Theo Phó trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, ThS. BS nội trú Nguyễn Thị Hà, bệnh có thể để lại di chứng nặng nề, thậm chí gây tử vong. Vì thế, chúng ta cần đề cao cảnh giác với căn bệnh nguy hiểm này.
Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Hà, ở Việt Nam, bệnh được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1952. Bệnh viêm não Nhật Bản lưu hành trong cả nước, nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc. Các ổ dịch phần lớn tập trung ở những vùng trồng nhiều lúa nước kết hợp với chăn nuôi lợn hoặc vùng trung du bán sơn địa có trồng nhiều hoa quả và nuôi lợn.
Trong số các loài động vật sống gần người, lợn được coi là nguồn truyền nhiễm quan trọng nhất vì tỷ lệ lợn bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản trong vùng dịch rất cao (khoảng 80% đàn lợn nuôi). Sự xuất hiện virus viêm não Nhật Bản trong máu lợn xảy ra ngay sau khi lợn bị nhiễm virus. Thời gian nhiễm virus huyết ở lợn kéo dài từ 2 đến 4 ngày với số lượng virus viêm não Nhật Bản trong máu rất cao đủ để gây nhiễm cho muỗi, từ đó muỗi lại truyền bệnh cho người qua vết đốt.
Bệnh gặp chủ yếu ở trẻ dưới 15 tuổi. Tuy nhiên, tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với virus viêm não Nhật Bản đều có thể bị mắc bệnh.
Trẻ mắc bệnh có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Tỷ lệ tử vong cao có thể lên đến 10% - 20%.
Triệu chứng của viêm não Nhật Bản
Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Hà, bệnh thường có biểu hiện rất cấp tính bao gồm sốt cao đột ngột, đau đầu, nôn hoặc buồn nôn; rối loạn tri giác ở các mức độ khác nhau: vật vã mê sảng hoặc li bì, lú lẫn, hôn mê. Ngoài ra, còn có các triệu chứng thần kinh như co giật, hoặc yếu tay chân.
Bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ để lại di chứng rất nặng nề, gánh nặng cho gia đình và xã hội. Các di chứng như: rối loạn tâm thần, liệt, rối loạn ngôn ngữ, co giật, động kinh, nằm liệt giường... nặng hơn có thể gây tử vong.
Phòng bệnh như thế nào?
Vaccine chính là biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất, hiệu quả nhất và chỉ có tỷ lệ tiêm chủng cao mới có khả năng bảo vệ được cá nhân và cộng đồng trước các dịch bệnh nguy hiểm trong đó có viêm não Nhật Bản.
Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, Bác sĩ Nguyễn Thị Hà khuyến cáo cần tiêm 3 liều cơ bản theo lịch tiêm của chương trình Tiêm chủng mở rộng:
- Mũi 1: lúc trẻ đủ 1 tuổi
- Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần
- Mũi 3: sau mũi 2 là một năm
Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Đối với trẻ trên 5 tuổi nếu chưa từng được tiêm vaccine viêm não Nhật Bản thì cũng tiêm với 3 liều cơ bản:
- Mũi 1: càng sớm càng tốt
- Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần
- Mũi 3: sau mũi 2 là một năm.
Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:
- Phòng chống muỗi đốt: ngủ màn, mặc quần áo dài tay, quần dài hạn chế muỗi đốt. Dùng các biện pháp trừ khử muỗi như: vệ sinh môi trường sinh sống, dùng thuốc trừ muỗi...
- Nếu có nuôi lợn, chuồng chăn nuôi, trang trại cần đặt xa nhà, có biện pháp phòng ngừa muỗi đốt lợn vì lợn là nguồn súc vật mang mầm bệnh. Vệ sinh môi trường, chuồng trại sạch sẽ để muỗi không có nơi trú đậu.
- Không nên cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc. Thường xuyên rửa tay với xà phòng, ăn chín, uống sôi.