Thực hiện Chương trình OCOP tại Hà Nội

Sơn Tây tập trung phát triển các sản phẩm thế mạnh

- Thứ Bảy, 20/02/2021, 07:04 - Chia sẻ
Với cách làm bài bản, sáng tạo trong triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, thị xã Sơn Tây đã phát triển được nhiều nông sản, sản phẩm làng nghề chất lượng cao được thị trường đón nhận. Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, thị xã xác định sẽ tập trung xây dựng phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, các sản phẩm OCOP. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản và sản phẩm làng nghề.
		Nhiều sản phẩm OCOP của Sơn Tây đã được thị trường biết đến
Nhiều sản phẩm OCOP của Sơn Tây đã được thị trường biết đến

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững

Bắt tay vào thực hiện chương trình OCOP từ năm 2019, thị xã Sơn Tây đã đề ra các nhiệm vụ cụ thể và đặt mục tiêu giai đoạn 2019 - 2020 có ít nhất 34 sản phẩm được thành phố đánh giá phân hạng, công nhận đạt 3 - 4 sao. Hiện thực hóa mục tiêu này, Sơn Tây đã có nhiều cách làm hay trong hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, khai thác lợi thế phát triển nông nghiệp và sản phẩm làng nghề đặc trưng, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn bền vững. Thị xã chủ động phối hợp với Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới thành phố và các đơn vị khác tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn lực thực hiện chương trình. Đồng thời, ban hành Đề án Mỗi xã, phường một sản phẩm giai đoạn 2019 - 2021, định hướng đến năm 2030. Để chương trình đạt hiệu quả cao, bên cạnh chú trọng chuyển giao kỹ thuật cho người lao động, tháo gỡ khó khăn cho các hộ về cây, con giống, vật tư phục vụ sản xuất, thị xã còn hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu, thương hiệu tập thể cho các sản phẩm; phát triển, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, bao bì, tem nhãn hàng hóa…

Sau khi các sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng, thị xã Sơn Tây đã xây dựng các chương trình, kế hoạch quảng bá, giới thiệu rộng rãi. Cụ thể, thị xã đã lựa chọn 3 điểm giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn tại: Đền Và (phường Trung Hưng); chùa Khai Nguyên (xã Sơn Đông) và cổng làng Mông Phụ (xã Đường Lâm). Các điểm giới thiệu đã trực tiếp góp phần thiết lập chuỗi cung ứng hàng hóa chất lượng cao phục vụ người dân; tạo cơ hội kết nối doanh nghiệp và khách hàng. Thông qua đó, tạo tiền đề để các hợp tác xã, doanh nghiệp, đơn vị và người dân tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện chương trình OCOP, Phó Chủ tịch UBND thị xã Tạ Thanh Phong cho biết: Bên cạnh làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về chương trình, thị xã cũng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các chủ thể tham gia. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã… hoàn thiện cơ sở sản xuất, kinh doanh để đủ điều kiện tham gia đánh giá, phân hạng các sản phẩm theo tiêu chí OCOP và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đặc biệt, việc kịp thời động viên, khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích cũng tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút nhiều chủ thể tham gia chương trình.

Tập trung xây dựng, quảng bá thương hiệu

Dù đạt những kết quả bước đầu quan trọng, song ngoài các sản phẩm đã được công nhận, thị xã vẫn còn nhiều sản phẩm có quy mô sản xuất nhỏ; chưa có bao bì đạt tiêu chuẩn, thông tin truy xuất nguồn gốc, chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp... Những sản phẩm này đa phần chưa có tính độc đáo và khác biệt so với các sản phẩm cùng chủng loại. Do đó, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng không cao; khu vực tiêu thụ, phân phối mới chủ yếu tập trung tại địa bàn thị xã và một số huyện lân cận.

		Thông qua mô hình điểm giới thiệu, các sản phẩm OCOP thị xã Sơn Tây đã từng bước tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng
Thông qua mô hình điểm giới thiệu, các sản phẩm OCOP thị xã Sơn Tây đã từng bước tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng

Phó Chủ tịch UBND thị xã Tạ Thanh Phong cho biết: Để thực hiện tốt hơn nữa Chương trình OCOP, thị xã sẽ đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của chương trình và nhu cầu ngày càng cao của thị trường, góp phần giải quyết việc làm cho lao động; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nông thôn, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí: “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa của Chương trình OCOP; thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất chuyên canh tập trung, hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Đồng thời hướng dẫn, tư vấn, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân hoàn thiện cơ sở sản xuất, kinh doanh; xây dựng và phát triển một số sản phẩm chủ lực đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia; xây dựng nhãn hiệu OCOP trở thành thương hiệu mạnh của thị xã.

BOX: Hết năm 2019, thị xã Sơn Tây có 5 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao. Bước sang năm 2020, thị xã có thêm 29 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên (4 sản phẩm 4 sao, 25 sản phẩm 3 sao). Giai đoạn 2021 - 2025, Sơn Tây xác định sẽ tập trung phát triển, nâng cấp, hỗ trợ, hoàn thiện, tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP trên địa bàn; phấn đấu đến năm 2025 có 100 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, 20 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 80 sản phẩm 3 sao.

Thị xã cũng định hướng liên kết với các siêu thị nhằm đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP đã được chấm điểm 3 sao, 4 sao. Đồng thời, kết nối cung cầu với các chủ doanh nghiệp có năng lực để đưa sản phẩm OCOP Sơn Tây vươn ra thị trường nước ngoài. Theo Giám đốc Công ty TNHH nông - thủy sản Thuần Việt Vũ Khắc Hoạt: Năm 2021, công ty dự kiến sẽ đưa ra thị trường 5 dòng sản phẩm mới về dược liệu và rau, củ, quả hữu cơ. Để chuẩn bị tốt nhất cho kế hoạch này, Thuần Việt đã nhập khẩu, đưa vào hoạt động nhiều loại máy móc, thiết bị tiên tiến, bảo các sản phẩm đến tay người tiêu dùng trong nước và các nước đang xuất khẩu (Úc, Anh) chất lượng tốt nhất. Ngay trong quý I này, công ty sẽ xuất lô hàng đầu tiên trong năm sang thị trường Úc. Với phương châm "một uy tín, triệu niềm tin", các sản phẩm của Công ty luôn được kiểm soát chặt từ khâu chế biến đến sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ. "Công ty mong muốn sẽ tạo ra kênh tiêu thụ lâu dài các sản phẩm nông nghiệp địa phương. Qua đó, tạo động lực cho nông dân tăng cường sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống", ông Hoạt chia sẻ.

Nhờ triển khai đồng bộ, bài bản, khoa học, Chương trình OCOP không chỉ thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo việc làm, góp phần giảm nghèo hiệu quả mà còn phát huy trí tuệ của người dân, hình thành mối liên kết kinh tế cộng đồng bền vững. Đây được coi là hướng đi đúng đắn nhằm xây dựng thương hiệu sản phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp địa phương; đóng góp tích cực vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Với định hướng đúng đắn, cùng quyết tâm của chính quyền địa phương, sự đồng thuận, ủng hộ mạnh mẽ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tin rằng thời gian tới, thị xã Sơn Tây sẽ tiếp tục phát triển nhiều hơn nữa các sản phẩm lợi thế để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Từ đó, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

BẢO TRÂM