đệ trước khi bị chính quyền La Mã bắt và hành hình; Bàn thờ Chúa do ông Phero Nguyễn Sỹ Đàn, giáo xứ Nhượng Bạn, Hà Tĩnh tự làm và đặt ở gian giữa nhà để thờ Chúa, trên đó có 3 tượng: Đức Mẹ La Vang bồng Chúa hài đồng, Đức Mẹ Rosa và thánh Phero (thánh quan thầy của chủ nhà)… Bí tích – Văn hóa Công giáo Việt Nam còn được thể hiện khá sinh động qua các đoạn video được quay trực tiếp từ các nghi lễ và các sự kiện diễn ra ở các vùng miền trên khắp đất nước.

Tuy cùng thực hành các bí tích và nghi lễ tôn giáo chung của Giáo hội thế giới, nhưng đời sống văn hóa của đồng bào Công giáo Việt Nam vẫn có những nét riêng. Nó là sản phẩm của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn hóa Công giáo và văn hóa Việt. Trong nhà người Công giáo Việt Nam có cả bàn thờ Chúa và bàn thờ tổ tiên. Bàn thờ Chúa đặt riêng, luôn cao hơn bàn thờ gia tiên, trên đó thờ tượng chúa Jesus bị đóng đinh trên cây thập giá, phía dưới là tượng các vị thánh quan thầy của các thành viên trong gia đình. Còn bàn thờ gia tiên, thường đặt di ảnh người quá cố, bát hương và treo các bức đại tự hay câu đối bằng chữ Hán, ca ngợi công đức của tổ tiên hoặc giáo huấn con cháu những điều tốt đẹp. Đặc biệt, trong số bức tượng thờ của người Công giáo, có bức tượng Đức Mẹ La Vang trong trang phục áo dài Việt Nam truyền thống - sự kết hợp độc đáo giữa văn hóa Công giáo và văn hóa Việt…

Khu trưng bày Sống trong bí tích – Văn hóa Công giáo đương đại Việt Nam là kết quả nghiên cứu – sưu tầm trong 2 năm do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tiến hành với sự tài trợ của Quỹ Ford trong khuôn khổ dự án Nghiên cứu sự đa dạng về tôn giáo và tín ngưỡng của các dân tộc ở Việt Nam. Nhóm nghiên cứu của Bảo tàng phải đi tới các tỉnh, thành phố: Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Hà Nội, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và một số địa phương khác ở phía Nam để phỏng vấn người dân, thu thập hiện vật và quay video các ngày lễ lớn và các nghi lễ của vòng đời người Công giáo. Theo Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Võ Quang Trọng: “Đây là khu trưng bày đầu tiên về tôn giáo ở Bảo tàng. Bởi thế, chúng tôi gặp không ít khó khăn do cán bộ của Bảo tàng chưa có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về tôn giáo, đặc biệt là Công giáo. Mặt khác, khu trưng bày đi sâu vào các bí tích của người Công giáo, nên lúc đầu, do chưa hiểu, mọi người còn nghi ngại vì đụng chạm đến những hiện vật thiêng như Bàn thờ, tượng thờ… Nhưng khi hiểu mục đích làm khoa học về các khía cạnh văn hóa tôn giáo của chúng tôi, mọi người đã hết sức giúp đỡ, bằng cách cho mượn các hiện vật, kể những câu chuyện về cuộc đời của mình. Dự án của chúng tôi thành công là do được cộng đồng Công giáo, chính quyền địa phương, các tổ chức tôn giáo ủng hộ”.
Dù mới chỉ tái hiện được một phần đời sống văn hóa của đồng bào Công giáo, song Sống trong bí tích – Văn hóa Công giáo đương đại Việt Nam đã tạo cơ hội cho đồng bào Công giáo chia sẻ suy nghĩ, niềm tin và văn hóa, đồng thời giúp khách tham quan hiểu thêm về cuộc sống của người Công giáo Việt Nam hiện nay, qua đó thấy được sự đa dạng của văn hóa Việt Nam. Khu trưng bày kéo dài đến hết ngày 10.5.2009.