"Sống rẻ" ở miệt đồng bằng!

- Thứ Tư, 07/04/2021, 06:50 - Chia sẻ

Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa và là nơi bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước đang tụt lại rõ rệt phía sau: điều đó có thể nhìn ra rất rõ ràng từ bảng xếp hạng chỉ số giá sinh hoạt theo không gian các tỉnh thành giai đoạn 2018 - 2020 do Tổng cục Thống kê vừa công bố.  

Chỉ số này được đánh giá dựa trên khảo sát, so sánh giá 11 nhóm hàng thiết yếu. Đó là hàng ăn và dịch vụ ăn uống; đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón và giày dép; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; thiết bị đồ dùng gia đình; thuốc và dịch vụ y tế; giao thông; bưu chính viễn thông; giáo dục; văn hóa giải trí và du lịch; hàng hóa và dịch vụ khác.

Kết quả cho thấy nhóm 5 tỉnh, thành phố có chỉ số giá sinh hoạt cao nhất cả nước lần lượt là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Lào Cai. Như vậy, trừ TP. Cần Thơ, cả 4 thành phố trực thuộc trung ương còn lại đều lọt vào tốp những nơi “sống đắt nhất”. 

Ở chiều ngược lại, nhóm 5 tỉnh thành có chi phí sinh hoạt thấp nhất được ghi nhận lần lượt là Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Hà Nam, Đồng Tháp. Nghĩa là có tới 4 tỉnh nằm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long thuộc nhóm “sống rẻ nhất”. Cụ thể, chi phí sinh hoạt người dân Hậu Giang chỉ bằng 89,68% so với chi phí sinh hoạt của người dân tại Hà Nội.

Nhìn vào tốp 5 địa phương “sống rẻ nhất” và “sống đắt nhất” có thể rút ra một điều: ở đâu kinh tế phát triển thì ở đó chi phí sinh hoạt mới đắt đỏ được. Và như vậy, sự thua kém đáng báo động của vùng vựa lúa lục tỉnh không còn chỉ là “quan sát” mà là những con số biết nói rõ ràng.

Trong năm 2020, GDP bình quân đầu người của Hà Nội khoảng 125 triệu đồng; còn GDP bình quân đầu người của Hậu Giang xấp xỉ 50 triệu đồng.

Theo thời gian, vai trò kinh tế của đồng bằng sông Cửu Long cũng giảm dần so với các vùng khác trong cả nước. Báo cáo kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 cho thấy, năm 1990, GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của TP. Hồ Chí Minh chỉ bằng 2/3 so với vùng này thì hai thập niên sau, tỷ lệ này hoàn toàn ngược lại, tức TP. Hồ Chí Minh chiếm 3/2 Đồng bằng sông Cửu Long.

Kinh tế chưa phát triển thì tất yếu điều kiện sống, chất lượng cuộc sống cũng khó cải thiện như mong muốn của người dân.

Như một hệ quả tất yếu, trong thập niên vừa qua, số lượng di cư ròng khỏi đồng bằng sông Cửu Long là gần 1,1 triệu người, lớn hơn dân số của một số tỉnh trong vùng và tương đương với số tăng dân số tự nhiên của cả vùng. Di cư để tìm cơ hội sinh sống và tương lai tốt đẹp hơn là điều hoàn toàn dễ hiểu. Còn những người ở lại, họ có lạc quan nhiều với tương lai trên đồng ruộng của mình?

Nghĩ về đất chín rồng, dù nơi đây là vựa lúa và gánh vác sứ mệnh an ninh lương thực quốc gia nhưng đồng thời gắn với “tiếng” là vùng trũng về kết cấu hạ tầng, về giáo dục và nguồn nhân lực… Đây cũng là khu vực được dự báo chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Và trên thực tế, không còn là dự báo, những năm vừa qua, sinh kế của người dân đã và đang chịu sự ảnh hưởng nặng nề của biến đổi dòng chảy sông Mekong do đập ở thượng nguồn; cũng như hạn mặn và triều cường từ biển.

Bởi thế, dù thống kê cho thấy chi phí sinh hoạt ở đồng bằng sông Cửu Long thấp nhất nước nếu xét theo vùng kinh tế nhưng tin này khó khiến người ta vui. Hướng phát triển nào để đưa vùng đất này đi lên, rõ ràng đang là vấn đề chính sách lớn cho Đảng và Nhà nước.

Hà Lan