Ngay sau đó vài ngày, tình cờ, họ gặp lại nhau ở trước cửa một hiệu kem nổi tiếng tại Hà Nội. Người bạn nữ nồng nhiệt chào hỏi và mời người đàn ông ăn kem:
- Kem ngon lắm anh ạ. Em mời anh!
- Cảm ơn em. Anh đang có việc vội, vả lại cũng không hay ăn kem, nhất là đang mùa rét.
- Ồ! Kem ở đây ngon tuyệt, nổi tiếng lắm. Giờ này vắng chứ đến tối rất đông người ăn, phải xếp hàng mới mua được đấy.
Mặc cho người đàn ông một mực từ chối, cô gái vẫn tha thiết mời. Rồi anh cũng phải nể mà đành nhận lời.
Ăn xong một que, người bạn nữ lại gọi tiếp que thứ hai. Anh bạn cười:
- Anh cảm ơn em, nhưng không thể ăn được nữa.
- Một que bõ bèn gì, cứ ăn với em cho vui. Em đã ăn là phải hai que liền mới “đã”.
Mặc cho người bạn nam từ chối nhưng người cô vẫn mua tiếp. Người đàn ông ngắc ngứ, cứ nói chuyện khiến que kem chảy gần hết, anh mới ăn nốt chút còn lại.
Như sợ người đàn ông sẽ trả tiền, tuy chưa ăn xong, người bạn nữ vẫn nhấp nhổm rút tiền ra trả. Rồi họ chia tay. Người đàn ông cảm ơn. Cô gái nói:
- Gớm, anh khách sáo quá! Hôm rồi anh chiêu đãi em bữa trưa gấp bao nhiêu lần hai que kem ấy chứ.
Người đàn ông cười. Không hiểu nụ cười của anh hàm ý gì?
***
Sòng phẳng là cần thiết trong đối nhân, xử thế. Nhưng phải tùy từng trường hợp, từng đối tượng cụ thể và sòng phẳng đến mức chi ly như cô đồng nghiệp trong câu chuyện trên thì quả thực kỳ khôi. Trời rét, người ta là đàn ông không mấy khi ăn kem, lại đang vội mà cứ bị ép phải ăn. Lại những hai que. Hình như cô gái sợ nếu không mời kem, hoặc chỉ một que, sẽ phải “nợ” bữa trưa lần trước anh bạn chiêu đãi mình. Thiếu gì cách bày tỏ lòng biết ơn cử chỉ lịch sự của đồng nghiệp nam đã dành cho mình mà phải “sốt rẻo” trả nợ lấy được như vậy? Người tế nhị, lịch sự, không ứng xử như thế.