Son sắt và mặn mà

Đăng Bẩy 01/09/2012 09:31

Trong nghệ thuật và cả đời thực, tình yêu son sắt đã vượt lên mọi thăng trầm để bảo toàn một nhan sắc mặn mà và tình cảm trân trọng nơi đồng nghiệp cũng như khán giả. Zinaida Kirienko thuộc số nghệ sĩ như thế...

Xuất xứ một cái tên

Vào đầu thế kỷ XX, một gia đình khá giả sinh hạ được một cậu con trai, nuôi lớn rồi gửi vào học trường võ bị Tbilisi, tại khoa quân nhạc. Năm 1919, chàng cùng những thiếu sinh quân khác lên tàu thủy đến nước Anh, mất tám năm phiêu bạt không kiếm được chỗ dung thân ở xứ sở sương mù, đành quay về cố quốc… Lập nghiệp ở Dagestan, chàng gặp một cô gái kém mình chín tuổi, làm tại xí nghiệp cá hộp, nhan sắc xinh đẹp nhưng tính tình cương quyết, phi ngựa như bay và là thủ lĩnh câu lạc bộ bắn súng. Chính cặp vợ chồng này đã sinh hạ được nữ Nghệ sĩ Nhân dân Liên bang Nga Zinaida Kirienko.

Áp phích phim Số phận một con người
Áp phích phim Số phận một con người

Khi còn mang thai, người mẹ rất mê sự tích nàng Aida – thiên truyện của nhà văn Pháp Auguste Mariette (1821 - 1881) được nhạc sĩ Italy, Giuseppe Verdi (1813 - 1901) soạn thành vở opera bất hủ – kể về bi kịch mãnh liệt khi nàng công chúa của quốc vương Ethiopia đi yêu kẻ cầm đầu đạo quân Ai Cập xâm chiếm nước mình. Thai phụ tin chắc đứa trẻ ra đời sẽ là gái và sẽ lấy tên nàng đặt cho con. Ngày 9.7.1933, dự đoán về giới tính đã trúng 100%, nhưng sau đó ít hôm, người mẹ bỗng dưng bị ốm, người cha đi làm thủ tục thay và đã thay đổi ý vợ, khai sinh cho con là Zinaida. Khi “sự đã rồi”, người mẹ rất bực, nhưng người cha cự lại: “Aida nghe không thuần Nga, nên anh ghép hai tên Zina và Ida lại để đặt cho con, việc gì em phải cáu”.

Cặp vợ chồng ấy hóa ra là hai con người tính tình xung khắc, nên họ phải ly dị nhau khi con chưa đầy ba tuổi. Sau đó, năm 1939, người cha bị bắt rồi biệt vô âm tín…

Lên sáu, nhà đón một người dì là nghệ sĩ xiếc, Zinaida háo hức nghe chuyện của dì, và sau đó, được xem phim Người cầm súng (1938, đạo diễn Sergei Yutkevich, kịch bản: Nilolai Pogodin) - cả một thế giới mới lạ mở ra trước mắt. Đến tuổi tới trường thì chiến tranh bùng nổ, các giáo viên nam phải tức tốc ra trận, nên Zinaida đi học muộn mất một năm… Lúc này, người mẹ đã được điều về công tác tại Stavropol, quen thân rồi kết hôn với một thương binh - người này đã thực sự thay cha đẻ dưỡng dục đứa con riêng của vợ và cho hưởng đầy đủ tư cách pháp lý như con đẻ của mình với tên gọi chính thức: Zinaida Mikhailovna Kirienko.

Đường vào nghệ thuật

Học hết lớp bảy, Zinaida đến Moskva thi đỗ vào trường trung cấp kinh tế - kế hoạch đường sắt. Đối với một cô gái tỉnh lẻ, tưởng như thế đã là thành công, nhưng học ở thủ đô chỉ được nửa năm, cô trở về làng xin vào học tiếp ở trường trung cấp kỹ thuật nông nghiệp. Năm sau, cô lại đến Moskva để thực hiện giấc mơ nghệ sĩ. Thoạt đầu, cô được trường điện ảnh VGIK thu nạp theo kiểu học thử - không học bổng, không chỗ ở trong ký túc xá, nếu chứng minh được tài năng của mình thì trường mới nhận vào hệ chính quy.

Ở góc độ nào đó, Zinaida đã gặp may, lọt vào mắt của nhà sư phạm uy tín Tamara Makarova với lời khuyên: “Sang năm, cứ đến! Em biết không, thầy Gerasimov sẽ mở lớp đấy”. Theo hẹn, cô đã thành công ở tất cả các vòng thi. Gần hết năm thứ nhất thì Liên Hiệp Quốc triển khai một dự án lớn mang tên Phong vũ biểu, tập hợp các phim được quay từ nhiều nước cổ súy phong trào phụ nữ đấu tranh cho hòa bình. Đạo diễn Xô Viết Gerasimov được giao làm một phim và đã tin tưởng giao cho cô học trò Kirienko vào vai chính trong tác phẩm Niềm hy vọng kể chuyện cô Nadezhda rủ người yêu bỏ lại tất cả để cùng đi làm việc ở vùng đất khẩn hoang ở Stalingrad. Trong quá trình làm phim này, vị đạo diễn càng có cơ sở để tin chắc: sẽ chọn Kirienko vào vai Natalia Melekhova cho bộ phim ông nung nấu Sông Đông êm đềm - chuyển thể tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Mikhail Sholokhov.

Một vẻ đẹp mặn mà
Một vẻ đẹp mặn mà

Thăng hoa trên màn bạc

Tính hồn nhiên chất phác, cảm xúc mạnh mẽ và đức dâng hiến hết mình của nữ diễn viên trẻ đẹp đã giúp Kirienko tạo được một hình tượng ngời sáng. Nữ nghệ sĩ đã truyền cho nàng Natalia một cảm xúc đầy ắp, một ngọn lửa ngùn ngụt bốc lên đến cao trào kịch tính của người đàn bà quyết không chịu khoan nhượng với thói ngạo mạn và phản bội. Hình như chỉ có ở diễn viên trẻ Kirienko thì nữ nhân vật Natalia của Sholokhov mới có được sức sống dồi dào như thế. Trong muôn tiếng trầm trồ dành cho mình, nữ nghệ sĩ thổ lộ: “Công lớn thuộc về đạo diễn Gerasimov, đó là người thầy đầu tiên, người đỡ đầu sáng tạo chủ chốt của tôi. Thầy đúng là một nghệ sĩ lớn, có cảm giác tinh tế và cách thức mềm mại hun đúc cho chúng tôi những cái gì là “cần phải”, là “có thể”, những cái gì là “không được” để diễn viên trau dồi trong tìm tòi sáng tạo của mình. Thầy dạy cách suy nghĩ tập trung, chính trực, không bị tác động bởi những tâng bốc”.

Danh tiếng do vai Natalia mang lại càng được củng cố ở những vai sau. Tốt nghiệp năm 1958, Kirienko đã có một hành trang kha khá: vai Katerina trong bộ phim về những người xây dựng nhà máy thủy điện Bài ca biển cả (1958, Yulia Soltsev), nữ nghệ sĩ tài năng Aneta trong Chim ác là – kẻ cắp (1958, Naum Trakhtenberg chuyển thể thiên truyện cùng tên của nhà văn, nhà tư tưởng Nga Alexandr Herzen, 1767 - 1846). Nữ nghệ sĩ diễn cho Nhà hát Kịch Moskva rồi chuyển sang Đoàn Kịch Điện ảnh, đồng thời lựa chọn kịch bản để có thể bộc lộ sức sống say mê và bừng khởi trên màn ảnh. Những bộ phim có Kirienko lần lượt ra đời: Số phận một con người (1959, tác phẩm đầu tay của đạo diễn Sergei Bondarchuk, chuyển thể thiên truyện của M. Sholokhov) – vai Irina; Những năm rực lửa (1960, Yulia Soltsev) – vai Maria, Những người Kazak (1961, Vasily Pronin chuyển thể thiên truyện cùng tên của Lev Tolstoy) – vai Mariana… Đến giữa thập niên 1960, Kirienko là nữ diễn viên trẻ nổi tiếng hàng đầu, được hàng triệu người yêu mến, nhưng đột nhiên biến mất…

Sau này, nữ nghệ sĩ cay đắng thổ lộ: “Thật cay đắng và nặng nhọc nhắc lại chuyện đó, đơn giản vì tôi không muốn đi ngược bản chất của chính mình, không thể đổi tình lấy vai diễn”.

Tấc lòng son sắt

Trên trường quay Những người Kazak ở Grozny, khi quay cảnh đông người, có rất nhiều vận động viên thể thao tham gia, Kirienko đã gặp người chồng tương lai Valery Tarasevsky và bị chinh phục bởi thân hình vạm vỡ, khuôn mặt sáng sủa và đôi mắt mở to linh lợi, ấm áp. Vừa hay, khi họ làm lễ cưới và trở về thủ đô thì cô dâu cũng được cơ quan phân cho một căn phòng. Người chồng là chỗ dựa vững chắc để vợ an tâm cống hiến cho nghệ thuật: đảm trách mọi việc trong nhà, yêu vợ hết mực và chăm con hết ý. Họ có với nhau hai người con trai: Timur học ngoại ngữ, phục vụ trong quân đội rồi ra làm kinh doanh, có một trai một gái. Còn Maxim theo nghề kiểm toán, có hai trai một gái. Đến khi được đạo diễn giao cho vai bà công tố viên trong phim Yêu theo kiểu Nga – 2 (1996, Evgeny Matviev), Kirienko tha thiết đề nghị và được chấp nhận đặt tên cho nhân vật mình đóng là Zinaida Georgievna Shyrokova – đó chính là họ tên thật của nữ nghệ sĩ. Đứa con hiếu hạnh đã thực hiện được nguyện vọng, để danh tính người cha đẻ đã mất tích ít ra cũng được một lần vang lên từ màn bạc.

Zinaida Kirienko trong phim Sông Đông êm đềm
Zinaida Kirienko trong phim Sông Đông êm đềm

Những biên độ nghệ thuật

Cho đến 1974, đã có tám năm Kirienko vắng bóng trên màn ảnh, chỉ xuất hiện trên sân khấu, và đạo diễn Matviev đã dỡ bỏ lệnh cấm ban ra bởi vị quan chức không chiếm đoạt nổi Kirienko. Ông mời Kirienko vào vai chính Efrosinia Deriugina cho phim Tình yêu trần thế – chuyển thể tiểu thuyết Số phận của nhà văn Pyotr Proskurin. Tình yêu nồng nhiệt với bí thư huyện ủy của cô em gái một ông chủ tịch nông trang muộn vợ nhưng rồi cũng gặp duyên hồi những năm 1930 được Kirienko diễn đạt rất cảm động. Vai diễn đó đã giúp nữ nghệ sĩ thoát khỏi bế tắc và nhắc công chúng nhớ lại những vai diễn trước đó của mình, đồng thời vẫy gọi nhiều đạo diễn điện ảnh khác. Và ba năm sau, 1977, nữ nghệ sĩ tái hiện trong bộ phim tiếp theo Tình yêu trần thế, phim này lấy lại nhan đề của nguyên bản văn học: Số phận. Chính nhờ vai diễn này mà năm 1979 Kirienko được nhận niềm vui kép: giải thưởng Nhà nước Liên Xô và danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân Liên bang Nga.

Những năm tiếp đó, Kirienko đóng phim tuy không dồn dập nhưng khá thường xuyên: bà mẹ của Shania trong bộ phim phiêu lưu Thuyền trưởng và đại úy (1975, Evgeny Karelov chuyển thể tiểu thuyết cùng tên của Veniamin Kaverin), vai Ramazarova trong bộ phim viễn tưởng ly kỳ Thuốc chữa sợ hãi (1978, Albert Mkrtchian chuyển thể thiên truyện cùng tên của anh em Rainer) và hàng loạt phim khác, thì làn sóng cải tổ cuối thập niên 1980 ào đến…

Đó là giai đoạn làm cho điện ảnh Liên Xô hầu như tan vỡ, phần lớn những nghệ sĩ xuất sắc trở thành người thừa trên đất nước mình, và Kirienko ở ngoài lề điện ảnh. Phải đến năm 1996, lại là đạo diễn Matviev mới kéo lại được Kirienko vào bộ phim tình cảm Yêu theo kiểu Nga – 2, kể về cuộc đấu tranh với mafia Nga. Về già, họa hoằn mới đóng phim, nhưng Zinaida Kirienko vẫn muốn mở rộng biên độ nghệ thuật cho mình. Gần đây nhất, bà vào một vai lạ thường, dẫu là phản diện, nhưng được làm việc với một đạo diễn giỏi, bà vẫn thấy thú vị: trong Thư gửi Elza (2002, Igor Maslennikov). Đó là một nhân vật nữ tham lam ôm đồm vơ vét sống bên một ông chồng đã nghèo kiết xác lại nát rượu – hoàn toàn trái ngược với tính cách của bà trong đời thực.

Nên khi ở tuổi làm bà, nữ nghệ sĩ Zinaida Kirienko vẫn giữ được nhan sắc mặn mà...

    Nổi bật
        Mới nhất
        Son sắt và mặn mà
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO