Sống mãi những ký ức hào hùng

Trần Văn - ĐBQH Khóa XII, XIII 19/08/2018 07:24

Về thăm nhà, trong câu chuyện gia đình, biết tôi sắp đi công tác Tuyên Quang, Bắc Kạn, cụ Đồng Sỹ Nguyên, ĐBQH Khóa I, hỏi có đến thăm “địa chỉ đỏ” khu Di tích Lịch sử Tân Trào - là nơi họp Quốc dân Đại hội ngày 16 tháng 8 năm 1945 để quyết định lệnh tổng khởi nghĩa, quy định quốc kỳ, quốc ca và cử ra Chính phủ lâm thời, Lán Nà Lừa - nơi Bác Hồ đã ở và làm việc từ tháng 6 đến cuối tháng 8 năm 1945 để chuẩn bị Hội nghị toàn quốc của Đảng, Quốc dân Đại hội, Cây đa Tân Trào là nơi Đội Việt Nam Giải phóng quân làm lễ xuất quân về giải phóng Hà Nội. Tôi lễ phép trả lời với cụ là chắc chắn sẽ đến vì đây là Thủ đô của khu giải phóng, mảnh đất thiêng liêng, gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Việt Nam và tên tuổi vị cha già của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, Hồ Chí Minh.

Cụ Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Quảng Bình kể lại, ngày đó, khi được Trung ương triệu tập ra Tân Trào họp, từ chiến khu Trung Thuần, trong lúc đang huấn luyện tự vệ vũ trang, ông tham gia đoàn đại biểu Việt Minh của tỉnh Quảng Bình gồm năm người lên đường ngay. Đầu tiên, đoàn đi xe lửa từ Đồng Hới ra Hà Tĩnh. Sau đó, lúc thì đạp xe, lúc thì đi bộ cho tới tận Việt Bắc để kịp dự Quốc dân Đại hội. Ngày nào đi bộ thì đi được khoảng 35 - 40km, còn đạp xe thì đi được nhiều hơn. Xe đạp cũng do đồng bào ở vùng tạm bị chiếm mua và gửi ra cho cách mạng. Cũng phải mất 4, 5 ngày đoàn mới đi tới nơi. Dọc đường, các đại biểu ăn nghỉ ở nhà “Mẹ chiến sỹ”. Lên đến Tân Trào cũng ăn nghỉ ở nhà dân. Ngay sau khi Quốc dân Đại hội bế mạc trong không khí Tổng khởi nghĩa sôi sục, đoàn đại biểu Quảng Bình khẩn trương lên đường, mang lệnh khởi nghĩa về địa phương, lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền cho kịp thời cơ.  

Ngày 15.8.1945, Nhật Hoàng tuyên bố Nhật Bản đầu hàng Đồng minh. Quân Nhật ở Đông Dương tê liệt. Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim hoang mang tan rã. Theo Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946 - 1960, trước tình hình diễn biến rất nhanh nên ngay sau Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước để giành chính quyền, Bác Hồ và Tổng bộ Việt Minh thấy không thể chờ đợi cho thật đông đủ tất cả các đại biểu nữa nên đã quyết định khai mạc Đại hội Đại biểu Quốc dân vào chiều ngày 16.8.1945 và tiến hành nhanh chóng để các đại biểu có thể mang lệnh khởi nghĩa về các địa phương. Quốc dân đại hội diễn ra khẩn trương và thắng lợi trong đêm trước cuộc Cánh mạng Tháng Tám là hình ảnh tiêu biểu của khối đoàn kết dân tộc đứng lên giải phóng đất nước ở thời điểm thuận lợi nghìn năm có một.

Khi các đại biểu về đến Quảng Bình, không khí chuẩn bị khởi nghĩa đã rất sôi sục. Các tầng lớp nhân dân rải truyền đơn, căng biểu ngữ, khẩu hiệu cách mạng, tổ chức mít tinh, biểu tình, tuần hành thị uy ở khắp nơi. Các đại biểu đã ngay lập tức hòa mình vào không khí cách mạng đó, đăng đàn diễn thuyết tại các cuộc mít tinh, vận động quần chúng, truyền tải những nội dung của Quốc dân Đại hội Tân Trào và kêu gọi nhân dân đứng lên khởi nghĩa, giành chính quyền.

Cụ Nguyên kể lại, cuộc khởi nghĩa ở Quảng Bình nổ ra ở Đồng Hới và các phủ, huyện vào đêm 22 rạng sáng ngày 23.8.1945. Lúc đó ở trong thành Đồng Hới còn một đại đội quân Nhật và một đại đội lính Bảo an nhưng đều án binh bất động vì đã được Việt Minh cảnh báo trước là chúng tôi không làm gì các anh và các anh cũng không được động đến chúng tôi. Trước khí thế cách mạng hừng hực lan tỏa từ cuộc mít tinh lớn của khoảng 5 nghìn quần chúng tuyên bố giành chính quyền, các lực lượng này cũng tự tan rã. Đến ngày 25.8.1945, chính quyền cách mạng từ tỉnh đến huyện, tổng, xã được thiết lập. Sau Cách mạng Tháng Tám, cụ được bầu làm Chủ nhiệm Việt Minh, kiêm chỉ huy trưởng bộ đội Quảng Bình. Năm 1946, cụ trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa I của tỉnh Quảng Bình cùng với các ông Hoàng Văn Diệm, sau này là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh Quảng Bình thời kỳ 1947 - 1952, ông Võ Thuần Nho em trai ruột của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các ông Võ Văn Quyết và Trần Hường tức Lê Vũ.

Thấm thoắt đã 73 năm trôi qua nhưng trong ký ức của đại biểu Quốc dân Đại hội Đồng Sỹ Nguyên, nhân chứng lịch sử ngày ấy vẫn còn in đậm thời khắc hào hùng của dân tộc trong những ngày tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sống mãi những ký ức hào hùng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO