Sóng to cần thuyền trưởng giỏi

- Thứ Sáu, 19/02/2021, 08:25 - Chia sẻ
Mới đây, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã chính thức có nữ lãnh đạo gốc Phi đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển của mình. Dấu mốc quan trọng đó sẽ thay đổi tổ chức thương mại đa phương này như thế nào trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành cùng với xung đột thương mại vẫn nhức nhối?

Ý nghĩa biểu tượng quan trọng

Khi ông Robert Azevedo từ chức Tổng Giám đốc WTO năm ngoái, cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria Ngozi Okonjo-Iweala, 67 tuổi, nhanh chóng trở thành người được yêu thích nhất cho vị trí này, ngoại trừ một số thành viên của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nghiêng về Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Financial Times, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer lập luận, vốn là người của Ngân hàng Thế giới, bà Ngozi Okonjo-Iweala chỉ có chuyên môn về các vấn đề phát triển mà không có “kinh nghiệm thương mại thực sự”. Thực tế, bà Okonjo-Iweala từng nắm giữ vị trí quan trọng thứ hai tại Ngân hàng Thế giới và phục vụ ở cơ quan này suốt 25 năm. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, nhận xét của ông Lighthizer không thật sự công tâm, bởi bà từng có nhiều kinh nghiệm với các vấn đề thương mại khi còn là Bộ trưởng Tài chính, vị trí mà bà giữ đến 2 lần và là phụ nữ đầu tiên đảm trách nhiệm vụ này. Bà từng tốt nghiệp cử nhân kinh tế tại Đại học Harvard và nhận bằng tiến sĩ về kinh tế khu vực và phát triển tại Viện Công nghệ Massachusetts. Thậm chí, trong lần đầu tiên làm Bộ trưởng Tài chính, bà đã dẫn đầu các cuộc đàm phán cứng rắn giúp xóa phần lớn nợ nước ngoài của Nigeria vào năm 2005.
Cuộc tranh luận về vị Tổng Giám đốc tiếp theo của WTO bị đóng băng cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Sau khi tham khảo ý kiến của các quan chức chính quyền Tổng thống Biden, đầu tháng 2 vừa qua, bà Yoo Myung-hee đã rút lại việc ứng cử của mình. Sau đó, Washington chính thức bày tỏ ủng hộ bà Okonjo-Iweala.

Là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Gavi, liên minh toàn cầu nhằm bảo đảm các quốc gia có thu nhập thấp có thể tiếp cận với các loại vaccine, bà Ngozi Okonjo-Iweala đã cho thấy rằng, mục tiêu cao trong chương trình nghị sự của mình tại WTO sẽ là thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường phân phối vaccine ngừa Covid-19, thuốc men và vật tư y tế để giúp đối phó với đại dịch và hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu. Bà đồng thời cam kết sẽ thúc đẩy các hiệp định thương mại mới về thủy sản và công nghiệp thương mại điện tử, cũng như kêu gọi tìm kiếm “giải pháp cho sự bế tắc trong giải quyết tranh chấp”...

Bà Okonjo-Iweala là phụ nữ đầu tiên và người châu Phi đầu tiên đứng đầu WTO. Vì vậy, bà trở thành một biểu tượng rất quan trọng. Nhiều người châu Phi coi bà là người chứng minh cho năng lực và kỹ năng lãnh đạo của phụ nữ lục địa đen, thể hiện hy vọng về sự hiện diện lớn hơn của người châu Phi trong nền kinh tế và quản trị toàn cầu. Tuy nhiên, theo một nhà ngoại giao phương Tây, “bà không được chọn vì là nữ giới hay đến từ châu Phi, mà bởi bà nổi bật với tư cách ứng viên có trình độ, kinh nghiệm và phẩm chất tốt nhất cho nhiệm vụ khó khăn hiện nay”.

Nhiệm kỳ của bà sẽ bắt đầu từ 1.3.2021 - 31.8.2025.

Nguồn: ITN

Sứ mệnh mở đường khó khăn

Thời điểm tân Tổng Giám đốc WTO lên nắm quyền là lúc toàn thế giới trong giai đoạn hỗn loạn nhất đối với thương mại toàn cầu khi đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Chính vì thế, bà Ngozi Okonjo-Iweala hôm đầu tuần đã nhấn mạnh: “một WTO vững mạnh là rất quan trọng nếu chúng ta muốn phục hồi hoàn toàn và nhanh chóng thoát khỏi sự tàn phá của đại dịch Covid-19”. Và để làm được điều đó, nữ lãnh đạo này sẽ phải lèo lái con thuyền WTO đang tròng trành vượt qua muôn vàn sóng gió. Bà sẽ phải đối mặt với một cơ quan đang sa lầy trong nhiều cuộc khủng hoảng. Ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 làm suy thoái nền kinh tế toàn cầu, WTO đã phải vật lộn để kiềm chế căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng như các xung đột thương mại khác. Sứ mệnh của bà Okonjo-Iweala là tiến hành cuộc cải tổ cơ bản để WTO hoạt động hiệu quả thiết thực hơn, để cơ chế xử lý tranh chấp thương mại có uy quyền thật sự và để tìm ra định hướng mới cho tự do hóa thương mại thế giới trong tình hình mới, trong đó có sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ.

Nhiệm vụ đầu tiên của bà là nối lại các hội nghị cấp bộ trưởng của WTO. Cơ quan phụ trách đưa ra những quyết định cao nhất của WTO họp hai năm một lần, thường vào cuối năm. Nhiều quốc gia sử dụng những cuộc họp này như hạn cuối để thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại. Sau hội nghị tháng 12.2017 tại Buenos Aires, Argentina, cuộc họp tiếp theo vốn phải diễn ra tại Thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan vào tháng 6.2020, nhưng đã được lùi lại 6 tháng để tránh mùa Đông khắc nghiệt ở nước này. Giờ đây, đại dịch Covid-19 đã buộc hội nghị bị hoãn vô thời hạn. Bà Okonjo-Iweala muốn tổ chức hội nghị trước cuối năm nay, nhưng 164 quốc gia thành viên WTO sẽ phải đạt được đồng thuận về thời gian và địa điểm tại cuộc họp Đại hội đồng WTO ngày 1- 2.3 tới.

Một nhiệm vụ khác đang chờ đợi tân Tổng Giám đốc WTO là khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại bị đình trệ. Trong nhiều năm qua, WTO hầu như không đạt được tiến bộ nào đối với các hiệp định thương mại quốc tế lớn. Các cuộc đàm phán về trợ cấp bông và đánh bắt cá đang bị ngưng trệ, trong khi cuộc đàm phán về thương mại điện tử đang chật vật để có thể khởi động. Tất cả sự chậm trễ này đều có nguy cơ khiến WTO tiếp tục bị mắc kẹt trong các vấn đề cũ.

Nhiệm vụ nặng nề tiếp theo cần bà để tâm là sửa đổi hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO. Người tiền nhiệm của bà là ông Azevedo đã không thể ngăn Mỹ đẩy Cơ quan Phúc thẩm của WTO rơi vào tình trạng ngừng hoạt động. Cơ quan gồm 7 thành viên này có nhiệm vụ duy trì, sửa đổi hoặc đảo ngược các phán quyết của ban hội thẩm, nhưng đã ngừng hoạt động từ tháng 12.2019, do chính quyền của Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ tức giận trước nhiều phán quyết của Cơ quan Phúc thẩm, đã vô hiệu hóa ban trên bằng cách chặn bổ nhiệm các thẩm phán mới khi nhiệm kỳ của các thẩm phán trước đó hết hạn. Thực tế, việc Mỹ lo ngại Cơ quan Phúc thẩm đã vượt quá giới hạn của mình bằng cách áp đặt các nghĩa vụ đối với Mỹ mà họ không bao giờ đồng ý chấp nhận được chia sẻ bởi cả đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ. Họ cho rằng, điều đó gây hại cho người lao động và xâm phạm chủ quyền của xứ sở cờ hoa. Quan điểm này khiến cho vấn đề trở nên cực kỳ khó giải quyết đối với bất kỳ Tổng Giám đốc WTO nào.

Ngoài những nhiệm vụ trên, tân Tổng Giám đốc WTO cũng cần phải xử lý một vấn đề cấp bách khác: Tìm ra cách đối phó với đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng do nó gây ra. Đại dịch trên đã gây chia rẽ tại WTO, sau khi Ấn Độ và Nam Phi đề xuất miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19 và phương pháp điều trị. Đề xuất này nhận được sự ủng hộ của hàng trăm quốc gia, nhưng cũng có nhiều nước không chấp nhận. Bà Okonjo-Iweala bày tỏ ý muốn giải quyết vấn đề đó một cách nhanh chóng, đồng thời hy vọng WTO sẽ đóng vai trò nào đó trong việc chống lại đại dịch, đặc biệt là bằng hỗ trợ Covax - chương trình toàn cầu nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 cho các nước nghèo hơn. Bên cạnh đó, bà cũng muốn các nước đang phát triển tự sản xuất thêm vaccine để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Ngọc Minh