Song song hai nhiệm vụ

- Chủ Nhật, 29/08/2021, 05:18 - Chia sẻ
Cùng với giải pháp tín dụng hỗ trợ thu mua lúa gạo, Chính phủ đã kịp thời xuất cấp hàng chục nghìn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho các tỉnh khó khăn do Covid-19. Việc cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia vừa giải quyết nhu cầu lương thực cho người dân vùng ảnh hưởng dịch bệnh, vừa có thể tiếp tục mua dự trữ lượng lúa gạo mới, giúp nông dân vùng sản xuất lúa gạo yên tâm thu hoạch.

Thực tế, hàng năm, các cục dự trữ địa phương mua đủ lượng gạo và thóc theo quyết định của Thủ tướng. Năm 2021, số lượng gạo và thóc mua dự trữ quốc gia gồm 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa, đủ lượng hàng để xuất cấp cho các địa phương trong đợt này. Như vậy, cũng đồng nghĩa với việc hiện kho các cục dự trữ địa phương đang có chỗ trống. Chính phủ nên chăng có chương trình thu mua dự trữ lúa gạo quốc gia lúc này, vừa bảo đảm lượng hàng dự phòng các tình huống đột xuất, cấp bách, vừa để ổn định thị trường khi giá lúa giảm mạnh?

An ninh lương thực là nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với công tác an sinh xã hội và luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp càng phải chú trọng không để ngành hàng lúa gạo bị đứt gãy chuỗi sản xuất, tiêu thụ. Trước tình trạng nông dân đến mùa thu hoạch nhưng khó tiêu thụ, chính quyền các địa phương cũng đã có các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện đường bộ, đường thủy vận chuyển lưu thông hàng hóa. Các thương nhân cũng được tạo điều kiện về vốn vay để nâng diện tích, chất lượng kho chứa, bảo quản, chế biến lúa gạo, giảm thiểu tình trạng tồn ứ cho người dân.

Tuy nhiên, vào thời điểm lúa Hè Thu tại nhiều địa phương đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục được thu hoạch thì cần kích hoạt chương trình thu mua lúa gạo dự trữ quốc gia sớm để bù vào sau khi Nhà nước đã xuất cấp hàng trăm nghìn tấn gạo phục vụ chống dịch, vừa có thể nâng giá lúa lên. Đây là giải pháp “đảo kho” mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn từng đề cập, tức là lấy lúa gạo đang trong dự trữ quốc gia phục vụ công tác an sinh xã hội, sau đó đảo vòng lúa gạo khác vào kho. Chính sách này sẽ giải quyết song song cùng lúc hai vấn đề: Hỗ trợ người dân thu mua lúa gạo; hỗ trợ nguồn cung ứng lương thực cho người dân khó khăn tại các tỉnh, thành phố đang bị giãn cách để phòng chống dịch.

Dù lúa có thể bảo quản, lưu trữ lâu hơn so với nhiều loại hoa màu, nhưng gần như người trồng lúa rất khó có thể lưu trữ chờ thời cơ giá cao để bán. Bởi điều này, đòi hỏi rất nhiều công sức và mặt bằng kho chứa và vốn, đều là những điều rất khó đối với người nông dân khi mà họ phải chịu áp lực trả tiền mua sắm vật tư trước đó, cũng như trang trải cuộc sống. Vì thế ngay lúc này vai trò của Nhà nước là hết sức quan trọng. Dự trữ quốc gia vừa xuất cấp hàng trăm nghìn tấn gạo giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn khi không có việc làm, thiếu lương thực, thì cũng cần bù đắp ngần ấy vào khoảng trống trong kho.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên từng cho rằng: "Xung quanh những nước cường quốc sản xuất nông sản lúa gạo bị đứt gãy, trong khi ta vẫn giữ được thì đó là hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc này có thể tuột khỏi tay nếu ta không có hành động kịp thời”. Hành động kịp thời chính là tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, hợp tác xã… có thể tạm trữ, tạm thu mua lượng lương thực lúa gạo từ người dân, trước hết để dự trữ, vừa giúp người dân có nguồn thu nhập và khi cần có thể tung ra thị trường. Trước mắt, sẽ giải quyết được bài toán bình ổn giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long đồng thời bảo đảm được an ninh lương thực.

Duy Anh