Sống gửi, thác về (Phần cuối)
Sau ngày đi ăn tươi ngắm biển giữa thành phố, Luyến mới biết, mặt cô vàng suộm là biểu hiện cuối cùng của bệnh ung thư gan. Chả trách, lâu nay bụng cô mỗi khi nằm ngửa, cứ có một cục tròn tròn như quả cam, rồi lúc giống quả bưởi ngọt Đoan Hùng chạy qua chạy lại. Lúc nào ho, nó nổi trồi lên, rồi biến đi.

Luyến có sụt cân, nhưng cô không nghĩ đấy là do ung thư di căn, người bệnh bao giờ cũng sụt cân mà tưởng do mình ăn kiêng, mỡ bụng tiêu bớt, nên gầy. Ung thư là cái quái gì nhỉ? Chỉ biết ai bị ung thư là chết nhanh. Lâu nay, khái niệm về bệnh tật hay cái chết chưa bao giờ có trong Luyến. Cô không tin là một cái gì đó có thể phá mất đời sống lâu nay yên ấm của mình. Chiến tranh qua lâu rồi. Đói nghèo càng không. Tai nạn thì có đi đâu ra khỏi nhà mà sợ xe máy, ô tô đâm chết? Tự nhiên, đang ấm êm tốt đẹp thế này, lại mọc ra cái ung thư? Ai nói Luyến đi viện xét nghiệm, chữa chạy, cũng không. Dứt khoát không. "Điên à, vào viện cho bọn bác sĩ dọa khôn dọa dại lấy tiền. Có ai vào viện mà không moi ra cả đống bệnh? Không vào cũng dễ mà chết chắc?" Luyến một tấc không đi, một ly không rời cái tổ chim câu của mình. Vào viện. Ai đút cơm mỗi tối cho thằng Dương. Ai bơm nước, tắt điện... Chao ôi, trông một cái gia đình bé nhỏ xinh xắn thế thôi, chứ lắm việc không tên lắm.
Sau chuyến ăn tươi không thành rồi Luyến phát hiện da vàng toàn thân đến khi chết, không đủ một trăm ngày. Cứ từ từ mà đời mình tuột khỏi tay. Giọng nói lào khào yếu dần. Rồi lào khào cũng khó. ánh mắt dại dần. Rồi hết dại... Nhắm lại. Không bao giờ mở nữa.
Luyến chết.
Mâm cơm không còn đủ bốn bát ba đĩa: bốn bát canh chua thịt cho mình, canh rau ngót thịt cho Dương, canh trứng thịt cho Tân, canh mướp đắng cho bà ngoại. Ba đĩa là: lòng lợn luộc, thịt rán và thịt kho. Khi còn hai bố con chỉ một đĩa tổng hợp mọi bộ phận của lợn luộc, nước luộc nấu cà chua. Cũng xong. Hấp dẫn không kém xưa. Bà ngoại dọn sang ngách bên, kiếm cái tràng hạt dài, nâu bóng, ngồi trước bàn thờ con gái, gõ cốc cốc cái mõ mua trước cổng Phủ Tây Hồ, mắt lim dim tâm sự với con. Luyến chết, hai bố con thằng Dương quan hệ với bà ngoại như hàng xóm thân. Vợ mình là con người ta, con mình do vợ đẻ ra, suy đi tính lại chẳng bà con chi. Từ lâu, mối quan hệ mẹ con bà cháu chằng chịt thân thiết là thế, như một mắt xích chặt chẽ. Bỗng một ngày, một mắt xích bị gỉ, đứt phựt, thế là tan cả cái dây. Bà đẻ ra Luyến chứ có quen biết gì thằng Tân? Nếu nó không ở với con gái bà mà là ở với bất kì đứa nào khác thì nó sẽ mẹ mẹ con con với một bà già khác. Vì con gái bà thích nó, thì bà thích nó. Bây giờ, con gái bà biến mất. Luyến như không hề tồn tại trên đời nếu thỉnh thoảng không nhặt được cái cặp tóc nó quên nơi buồng tắm, vài bộ quần áo lửng thằng Tân ôm sang đưa, nói bà mặc đi cho đỡ phí, để thì chật tủ, vứt đi thì còn mới, làm giẻ lau không đắt vì rặt nilông, lau không thấm nước... Thằng Dương đúng là do con gái bà đẻ ra, về luật thì là cháu ngoại của bà, nhưng từ nhỏ đến giờ, bà có được gần nó đâu để mà hình thành quan hệ thân thiết? Có bao giờ con Luyến nghĩ nó sẽ biến mất, để bà ở lại với hai người chỉ quen thở chung không khí, đêm nằm úp thìa với nó mà không liên quan gì đến ngày tháng của bà. Tình cảm không thể có khi người ta cứ xưng xưng hô lên là: "Đây là bố của mẹ, tức là ông ngoại con. Đây là mẹ của mẹ, tức là bà ngoại con". Nói xong rồi đợi ngay sau đó là tình cảm ào ạt ùa tới. Không thể được. Tình cảm lớn dần theo thời gian sống, với những thói quen, cảm xúc yêu ghét, cả sự chịu đựng lẫn nhau. Không là bà ngoại, ông ngoại mà gắn cái ngày tháng sống ba chìm bảy nổi vào nhau, còn thân hơn ruột thịt đấy mà xa cách. Đột nhiên con Luyến biến mất, trơ ra bà. Gần 70 tuổi với hai thằng đàn ông lù lù thế kia, bảo bà quay lại từ đầu, bới lại trong tiềm thức xa xôi của mình cái gọi là tình cảm, không bao giờ được. Thôi thì không dưng lại không nhận đây vẫn là con rể tôi, đây vẫn nguyên si cháu ngoại tôi. Nhưng khó thế, mỗi bữa ăn chung, mâm cơm bày ra vội vàng, lúc nào cũng thiếu, lúc thì quả ớt, lúc bát nước mắm. Để rồi khi người ngồi đủ, đủ hết các thức, chợt trống hoác một góc. Luyến. Chỗ nó hay ngồi, giữa chồng và con. Tay gắp cho chồng miếng dồi hôm nay mỡ thơm, lại ấn vào bát cơm đầy vật vã của thằng Dương miếng thịt nướng, ăn cố đi con, thông minh lắm đấy, rồi ngó sang bà, cười, con nấu canh cho mẹ với mấy con tôm khô....
Nhiều tháng sau.
Mọi người thành tâm thu xếp ngồi vào mâm cùng nhau, nhưng tan ngay. Tân tống tất cả cơm, lòng, tiết, thịt vào một bát to, chan nước mắm cốt lên, cắt ba quả ớt chỉ thiên, rượu rót hẳn vào cốc hàng ngày dùng uống nước chanh, bưng ra cửa nhai, tu rượu, hai mắt nhìn đường cho rượu đỡ nhạt, lòng đỡ tanh. Thằng Dương cũng một bát. Giống bố, nhưng cốc uống nước chanh ngày mẹ còn sống nay là bia. Cũng bưng ghế ra một nơi nhưng không phải ngoài đường mà ra trước ti vi, bật kênh HBO xem phim Mỹ. Còn bà ngoại. Lóc cóc gõ mõ, lâu lâu dừng gõ, húp thìa cháo mát tận đáy ruột, gõ tiếp. Sáng nào cũng đặt nồi cháo, đậu xanh, đậu đen. Bát đầu tiên cho con gái. Lúc sống, con chẳng ngó ngàng đến mẹ. Bao tâm sức con dồn hết cho hai thằng đàn ông của đời con, mẹ có muốn chăm con cũng khó. Nay con lang thang đi mây về gió, hai thằng đàn ông lo thân không xong, sao biết cúng cho con bát cháo. Còn sống ngày nào thì nước mắt còn chảy xuôi ngày đấy. Mẹ sáng nào cũng mời con bát cháo thơm. Thôi thì bao năm xơi thịt, giờ húp cháo cho sạch ruột, nhẹ vía, đi đây đi đó cho đỡ tù túng.
Hai bố con từ ngày Luyến chết, mất luôn quan hệ cha con kính trọng lễ nghĩa, chuyển thành hai thằng đàn ông trong một nhà. Bố đứng bấm máy giặt, gọi ra: "Ông còn cái gì thì ném hết vào đây, tôi quay luôn một thể". Con dọn bát ăn cơm, cầm chai rượu làng Vân sóng sánh cặn bên dưới, hỏi không ngẩng mặt: "Ông uống rượu hay bia đây? Nếu bia thì còn, rượu thì hết, đưa tiền tôi đi mua". Hai người, lưng to phè, vai vuông, tóc dài trùm ngang dọc hiếm dùng lược chải, nhanh gọn mười tay cào cho xong, nhìn sau lưng, nghe đối thoại ông ông tôi tôi, cấm không biết thằng nào là bố, đứa nào là con.
Luyến chết.
Tân được thẳng lưng ngồi hút thuốc. Ngày trước, khi thèm, anh phải vờ đi đây đi đó, miễn là thoát ra khỏi ngôi nhà, rít như nuốt chửng khói thuốc vào bụng cho nhạt cơn ghiền. Giờ thì Tân ngồi đâu, khói mịt mù quanh đó, không kém gì Lam Trường, Đan Trường, hát càng hăng khói xịt từ đuôi càng mịt mù. Dương cũng tự do đắm mặt trong những đụn khói, thấy thơm thế này, sao ngày xưa mẹ hay hét lên như cháy nhà phát khói. Mấy lần rình ăn cắp một điếu, nhưng thấy bố bất ly thân bao Vina, cậu tập hút bằng cách nhặt lại những điếu Tân ném đi, cậu châm lại, hút gỡ. Mấy lần đầu, đắng nghét. Bao nhiêu cái thơm tho bố rít hết rồi, cái còn lại Dương hít khét lẹt mùi lông lợn cháy thui. Đến khi tự tay mua một bao, lại được đưa từ bàn tay mịn màng, những chiếc móng tay bé xíu sơn đỏ bầm của cô bé bán rong bên hồ, thì Dương thấy không gì ngon hơn nuốt khói vào bụng. Cô bé không biết từ đâu tới, cứ tối tối ngồi bày bán vặt xoài xanh, củ đậu, cá chỉ vàng, mực nướng. Toàn những thứ vặt vãnh, nhưng ấn tượng. Mùi ra mùi, vị ra vị, khách đông vòng trong vòng ngoài. Người ăn xoài xanh chấm muối ớt chua chảy nước mắt nhưng mũi lại hít hà hương cá chỉ vàng nướng. Mực một nắng, con nào cũng xinh xinh như mấy ngón tay cô chủ, quăn lại trong đĩa sắt đổ ít cồn 90 độ, bé lại bằng cái lá khô. Xé tơi ra, kéo phắt luôn nửa lít rượu. Từ ngày biết mua bao thuốc Vina đầu tiên trong đời, đích đến của Dương không còn là cây trứng cá trước nhà nữa, mà là góc nhỏ xíu của cô bé bên hồ. Chưa bao giờ Dương nói một câu với cô, nhưng ngồi bên cô hàng giờ, vẫn không đủ. Cô bé cũng hồn nhiên sai vặt mỗi khi khách đông, hai bàn tay xinh xắn như hai quả phật thủ bày biện, xếp sắp như múa. "Rót giúp em cốc trà đá cho anh kia, cho bác kia cái bật lửa hộ em, ôi thôi chết, hết mất cồn nướng mực rồi, chạy ù ra bà bán thuốc tây đầu đường mua hộ em ba lọ...". Dương làm hết, nhanh nhẹn như cậu và cô đã cùng làm những việc này từ rất lâu. Trời mưa, cậu ôm tất của nả chạy vào mái hiên, che chắn. Tạnh lại lốc thốc bưng ra. Cho tới ngày, một chiếc xe SH xanh biếc, từ đầu tới cuối xe rồng bay phượng múa, cưỡi trên đó là một chàng trai cao, gầy, tóc phần trên vàng, phần dưới xanh, những mụn trứng cá đỏ đỏ vàng vàng phủ đầy mặt làm hai con mắt chàng thêm phần biêng biếc xanh, hai cái ria hai bên mép tỉa kĩ, giật giật hiện ra, cô gái đang ngồi sau cái bàn gỗ con, tay cầm con dao Liên Xô nhỏ nhưng dài và nhọn, phi dao cắm phập xuống đất, nhảy qua mặt bàn ôm chầm lấy chàng trứng cá:
"Anh đuợc về rồi à? Lúc nào thế? Mất bao nhiêu cho nó?"
Dương thẫn khuôn mặt trái bầu. Nhìn mãi. Đầu không nghĩ ra cái gì, lặng đi về. Tối hôm đó. Bố Tân đi Bắc Giang, đánh một mẻ về phục vụ bảy cái đám cưới vì năm Đinh Hợi, cưới nhiều đẻ lắm còn giành lộc trời, Dương làm hết chai Lúa Mới và hai gói Vina. Ruột nóng, cổ cháy, bụng cậu quặn lên từng cơn. Bên kia. Bà ngoại điếc gõ mõ to như đánh trống làm bên này thêm nung đốt. Cậu vùng dậy. Chạy ra hồ. Đang cuối xuân, đúng tiết nồm. Sương mù hay mưa bụi như nhau, tất cả chìm trong màn khói như trong phim cổ trang Trung Quốc. Không thấy thằng SH trứng cá bên cạnh. Cô bé vẫn tay phải tay trái bán hàng như múa. Không có đồ ăn đồ uống nào mới nhưng nhìn vẫn thèm. Dương ngồi phịch trước mặt cô, mắt lồi ra. Cô bé lâu ngày gặp người yêu bị giam chín tháng tội đánh người, ngộ sát tận Hải Phòng, nhờ ông chú làm to, biết đi đúng cửa nào cửa đó mở nên thoát án, phóng 80km/giờ, về thăm em phúng phính thơm. Nàng không cười nhưng cái bụng đang sướng nên miệng toét rộng, không sao co lại. Dương ruột càng quặn, cổ càng đắng. Gầm gừ ngồi, nàng lại: "Anh ơi gọt cho em quả xoài, rồi thái to to hơn hôm qua một tí nhé. Xong cái đấy, anh đổ hộ em ấm trà loãng ra cái gốc cây hoa sữa kia cho cây nó mát...". Hai bàn tay cậu gọt, xoài xanh vỏ mỏng dao sắc sao vỏ không đi mà dao cứ bập vào thịt? Nghiêng cái ấm đổ trà, trà không ra mà rơi nguyên cái ấm, vỡ làm sáu mảnh... Cô gái không những không kêu, phá ra cười, hai mắt lóng lánh đen làm mấy cái răng thêm trắng, cái lưỡi hồng nhỏ xíu đưa ra thụt vào, chỉ muốn nắm giật tung ra cho rồi. Dương vùng phắt người, ôm choàng lấy cô bé, vật ngửa ra bãi đất trơn lì, hai chân cô chới với giơ lên vẫy chào mời gọi người đi qua. Dương ngoạm thẳng vào môi cô bé, cắn mạnh, rồi gí chặt miệng cô xuống, nhằm lôi bằng được ra cái lưỡi bé xíu, xem nó ra sao. Bố nó ngày xưa cũng nhờ có cắn mà lấy được mẹ nó làm vợ. Nó thì chẳng nghĩ xa, chỉ thấy cái bụng muốn cắn là làm. Cô bé giơ chân lên trời, rên ư ư rồi thè lưỡi mèo nhọn xinh cho Dương ăn. Bụng cậu quặn thắt, như ai nắm cái xương sống nằm giữa hai hàng xương sườn mà rút một cái như giật cái dây chỉ khâu của hai mảnh áo, rời tung ra.
Sau hai ngày cô bé về nhà Dương ở, bố Tân lừ lừ, đặt kịch chai rượu Lúa Mới đời mới loại to, kèm một cái tai lợn luộc cong cong như chiếc lá đa già xuống mâm, nhìn cô bé đang chổng mông chui vào lau gầm tủ dễ đến mấy tháng không ai ngó vào: "Dọn cơm ăn đi rồi làm". Mâm cơm ngay lập tức chềnh ềnh giữa nhà. Lại bài ca bốn bát ba đĩa thủa nào. Gan xào, thịt luộc, nước dùng xáo măng, đĩa xoài xanh ngâm nước mắm ớt ngày xưa chưa có... Bố ngồi bên cốc rượu trắng trong đầy như nước lọc. Con cũng cốc vại, không rượu mà bia. Bà ngoại góp vui tiếng mõ cốc cốc bên kia tường vọng sang chát chúa như muốn phá tung, đập tan xem bên trong cái cục gỗ tròn ấy có cái gì. Cô bé ngồi chỗ Luyến ngày xưa, nghiêng bên phải ngày xưa: "Tai lợn hôm nay dầy, cắn sần sật sướng cả răng, nhỉ anh Dương nhỉ?" ngả bên trái ngày xưa, nhe răng xinh: "Chú ăn ớt thế không sợ mù mắt bục dạ dầy à? Mai cháu ngâm cho chú lọ dấm, ít tỏi. Mỗi ngày nuốt vài nhánh, ung thư chỉ có mà tắt điện!". Đêm xuống, thay vì ngồi mực nướng xoài xanh bờ hồ thủa hàn vi, giờ ấm êm trong nhà, sành điệu. Sau bao tháng ngày hai máy tính không bắn nhau chát chúa, máu giả tiền thật, giờ được lau trắng phau. Anh một. Em một. Bên em thì Mĩ Tâm tóc nâu môi trầm thời xưa hát rừng rực lửa. Bên anh Duy Mạnh thất tình, não nề đau thương trước nhà người yêu xúng xính đồ cưới về với chồng giàu, không cờ bạc, nghiện hút. Cô gái quay sang, ngậm ngùi: "Thấy chưa, nghiện là khổ thế đấy. Đã mất nhà, khốn nạn, mất cả người yêu. Anh đừng nghiện, mất em đấy. Mấy thằng trước yêu lắm cũng vì nghiện mà em dứt áo ra đi".
Đêm xuống.
Tân một mình ôm gối tầng hai. Dương còng queo dưới đất. Cái giường chứng nhân lịch sử bộ ba úp thìa thủa nào, giờ cô gái dang thẳng chân tay, hồn nhiên khuôn mặt non tơ, miệng xinh bĩu bĩu, thỉnh thoảng cái lưỡi rắn nhọn nhọn hồng hồng đưa đẩy ú ớ mê. Hôm nào thằng SH nhiều trứng cá từ Hải Phòng phi nước đại về, cô bé cơm canh cẩn thận, bầy biện như thể hồn Luyến hiện ra sắp đặt: "Xin phép chú, phép anh Dương, em biến mấy ngày. Xong việc, về ngay. Quần áo mọi người thay ra tống hết vào cái chậu, đừng đổ nước chóng bốc mùi, kinh lắm. Để nguyên đấy, về em giặt".
Thường những lúc đó, Dương chĩa khuôn mặt treo mấy trái bầu của mình về phía cô gái, không gật không lắc. Ngây nhìn.
Chỉ có Tân ậm ừ: "Đi đâu thì đi, rồi nhanh nhanh mà về!"
Nguyễn Thị Thu Huệ
Tháng 3 năm 2007