ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH SƠN LA NHIỆM KỲ 2020 - 2025: THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH, PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG

Sơn La xanh…

- Thứ Hai, 21/09/2020, 06:45 - Chia sẻ
Một cách rõ ràng và nhất quán, tinh thần “phát triển xanh” đã âm thầm chảy trong tư tưởng chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Sơn La suốt nhiệm kỳ vừa qua. Vì vậy, không khó hiểu khi trong tiêu đề dự thảo Báo cáo chính trị trình Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XV nhiệm kỳ 2020 - 2025 có cụm từ "Xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững”…

Tháng 6 vừa rồi, 30 tấn xoài Mai Sơn (Sơn La) lần đầu tiên được xuất sang thị trường Mỹ, Canada, Australia. Chưa đầy nửa tháng sau đó, đến lượt 20 tấn thanh long ruột đỏ do nông dân Mai Sơn trồng hữu cơ lên đường sang Nhật.

Năm nay, Sơn La ước xuất khẩu 7.900 tấn nhãn, thu về 9 triệu USD.
Ảnh: Lâm Hiển

Không nói thì ai cũng biết, đưa trái cây sang những thị trường khó tính như vậy không phải chuyện đơn giản. Ít nhất hàng hóa phải đáp ứng 3 tiêu chuẩn chính: vùng trồng đạt tiêu chuẩn và được cấp mã số vùng trồng; nhà máy đóng gói phải được chuyên gia phía Mỹ cấp mã số; sản phẩm phải được chiếu xạ tại nhà máy được cấp mã số đạt chuẩn. Vậy mà năm 2019, Mai Sơn đã xuất khẩu được hơn 5 nghìn tấn xoài, nhãn, thanh long, chanh leo vào Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc…, thu về 4 triệu USD. Toàn huyện hiện có gần 9.900ha cây ăn quả, trong đó có 3.000ha ứng dụng công nghệ cao, gần 800ha sản xuất hữu cơ, gần 300ha được cấp chứng nhận VietGAP, hơn 1.100ha xây dựng mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Năm ngoái, Mai Sơn có 4 doanh nghiệp, 20 hợp tác xã và 147 hộ gia đình đạt thu nhập trên 300 triệu đồng/ha/năm trở lên. Tổng sản phẩm bình quân đầu người (theo giá hiện hành) ở Mai Sơn ước đạt 39,5 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 15%.

Mai Sơn là một trường hợp điển hình minh chứng cho sự chuyển mình và đi lên đầy ngoạn mục của Sơn La trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa nhằm thực hiện mục tiêu "Xây dựng tỉnh Sơn La sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc" Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đặt ra.

Từ một địa phương mà hễ nghe tên là thấy núi thấy rừng, thấy nghèo thấy khó, Sơn La chỉ trong thời gian ngắn đã xác lập được vị trí vững chắc của mình trên bản đồ sản xuất nông nghiệp hàng hóa của Việt Nam. Về “lượng”, Sơn La hiện có diện tích cây ăn quả lớn thứ hai cả nước với 80.500ha, sản lượng đạt hơn 300.000 tấn. Một số loại nông sản, thủy sản của tỉnh có diện tích, sản lượng lớn nhất trong khu vực Tây Bắc và khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ (quả các loại, bò sữa, bò thịt, sắn, ngô,…). Về “chất”, Sơn La có 147 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, xuất khẩu được 16 mặt hàng nông sản sang 12 nước trong đó có những thị trường “cao cấp” như Australia, Pháp, Mỹ, Nhật… Năm ngoái, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của tỉnh ước đạt 150 triệu USD, trong đó xuất khẩu nông sản mang về 140 triệu USD. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt đến năm 2020 ước đạt 47 triệu đồng/ha, tăng 83% so với năm 2015; giá trị thu nhập bình quân trên 1ha mặt nước nuôi trồng thủy sản 100 triệu đồng/ha, tăng 4% so với năm 2015.

Điều gì đã mang lại cho Sơn La “trái ngọt” này nếu không phải là định hướng chuyển sang nền nông nghiệp chất lượng cao, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao một cách có hiệu quả và bền vững. Nhìn đường đi nước bước của Sơn La trong 5 năm vừa qua có thể thấy tỉnh không phải thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo kiểu thông thường mà rõ ràng đang hướng đến nông nghiệp xanh!

Cũng như vậy trong những lĩnh vực khác như thu hút đầu tư, công nghiệp, du lịch, môi trường… Sơn La đã ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp theo hướng hiện đại, có công nghệ thân thiện với môi trường, đồng thời giảm tỷ trọng công nghiệp khai khoáng nhằm cơ cấu lại ngành công nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Nhiều sản phẩm và loại hình du lịch mới được đưa vào khai thác và có kết quả tích cực, trong đó, ưu tiên những sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La và các tỉnh Tây Bắc. Từ năm ngoái, tất cả các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý, hoàn thành trước 1 năm so với mục tiêu đề ra. Tỷ lệ che phủ rừng đến hết năm 2020 ước đạt 45,5% (tăng 3,2 điểm phần trăm so với năm 2015)…

Một cách rõ ràng và nhất quán, tinh thần phát triển xanh đã âm thầm chảy trong tư tưởng chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ và chính quyền Sơn La suốt nhiệm kỳ vừa qua. Vì vậy không khó hiểu khi tiêu đề của dự thảo Báo cáo chính trị trình Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XV nhiệm kỳ 2020 - 2025 có cụm từ "Xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững". Phần mục tiêu tổng quát nêu rõ hơn về định hướng này. Đó là “kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường”. Đó là “phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và du lịch”. Đó là “thúc đẩy tăng trưởng xanh; xây dựng tỉnh Sơn La phát triển nhanh và bền vững”. Đó là đưa Sơn La “trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc”… Cùng với đó, dự thảo Báo cáo chính trị đã xác định 3 khâu đột phá, 9 nhiệm vụ trọng tâm và 7 nhóm giải pháp để thực thi hiệu quả Nghị quyết của Đại hội.

Như chia sẻ của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Đông, “xây dựng Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững" không chỉ là nét mới trong quá trình tổng kết thực tiễn mà còn là mục tiêu, định hướng bảo đảm tỉnh sẽ phát triển bền vững, thân thiện với môi trường trong giai đoạn tới. Đây cũng là đường đi tất yếu đưa Sơn La tới sự giàu có, thịnh vượng. Và, những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã đặt nền móng vững chắc cho hành trình này.

Bài liên quan:
Vy Hương