Sống được với lương hưu

- Thứ Sáu, 23/04/2021, 06:46 - Chia sẻ

Thay vì đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên mới được nhận lương hưu, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất giảm dần số năm đóng xuống còn 15 năm, hướng tới 10 năm. Đây là điểm mới trong dự thảo Tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nhằm sửa đổi những tồn tại, hạn chế của luật hiện hành.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tính toán, nếu thay đổi theo phương án này sẽ “giữ chân” người lao động và khuyến khích người dân tham gia vào hệ thống, làm tăng nguồn thu vào Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH). Người lao động sẽ được bảo vệ tốt hơn trước những rủi ro trong quá trình làm việc, tạo điều kiện để người lao động tăng khả năng tiếp cận với lương hưu khi về già. Với 15 năm, hay thậm chí 10 năm đóng BHXH sẽ tạo điều kiện cho những người lao động trực tiếp, người lớn tuổi được dưỡng già khi họ khó chờ để đóng đủ 20 năm.

Đề xuất này được nhiều người dân ủng hộ bởi thực tế, quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ, quá dài dẫn đến số người đang tham gia rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu khá lớn, nhất là những người tham gia BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, cùng với tác động kinh tế khiến một bộ phận người lao động, nhất là lao động mất việc, xem khoản trợ cấp này là khoản tiền tiết kiệm đương nhiên phải lấy để bù đắp cho cuộc sống khi chưa tìm được việc làm mới hoặc làm vốn để về quê khởi nghiệp.

Trong giai đoạn 2012 - 2017, mỗi năm bình quân có 628.000 người hưởng BHXH một lần dẫn đến số người tham gia BHXH tăng thêm chỉ là 594.000 người. Nghĩa là cứ có 2 người mới tham gia vào BHXH thì có 1 người rời khỏi hệ thống. Năm 2020, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên số người hưởng BHXH một lần nhiều hơn số mới tham gia BHXH. Nếu không tìm phương án giải quyết vấn đề này, về lâu dài, người già không có lương hưu sẽ tạo áp lực lớn cho xã hội khi phải bố trí nguồn lực đơn lẻ để bảo đảm an sinh, chăm sóc y tế.

Ngoài ra, chính sách hưu trí được thiết kế còn nặng về nguyên tắc đóng - hưởng nhưng thiếu chú ý đến nguyên tắc chia sẻ giữa người có mức lương cao và mức lương thấp để thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm lao động. Báo cáo của BHXH Việt Nam thừa nhận có tình trạng chênh lệch khá lớn về lương hưu, có người hưởng mức lương hưu hằng tháng quá thấp, không bảo đảm mức sống tối thiểu và có người hưởng mức lương hưu hằng tháng quá cao. Điều này đã dẫn đến tình trạng người hưởng lương cao sẽ cao mãi và người hưởng lương thấp suốt đời vẫn khó khăn.

Như vậy, ngoài việc sửa đổi thời gian đóng bảo hiểm phù hợp với các đối tượng khác nhau thì cũng cần tính toán để người lao động sau này nhận lương hưu hợp lý, đủ để bảo đảm cuộc sống tối thiểu. Nếu lương hưu thấp dưới cả chuẩn nghèo thì làm sao hấp dẫn được người lao động? Nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách BHXH cần được thay đổi từ đơn tầng sang đa tầng. Dẫu vẫn theo nguyên tắc có đóng có hưởng, đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp nhưng cần bảo đảm mức an sinh xã hội tối thiểu cho người dân và bảo đảm độ bao phủ toàn dân phải có BHXH.

Lương hưu, không chỉ là khoản lương hằng tháng mà còn là bảo hiểm y tế khi người lao động về già. Để đáp ứng nhu cầu sống cơ bản và chăm sóc sức khỏe, lương hưu luôn phải đạt 2 yêu cầu: phải bảo đảm trang trải được cho những nhu cầu thiết thân nhất và phải bảo đảm công bằng. Vì vậy, cải cách phải dựa trên sự chia sẻ không để tình trạng lương hưu quá thấp, người lao động không muốn tham gia, rời hệ thống BHXH. Bởi những người về hưu hiện chỉ trông chờ vào một nguồn thu nhập từ lương hưu, họ rất cần được bảo đảm một mức lương đủ sống.

Duy Anh