Sống lại những mạch sóng

- Thứ Sáu, 28/05/2021, 07:10 - Chia sẻ
Năm 1968, các bản ghi âm băng từ, nhạc pop và các bài hùng biện thuyết phục quân lính Mỹ đào ngũ, đã được vận chuyển từ Thụy Điển về Việt Nam trong túi ngoại giao, phát sóng từ các máy phát trên các nóc nhà ở Hà Nội và các căn cứ cách mạng ở nông thôn. Hơn 50 năm sau, những mạch sóng đó đã sống lại dưới tác phẩm nghệ thuật sắp đặt âm thanh. Đại diện nhóm tác giả, nghệ sĩ âm thanh Nhung Nguyễn chia sẻ: “Với sự đóng góp của một số lính đào ngũ Mỹ còn sống, các nhà hoạt động phản chiến Thụy Điển và các nhà báo Việt Nam thời kỳ đó, tác phẩm Liberation Radio sẽ cất tiếng”.
	Dự án Radio Giải phóng được lấy từ chương trình phát thanh bằng tiếng Anh từ Hà Nội trong chiến tranh, và từ các căn cứ cách mạng ở nông thôn khi phòng thu ở Hà Nội bị đánh bom
Dự án Radio Giải phóng được lấy từ chương trình phát thanh bằng tiếng Anh từ Hà Nội trong chiến tranh, và từ các căn cứ cách mạng ở nông thôn khi phòng thu ở Hà Nội bị đánh bom

Thay vì cầm súng, họ cầm một chiếc micro”

- Từ ngày 28.5 - 13.6, tại Không gian nghệ thuật Manzi Hà Nội diễn ra trưng bày sắp đặt âm thanh mang tên "Liberation Radio" (Radio Giải phóng). Ý tưởng của dự án được bắt đầu như thế nào?

- Dự án "Radio Giải phóng" bắt nguồn từ nghiên cứu mà nhà sử học Matthew Sweet đã thực hiện cho cuốn sách “Operation Chaos”, kể về câu chuyện của những người Mỹ đào ngũ từ cuộc chiến ở Việt Nam và xin tị nạn ở Thụy Điển. Qua nghiên cứu đó, anh đã gặp một số người đào ngũ từng tình nguyện thực hiện các chương trình tuyên truyền cho chính quyền Hà Nội. Họ được đưa một máy ghi âm, được yêu cầu làm chương trình thuyết phục những người lính khác ở Việt Nam đào ngũ, bằng cách trộn lẫn các bài phát biểu phản chiến với những bản nhạc pop mới nhất của Mỹ. Các cuốn băng này sau đó được gửi về Hà Nội bằng túi ngoại giao, và phát từ Đài Phát thanh Giải phóng ở Việt Nam lúc đó. Và rồi, nhóm 3 người chúng tôi, gồm nhà sử học Matthew Sweet, tôi và nghệ sĩ kiêm nhà làm phim Esther Johnson, mong muốn tạo ra một tác phẩm có thể tái tạo và hình dung lại chất liệu này, đưa nó trở lại thế giới đương đại.

- Và sự trở lại đó, đi kèm với rất nhiều câu chuyện đằng sau chiếc micro?

- Đúng vậy. Ngay tên dự án - "Radio Giải phóng" được lấy từ chương trình phát thanh bằng tiếng Anh từ Hà Nội trong chiến tranh, và từ các căn cứ cách mạng ở nông thôn khi phòng thu ở Hà Nội bị đánh bom. Nó phù hợp với xúc cảm phản chiến của những người thực hiện chương trình, và chúng tôi muốn khơi gợi xúc cảm, suy nghĩ đó, được ghi lại bởi những thanh niên lưu vong Mỹ và sau đó được gửi đi khắp thế giới.

Ở đó, có câu chuyện như của Vincent Strollo, con trai một thợ cơ khí đến từ Philadelphia, Mỹ, đóng quân tại một bệnh viện quân sự gần Landstuhl, Tây Đức, khi ông đào ngũ sang Thụy Điển năm 1968. Tại Stockholm, ông đã liên lạc với Hội đồng Người đào ngũ Mỹ, trong một nhận thức rõ ràng: “Ngay từ rất sớm, tôi đã quá chán ghét cuộc chiến tranh đến nỗi tôi đã nói: Thôi, tôi có thể đến miền Bắc Việt Nam và chiến đấu cho miền Bắc Việt Nam”. Đây là khởi đầu cho sự tham gia của những người lính đào ngũ với Radio Giải phóng những năm 1960, thay vì cầm súng, họ cầm một chiếc micro.

Dự án "Radio Giải phóng" được tài trợ bởi Quỹ FAMLAB (Quỹ phim, nhạc và lưu trữ) thuộc dự án Di sản Kết nối của Hội đồng Anh Việt Nam. Để bảo đảm an toàn và có được trải nghiệm tác phẩm một cách trọn vẹn, Ban tổ chức mở trưng bày theo lịch hẹn trước và giới hạn số người xem là 5 người/lượt. Khách tham quan phải rửa tay và đeo khẩu trang trước khi vào không gian trưng bày.

Tái hiện lịch sử thông qua nghệ thuật

- Không biết sắp đặt âm thanh "Radio Giải phóng" đã được tạo ra như thế nào?

- Cốt lõi của "Radio Giải phóng" là nghiên cứu và diễn giải lại các tài liệu lưu trữ đã có từ trước theo cách mới. Vào cuối năm 2019, Esther đã đến Việt Nam, dành thời gian đến Viện Phim Việt Nam để xem một số bộ sưu tập và tìm hiểu về các loại tài liệu khác nhau được lưu giữ ở đó. Do dịch Covid-19, việc tìm hiểu sâu hơn và khả năng sử dụng tài liệu đó đã không thể thực hiện được. Tuy nhiên, dự án đã chuyển sang hướng khác. Thay vào đó, Esther đã nghiên cứu tài liệu video trong phạm vi thư viện công cộng trên internet, tôi cũng thực hiện các bản ghi âm thực địa cần thiết ở Việt Nam, cũng như nghiên cứu âm thanh lưu trữ trên mạng, thu thập âm thanh từ các kênh phát thanh sóng ngắn để sử dụng làm tư liệu bổ sung.

Để hình dung rõ nét hơn, chúng tôi đã tạo một bản demo dài 1 phút lấy điểm xuất phát là một đoạn trích từ kịch bản gốc của Radio Giải phóng mà Matthew đã ghi lại ở Thụy Điển. Bản demo sơ bộ này đã giúp chúng tôi khám phá cách các yếu tố khác nhau có thể được kết hợp với nhau để xúc tiến một cách hiểu mới về tài liệu chính của chủ đề Radio Giải phóng. Qua đó, định hướng cách chúng tôi muốn phát triển dự án và là bàn đạp cho các cuộc thảo luận và ý tưởng sâu hơn. Và tác phẩm cuối cùng đã được thực hiện dưới dạng sắp đặt nghe nhìn cho phòng trưng bày nghệ thuật mà công chúng được trải nghiệm trong khuôn khổ triển lãm.

- Thông điệp mà nhóm dự án muốn gửi gắm thông qua tác phẩm sắp đặt âm thanh này là gì?

- "Radio Giải phóng" tập trung trình bày một câu chuyện ít được biết đến về phong trào phản chiến những năm 1960. Chúng tôi hy vọng tác phẩm có thể tiết lộ lịch sử và di sản văn hóa tiềm ẩn cho các thế hệ trẻ, đặc biệt là những người sinh ra lâu sau khi kết thúc chiến tranh, và khán giả đa dạng về lịch sử. Sau triển lãm "Radio Giải phóng" tại Manzi Art Space, Hà Nội, do đại dịch Covid-19 chúng tôi cũng đang khám phá tiềm năng của phiên bản trực tuyến kỹ thuật số để khán giả quốc tế có thể trải nghiệm, tương tác với tác phẩm từ xa.

- Xin cảm ơn nghệ sĩ!

Hải Đường thực hiện