Bệnh viện Quận 11

Nỗ lực hỗ trợ trạm y tế địa phương trong quản lý hen - COPD

- Thứ Năm, 10/11/2022, 06:45 - Chia sẻ

Trước thực tế số lượt người bệnh hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đến khám và điều trị tại bệnh viện ngày càng gia tăng, với mong muốn thực hiện tốt hơn chương trình quản lý các bệnh mạn tính không lây ở tuyến cơ sở, hướng đến mục tiêu để người dân dễ dàng tiếp cận hơn với chương trình quản lý Hen - COPD, Bệnh viện Quận 11 đã triển khai Đề án "Thực hiện quản lý Hen - Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tuyến phường, xã”.  Việc triển khai Đề án giúp tăng độ tiếp cận với liệu pháp duy trì cho bệnh nhân hen - COPD trong cộng đồng để ngăn ngừa các đợt bệnh cấp, giảm áp lực về lượt khám, cấp cứu, nhập viện, giảm gánh nặng kinh tế cho người bệnh, gia đình và xã hội.

Bệnh lý hô hấp mạn tính gây tử vong đứng hàng thứ ba trên thế giới

Theo Chiến lược toàn cầu về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen (GOLD, GINA), trên thế giới hiện nay, ước tính có khoảng 384 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và 26 triệu người mắc bệnh hen phế quản mỗi năm. Đây là hai bệnh lý hô hấp mạn tính gây tử vong đứng hàng thứ ba trên thế giới. Trong đó, cứ mỗi 10 giây là có 1 người tử vong vì bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và mỗi năm có 461.000 người chết vì hen. Tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khoảng 4,2% dân số trên 40 tuổi và 37,5% người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trưởng thành được ghi nhận có triệu chứng nghiêm trọng, dẫn đến nguy cơ bị đợt cấp, nhập viện, thậm chí tử vong.

Tại Việt Nam, có 4,1% dân số bị mắc bệnh hen, nhưng chỉ có 29,1% trong số đó được điều trị bằng liệu pháp dự phòng. Năm 2019, gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới 73,7% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc (tính bằng DALY), trong đó các bệnh hô hấp mạn tính chiếm tỷ lệ cao thứ 3.

Chi phí điều trị của một người bệnh COPD không được điều trị trong giai đoạn ổn định phải nhập viện vì đợt kịch phát lên đến 225 triệu đồng mỗi năm, gấp 10 lần chi phí điều trị ngoại trú trong giai đoạn ổn định khoảng 22 triệu đồng mỗi năm. Việc quản lý hen - COPD ngoại trú giúp cho người bệnh giảm t lệ bệnh nặng phải nhập viện và tử vong, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội, giảm chi phí rất lớn cho điều trị nội trú và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, sống khỏe, sống có ích, nâng cao tuổi thọ.

Mô hình Đề án quản lý Hen - BPTNMT tuyến phường, xã
Mô hình Đề án quản lý Hen - BPTNMT tuyến phường, xã

Nghị quyết số 20-NQ/TW (Khóa XII) về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” đã xác định y tế đóng vai trò như “người gác cổng”, là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, bệnh tật. Báo cáo kết quả quản lý bệnh tại tuyến y tế cơ sở hoạt động phòng, chống hen phế quản bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính năm 2016 - 2020 cho biết tỷ lệ người mắc hen phế quản bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được phát hiện ở giai đoạn sớm trước khi có biến chứng và được điều trị theo hướng dẫn chuyên môn là dưới trung bình (tỷ lệ lần lượt là 35% và 39,3%).

Trước thực tế đó, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho các trạm y tế phường, xã nhằm nâng cao năng lực khám, chữa bệnh và thu hút người dân đến khám, chữa bệnh ban đầu và quản lý sức khỏe. Bệnh viện Quận 11 là một trong những đơn vị đã nỗ lực hỗ trợ và chung tay cùng trạm y tế địa phương trong quản lý hen - COPD với mục tiêu thực hiện tốt hơn chương trình quản lý các bệnh mạn tính không lây ở tuyến cơ sở, hướng đến mục tiêu để người dân dễ dàng tiếp cận hơn với chương trình quản lý hen - COPD và giúp giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên.

Đề án thực hiện quản lý hen - bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tuyến phường, xã

Bệnh viện Quận 11 là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế với chức năng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân thuộc quận nói riêng và các quận lân cận nói chung. Lượng bệnh nhân đến khám bệnh ngày càng tăng, từ 1.700 - 1.800 lượt người khám/ngày, hiện nay đạt từ 1.800 - 2.200 lượt/ngày, số lượt điều trị nội trú từ 170 - 220 lượt/ngày, công suất sử dụng giường bệnh theo kế hoạch năm 2021 đạt 92,24%.

Với sự đầu tư các trang thiết bị hiện đại, cùng với cơ sở vật chất khang trang và được sự hỗ trợ chuyên môn từ đội ngũ cố vấn, chuyên gia nhiều kinh nghiệm thuộc nhiều lĩnh vực ngoại khoa, nội khoa..., thời gian qua, bệnh viện không chỉ đáp ứng được nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh và điều trị cho người dân trên địa bàn quận 11 mà còn có thể tiếp nhận điều trị, cấp cứu cho nhân dân trên địa bàn các quận lân cận như quận Tân Bình, Tân Phú, quận 6, huyện Bình Chánh.  

Các bác sĩ bệnh viện Quận 11 thăm khám cho bệnh nhân
Các bác sĩ bệnh viện Quận 11 thăm khám cho bệnh nhân

Hiện nay, bệnh viện vẫn đang trong giai đoạn mở rộng, tiếp tục thành lập thêm nhiều khoa, đơn vị nhằm chuyên môn hóa và nâng cao năng lực chuyên môn như: giải phẫu bệnh, phẫu thuật tạo hình thẫm mỹ... hướng đến đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng cao về chăm sóc sức khỏe của người dân, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Trước tình hình thực tế số lượt người mắc bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đến khám và điều trị tại bệnh viện ngày càng tăng, với mong muốn thực hiện tốt hơn chương trình quản lý các bệnh mạn tính không lây ở tuyến cơ sở, hướng đến mục tiêu để người dân dễ dàng tiếp cận hơn với chương trình quản lý hen - COPD, đồng thời tạo sự liên kết chặt chẽ giữa bệnh viện và tuyến phường, xã trong việc theo dõi sự tuân thủ điều trị của người bệnh, Bệnh viện Quận 11 đã triển khai Đề án "Thực hiện quản lý hen - bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tuyến phường, xã”.

Đề án được triển khai với sự phối hợp và phân công trách nhiệm rõ ràng, quy trình cụ thể như sau:

1. Bệnh viện Quận 11 chịu trách nhiệm tiếp nhận bệnh nhân mới, người bệnh tái khám từ Trạm Y tế phường 15 theo lịch hẹn chuyển lên. Người bệnh sau khi được chẩn đoán và kê đơn điều trị lần đầu hoặc sau khi điều trị ổn, các lần tái khám sẽ chuyển về cho Trạm Y tế phường quản lý. Bệnh viện kết nối với Trạm Y tế phường qua phần mềm quản lý để thuận tiện trong việc theo dõi sự tuân thủ điều trị của người bệnh. Cơ sở vật chất và trang thiết bị của bệnh viện gồm: 1 phòng khám chuyên khoa hô hấp, 1 máy đo hô hấp ký KOKO, 1 máy dao động xung ký IOS, mẫu bệnh án hen - COPD, phần mềm quản lý hen - COPD.

2. Liên Chi hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TP. Hồ Chí Minh là các bác sĩ, kỹ thuật viên tham gia chương trình huấn luyện và tầm soát, hỗ trợ nhân rộng mô hình.

3. Trung tâm Y tế Quận 11 phối hợp hỗ trợ về mặt truyền thông cho chương trình để thu hút bệnh nhân đến khám tại Trạm Y tế.

4. Trạm Y tế phường 15, Bệnh viện Quận 11 cử nhân sự tham gia tập huấn và thực hiện khám tầm soát, theo dõi bệnh, triển khai các chương trình truyền thông sức khỏe hen - COPD, đồng thời sơ cấp cứu các đợt cấp hen - COPD. Thực hiện chuyển bệnh nhân mới phát hiện, bệnh nhân tái khám theo lịch hẹn của bệnh viện.

Thông qua Đề án, có thể nói, Bệnh viện Quận 11 đã hỗ trợ một phần rất quan trọng, góp phần tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với dịch vụ khám, chữa bệnh trong điều trị các bệnh không lây ngay tại cơ sở, bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe và giảm thấp nhất chi phí cho người dân.

Với mục tiêu “lấy người bệnh làm trung tâm trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân”, Bệnh viện Quận 11 không chỉ tập trung nguồn lực phát triển chuyên môn, cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh mà còn luôn nỗ lực hỗ trợ, chung tay cùng y tế cơ sở từng bước nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc ban đầu, giúp người dân thụ hưởng các dịch vụ y tế chất lượng ngay tại cơ sở, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Việt Anh