Sống chung với dịch

- Thứ Năm, 25/02/2021, 05:41 - Chia sẻ

Cho đến sáng qua, hàng hóa Hải Dương vẫn “tắc” ở cửa ngõ TP Hải Phòng do hai địa phương chưa tìm được tiếng nói chung về việc lưu thông hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

Điều này trước hết ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp Hải Dương. Tỉnh này đang vào cao điểm thu hoạch cây vụ đông - nguồn thu nhập chính của nông dân với giá trị ước tính hơn 4.000 tỷ đồng. Theo thông tin từ lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Hải Dương, 80% nông sản của tỉnh được tiêu thụ ở các tỉnh khác và xuất khẩu. Hải Phòng lại là đường chính đưa hàng hóa Hải Dương ra bên ngoài. Nếu Hải Phòng tiếp tục duy trì những điều kiện khắt khe trong việc lưu thông hàng hóa thì riêng với cây vụ đông Hải Dương có thể thiệt hại khoảng 2.000 tỷ đồng.

Đó là chưa kể tới nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu, hàng hóa giữa hai tỉnh. Và nếu tình trạng này kéo dài, có thể mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế mà Chính phủ kiên trì theo đuổi cũng bị ảnh hưởng.

Có ý kiến cho rằng Hải Phòng quá khắt khe, cứng rắn, thậm chí làm khó Hải Dương. Ngược lại, cũng có người ủng hộ tinh thần chống dịch quyết liệt nhằm bảo đảm sự an toàn cao nhất cho người dân của thành phố cảng. Dù vậy, một điều có thể dễ dàng thống nhất đó là tình trạng mỗi địa phương xử lý một kiểu như vậy rất không ổn, đặc biệt là khi không ai biết dịch bệnh kết thúc lúc nào hay nói cách khác, chúng ta hầu như không còn lựa chọn nào cả ngoài việc phải “sống chung với dịch”.

Để sống chung với dịch, chúng ta cần phải có những quy trình cụ thể trong từng việc dù nhỏ nhất và áp dụng thống nhất trên cả nước. Có vậy mới tránh được việc mỗi nơi một cách làm, thậm chí ngăn sông cấm chợ gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và thiệt hại cho nền kinh tế. Chẳng hạn, cơ quan chức năng cần phải có quy định rõ ràng về ổ dịch, vùng dịch cùng cách ứng xử với con người, cách quản lý hàng hóa, phương tiện từ nơi có dịch. Khi đó, dù dịch xuất hiện ở đâu, địa phương cứ theo quy định, quy trình mà làm và người dân, doanh nghiệp cũng như vậy mà tuân thủ vậy thay vì luống cuống, không biết phải làm những gì như các doanh nghiệp Hải Dương hiện nay. Khi đó, các thị trường tiêu thụ cũng không e dè với hàng hóa đến từ vùng dịch bởi đã có hướng dẫn cụ thể từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, lưu thông an toàn…

Xa hơn chút nữa, bởi không ai biết khi nào dịch bệnh mới chấm dứt, ngành y tế và nông nghiệp nên phối hợp ban hành quy trình sản xuất nông lâm thủy sản bảo đảm phòng chống dịch bệnh, đủ điều kiện lưu thông phân phối tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Mỗi địa phương cần nỗ lực thực hiện mục tiêu kép Chính phủ đã đặt ra, nhưng đây không phải là câu chuyện của từng tỉnh mà cần đặt ở tầm quốc gia, đòi hỏi sự chỉ đạo, điều phối nhanh chóng và hiệu quả của Chính phủ cũng như các bộ, ngành.

Hà Lan