Sơn La trái ngọt đầu mùa
Với điều kiện thuận lợi hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn cùng 2 cao nguyên nổi tiếng (Mộc Châu và Nà Sản), Sơn La đã và đang phát triển nền nông nghiệp đa dạng với nhiều sản phẩm chất lượng cao, mang tính đặc thù. Nhiều sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu. Sơn La đang bước những bước tiếp theo để khẳng định thương hiệu nông sản chất lượng cao của địa phương.
Từ cách nghĩ, cách làm mới
“Xuất khẩu nông sản những tháng đầu năm 2018 của tỉnh Sơn La hơn cả sự mong đợi. Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Ngoài ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, tỉnh còn đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Công tác xuất khẩu của tỉnh thời gian qua có nhiều tiến bộ rõ rệt, thể hiện ở tính chuyên nghiệp, ý thức và vai trò của cán bộ lãnh đạo, hợp tác xã và nông dân”. Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Văn Chất |
Năm 2017, lần đầu tiên Sơn La phối hợp với Trung tâm chiếu xạ Hà Nội (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) thực hiện chiếu xạ 3,5 tấn xoài tượng da xanh xuất khẩu vào thị trường Australia. Từ bước đi ban đầu ấy, trong 8 tháng năm 2018, Sơn La đã xuất khẩu nhiều loại sản phẩm nông sản khác, như cà phê, nhãn, xoài, bơ, thanh long, chanh leo, rau quả, với sản lượng gần 50.000 tấn, giá trị đạt trên 83 triệu USD. Dự báo trong những năm tới, tỉnh có 12 loại sản phẩm nông nghiệp chủ lực tham gia vào thị trường nội địa và xuất khẩu, mang lại nguồn lợi lớn cho dân. Một sự chuyển động mới tích cực từ sản xuất đến tiêu thụ, đặc biệt là sự thay đổi trong nhận thức của người dân về sản xuất hàng hóa, làm thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp.
![]() |
Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La Hoàng Văn Chất, có được kết quả như ngày hôm nay, Sơn La đã có những bước đi bài bản, vững chắc để khẳng định và giữ vững thương hiệu nông sản, vốn là thế mạnh của địa phương. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra giải pháp ứng dụng công nghệ cao, tạo bước đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết phát triển cây ăn quả trên đất dốc. Sơn La đã triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đi kèm. Nhờ đó, hàng chục nghìn hecta lúa nương, ngô năng suất thấp đã được nông dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả phù hợp vùng địa lý, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Điều đáng nói, cùng với các quyết sách đúng đắn là sự tâm huyết, nỗ lực cố gắng của toàn hệ thống chính trị. Trong 3 năm gần đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La tập trung quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tỉnh tổ chức nhiều đoàn công tác đi học hỏi kinh nghiệm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở các địa phương có thế mạnh như: Lâm Đồng, Quảng Ninh, Thanh Hóa. Cùng với đó, Sơn La đã ký kết hợp tác, mở rộng mối quan hệ với TP Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tập đoàn lớn nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. “Riêng năm 2017, tại Hội nghị thu hút đầu tư tổ chức tại huyện Mộc Châu, Sơn La đã trao giấy phép quyết định đầu tư cho 17 dự án lớn, với tổng mức đầu tư lên tới hơn 14.900 tỷ đồng. Phát biểu tại Hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương Sơn La có bước đi, cách làm mới, đẩy mạnh phát triển KT - XH. Đặc biệt, sự chuyển mình đáng ghi nhận trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, tạo làn sóng hấp dẫn các nhà đầu tư vào nông nghiệp. Đến nay, nhiều nhà đầu tư bước đầu có sự thành công tại Sơn La như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn TH, Mường Thanh, Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam...” - Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Văn Chất chia sẻ.
Hiện, Sơn La đang tiến hành xây dựng 6 nhà máy chế biến hoa quả, rau xuất khẩu. Cùng với đó, tỉnh đã mời Viện nghiên cứu khoa học, Trung tâm Giống cây trồng Trung ương tham vấn về sản xuất nông nghiệp, tạo sự khác biệt cho các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao. Chính sự tâm huyết, nỗ lực đó đã giúp tỉnh hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, với 17.600ha cà phê, 4.500ha chè, 7.000ha rau, hoa, 1.200ha cây dược liệu. Đặc biệt, Sơn La đã hình thành vùng cây ăn quả có diện tích 42.700ha. Dự kiến đến năm 2020, diện tích cây ăn quả sẽ đạt 100.000ha, sản lượng 80.000 tấn, đem lại nguồn thu lớn cho tỉnh.
![]() Ngày hội na Mai Sơn, tỉnh Sơn La - Ảnh: Đức Tuấn |
Đến câu chuyện “nông sản cất cánh”
Với những bước đi, cách làm sáng tạo và nhiệt huyết, câu chuyện nông sản của Sơn La cất cánh là tất yếu. Phó Giám đốc Sở Công thương Lê Quang Trung tâm sự: Cuộc họp đầu tiên triển khai nhiệm vụ năm 2018 là hội nghị chuyên đề bàn về công tác xuất khẩu. Tỉnh đã tổ chức cuộc gặp mặt với 600 hộ nông dân sản xuất tiêu biểu có thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên. Động thái đó là “cú hích”, quyết tâm chính trị nhằm thay đổi nhận thức và tổ chức sản xuất đối với nông dân Sơn La. “Trong năm 2018, Sơn La dự kiến tổ chức 9 chương trình, sự kiện lớn nhằm quảng bá, giới thiệu, thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay, Sơn La đã tổ chức 6 sự kiện. Đáng chú ý, hoạt động xúc tiến thương mại tại Bằng Tường (Trung Quốc) đã ký kết hợp đồng bán 1.400 tấn nhãn, 2.100 tấn xoài. Mọi người vẫn nói vui Sơn La bây giờ đã biết đi chợ. Trước kia Sơn La đóng cửa, loanh quanh trong nhà thì nay đã đi chợ xa, bước chân vào sân chơi quốc tế” - Phó Giám đốc Lê Quang Trung cho biết.
Nhờ sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở, hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp ở Sơn La phát triển mạnh. Sau 8 tháng Sơn La đã có 11 sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường Australia, Mỹ, Dubai, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc… Ngoài sản phẩm cà phê đã xuất khẩu từ nhiều năm thì quả xoài đã được tổ chức sản xuất, thu mua, xuất khẩu với khối lượng lớn. Đáng chú ý, giống xoài Đài Loan GL3, GL4, xoài Thái được tỉnh hỗ trợ mắt ghép phát triển nhanh ở xã Chiềng Hắc, Sập Vạt, Tú Nang (Yên Châu), Mường Bú, Tạ Bú (Mường La). Xoài ghép quả to, thơm, ngon, đều nặng từ 1,2 - 1,5 kg/quả. Kết thúc vụ xoài năm 2018 Sơn La đã xuất khẩu vào thị trường Australia 9,8 tấn, Dubai 33 tấn, Nhật 50 tấn, Trung Quốc 2.100 tấn. Bình quân 1ha xoài cho thu nhập từ 150 triệu đồng đến 300 triệu đồng. Nhiều gia đình trước kia trồng ngô chỉ thu 10 - 15 triệu đồng/ha thì nay với cây xoài đã cho thu nhập gấp 10 lần, mang lại niềm vui lớn cho nông dân Sơn La.
Cùng với xoài, năm nay nông dân Sơn La bội thu nhãn. Với diện tích đạt 11.700ha, sản lượng khoảng 62.000 tấn Sơn La đang dẫn đầu cả nước về diện tích, sản lượng nhãn. Trong đó, Sông Mã là nơi có diện tích tập trung hơn 6.000ha, với 34.000 hộ trồng nhãn, 34 HTX trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2017, sản phẩm nhãn Sông Mã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận thương hiệu: “Nhãn Sông Mã”. Nhãn đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện, nhiều hộ trồng nhãn có thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Nhãn Sông Mã được xuất sang các thị trường Trung Quốc, Dubai, với số lượng khoảng 6.500 tấn, trị giá 7,3 triệu USD.
Ngoài sản phẩm xoài và nhãn, Sơn La tiếp tục đa dạng hóa các mặt hàng nông sản tham gia xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Quốc, Nhật Bản, EU gồm: 27.500 tấn cà phê, 500 tấn chanh leo, 2.200 tấn chuối, 25.000 tấn tinh bột sắn, 50 tấn thanh long ruột đỏ, 700 tấn rau quả… Dự kiến, hết năm 2018 Sơn La sẽ xuất khẩu nông sản đạt trên 100 triệu USD.