Sống chung với thiên tai

- Thứ Hai, 13/07/2020, 05:58 - Chia sẻ
Từ xa xưa, ứng phó với thiên tai chưa bao giờ là điều dễ dàng đối với con người. Tại Nhật Bản, sống chung và giảm thiểu hậu quả thảm khốc từ các thảm họa thiên nhiên luôn là bài toán hóc búa với chính phủ quốc gia này.

Tự nhiên khắc nghiệt

Nhật Bản có địa hình khá phức tạp khi nằm trong khu vực giống như hình móng ngựa, bao quanh lòng chảo Thái Bình Dương. Bốn mặt giáp biển nên gần như năm nào người dân nơi đây cũng phải hứng chịu nhiều đợt sóng thần. Thêm vào đó, diện tích núi ở Nhật Bản chiếm đến hơn 70%. Dân cư sinh sống ở miền Tây chủ yếu trên các sườn dốc, nơi rất dễ gặp tình trạng ngập úng, sạt lở.

Hệ thống sông ngòi chằng chịt, lại nằm trong vùng có lượng mưa lớn nhất thế giới (lượng mưa trung bình hàng năm ở Nhật Bản gấp đôi lượng mưa trung bình toàn cầu) nên khi mưa lớn tác động, lưu lượng nước sông dâng cao phá vỡ hệ thống đê kè kiên cố.

Ngoài ra, tốc độ xây dựng phát triển nhanh chóng cũng khiến diện tích đất trống được sử dụng gần hết cho các công trình, còn rất ít đất để hấp thụ nước mưa. Không chỉ có bão lũ, sóng thần, xứ sở Mặt Trời còn phải hứng chịu nhiều trận động đất có quy mô lớn và sức tàn phá khủng khiếp, có thể giết chết 10.000 người và phá hủy tới 300.000 ngôi nhà.

Hệ thống cống ngầm khổng lồ của Tokyo
Nguồn: ITN

Từ cách làm cụ thể...

Nhận thức rõ những hậu quả nặng nề mà thiên tai gây ra, ngay từ rất sớm, Chính phủ Nhật Bản đã có những quyết sách hành động. Theo ông Miki Inaoka, chuyên viên về thảm họa tại Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), thập kỷ 50, 60 của thế kỷ trước, dù đang trong thời kỳ khôi phục sau chiến tranh, Chính phủ vẫn dành 6 - 7% ngân sách quốc gia cho nỗ lực giảm thiểu rủi ro thiên tai. Cũng bởi đã quá quen với các thảm họa tự nhiên, nên vào ngày 1.9 hàng năm, các tổ chức từ trường học đến công ty thường xuyên tổ chức diễn tập khẩn cấp, nhằm hướng dẫn mọi người kỹ năng đối phó với các tình huống thiên nhiên xấu.

Riêng chính quyền Tokyo còn xuất bản cuốn cẩm nang với độ dài hơn 300 trang, trong đó, phác thảo kịch bản các thảm họa khác nhau và cách giảm thiểu rủi ro. Cuốn sách được phát miễn phí tới hơn 7 triệu hộ gia đình. Nhật Bản cũng áp dụng tiêu chuẩn chống địa chấn hiện đại cho hầu hết các tòa nhà, với khả năng uốn cong và rung lắc, tránh sụp đổ, giảm thiệt hại trong tình huống động đất xảy ra. Mạng lưới các con đường chính cho xe cứu hỏa và cứu hộ cũng đang được cải thiện tích cực. Đặt ra những tình huống xấu nhất, chính quyền nhiều địa phương trong nước Nhật khuyến khích doanh nghiệp và trường học lưu trữ nước uống, thực phẩm và nhu yếu phẩm để mọi người lánh nạn có thể sử dụng trong ít nhất 3 ngày.

… đến hướng đi quy mô

Nhằm đối phó với thiên tai, từ xa xưa, người dân Nhật Bản đã biết đắp những gò đất cao, chống lại thủy triều dâng và ngập lụt mỗi khi bão về. Những gò đất nhân tạo đó được gọi là “núi sinh mệnh”. Tại tỉnh Shizouka, chính quyền đang xây dựng thêm 4 "núi sinh mệnh mới" làm nơi lánh nạn cho người dân. "Núi sinh mệnh" lớn nhất có diện tích hơn 6.000m2, cao hơn 7m so với mặt đất, đủ sức chứa  cho 1.300 người lánh nạn, với đầy đủ thực phẩm khô, nước uống và các phương tiện cứu nạn cũng như hệ thống chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời. Ông Nakamura Tomokazu, thuộc phòng quản lý xây dựng, thị trấn Fukui cho biết: “Từ giờ đến cuối năm, công trình sẽ hoàn thành được 50%. Đây không chỉ là nơi cứu hộ mà còn để người dân địa phương đến thư giãn, nghỉ ngơi”.

Dù phải gánh chịu nhiều đợt mưa dữ dội, nhưng cảnh ngập lụt ở các đô thị lớn tại Nhật Bản hầu như không xảy ra. Có được điều này là nhờ việc xây dựng hệ thống chống ngập rất tốt cho các thành phố. “Đường hầm thoát nước”, cấu trúc ngầm khổng lồ của Tokyo là một minh chứng rõ ràng. Cấu trúc ngầm có độ cao hơn một tòa nhà 5 tầng với bể trụ ngầm gồm 5 bể trụ được đặt cạnh 5 con sông có lưu vực thấp để chống ngập trước khi chúng chảy vào thủ đô.

Đường kính các bể trụ siêu khổng lồ, có thể chứa được một tàu con thoi hoặc tượng Nữ thần Tự do của Mỹ. Hệ thống trạm bơm cao áp Showa có thể đẩy nước lên cao tới 14m để xả ra sông Edogawa có lưu vực cao hơn cũng như có khả năng hút cạn bể bơi tiêu chuẩn 25m và được coi là trái tim của hệ thống thoát nước khẩn cấp cho Tokyo.

Thực tế cho thấy, thủ đô Nhật Bản phải đối phó với nhiều loại lũ khác nhau như mưa lớn từ thượng nguồn có thể làm ngập khu trung tâm ở hạ lưu, mưa lưu lượng cao gây quá tải hệ thống thoát nước, hay sóng thần đe dọa đường biển… Sau nhiều thập kỷ lên kế hoạch đối phó với những kịch bản trên, các chuyên gia quy hoạch Tokyo đã xây dựng hệ thống phòng chống lũ quy mô và hiện đại bậc nhất thế giới. Dưới lòng đất của thành phố, một mê cung đường hầm được hình thành bên cạnh các tuyến đường tàu điện ngầm và đường ống dẫn khí. Như lời ông Inaoka, thành viên JICA, công trình giống như  “một cơ sở trong truyện khoa học viễn tưởng”. Dù vẫn phải đối mặt với việc mô hình mưa thay đổi do biến đổi khí hậu, nhưng người dân Tokyo tự hào về kỳ quan chống ngập có một không hai này.              

Ngọc Minh