Nhiều trở ngại
Theo Bộ Công Thương, năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử nước ta sớm vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023 và chiếm tỷ trọng khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử, kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng hai con số vững chắc, thuộc nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Dự báo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho thấy, giai đoạn 2024 - 2030, thương mại điện tử duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trên 20% và đạt quy mô khoảng 90 tỷ USD vào năm 2030.
Trong bối cảnh phát triển xanh, bền vững là xu thế tất yếu, thương mại điện tử xanh đang là đòi hỏi bức thiết hiện nay. Trong báo cáo tóm tắt "Bộ tiêu chí thương mại điện tử xanh - ECGI" công bố mới đây, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam (WWF Việt Nam) định nghĩa thương mại điện tử xanh là hoạt động kinh doanh trực tuyến hướng tới giảm chất thải, khí nhà kính, tiêu thụ năng lượng, tắc nghẽn giao thông và tiếng ồn, đồng thời khuyến khích sự tham gia có trách nhiệm với môi trường trong toàn bộ quá trình kinh doanh từ sản xuất, cung ứng hàng hóa tới người tiêu dùng và thu gom, tái chế, tái sử dụng. Mô hình này sẽ giúp giảm chất thải nhờ việc sử dụng bao bì thân thiện môi trường phù hợp với quy định pháp luật; giảm phát thải khí nhà kính thông qua áp dụng các mô hình sản xuất và vận chuyển thân thiện hơn với môi trường; bảo vệ hệ sinh thái do sử dụng ít hơn các chất độc hại, năng lượng, bao bì.
Thực tế cho thấy, thương mại điện tử có quan hệ mật thiết với kinh tế số, dịch vụ logistics và bưu chính, chuyển phát, đồng thời liên kết sâu rộng tới nhiều lĩnh vực sản xuất và công nghệ. Do vậy, sự phát triển thương mại điện tử xanh phụ thuộc vào các chính sách và pháp luật vĩ mô cũng như chuyên ngành.
Xét về tổng thể, WWF Việt Nam nhìn nhận, hệ thống chính sách vĩ mô đối với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường ở Việt Nam thuận lợi cho hoạt động triển khai thương mại điện tử xanh. Việt Nam cam kết mạnh mẽ đối với Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia triển khai chương trình này, đồng thời đã ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 đều nhấn mạnh tới xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo vệ môi trường. Luật Bảo vệ môi trường 2020 cùng các nghị định và quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã tạo ra hệ thống chính sách, pháp luật khá đồng bộ và cụ thể về bảo vệ môi trường cùng các lĩnh vực cụ thể như giảm phát thải khí nhà kính, giảm bao bì và chất thải nhựa, đặc biệt là chất thải nhựa đại dương…
Dù vậy, các chính sách liên quan trực tiếp tới phát triển thương mại điện tử vẫn chưa gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường. Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đều chưa lồng ghép yêu cầu bảo vệ môi trường, đặc biệt là các yêu cầu về giảm sử dụng, tái sử dụng và tái chế bao bì, vật liệu nhựa trong hoạt động thương mại điện tử và dịch vụ chuyển phát nhanh.
Đối với các văn bản pháp luật liên quan tới thương mại điện tử bao gồm Luật Thương mại, Luật Bưu chính, Nghị định về thương mại điện tử, Nghị định về kinh doanh dịch vụ logistics hầu như chưa có các quy định về bảo vệ môi trường, mà chỉ chủ yếu giới hạn ở việc cấm kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện…
Nên áp dụng theo 4 giai đoạn
Theo các chuyên gia, xu hướng chung hiện nay là người tiêu dùng không chỉ quan tâm tới các yếu tố như chất lượng, giá cả của hàng hóa mà còn quan tâm tới việc hàng hóa được sản xuất và lưu thông có thân thiện với môi trường hay không. Trong lĩnh vực thương mại điện tử, người tiêu dùng càng ngày càng mong muốn giảm dần lượng bao bì, vật liệu nhựa.
Dẫn thực tế, WWF Việt Nam cho biết, những bộ tiêu chí về môi trường và thương mại điện tử được xây dựng và triển khai tốt sẽ mang lại hiệu quả tích cực cho cả lĩnh vực cũng như từng đối tượng áp dụng bộ tiêu chí; đồng thời giúp các bên liên quan dễ dàng đánh giá, nhận diện doanh nghiệp hoặc thương hiệu thân thiện với môi trường. Do vậy, việc nhanh chóng xây dựng và quảng bá rộng rãi bộ tiêu chí hướng dẫn đánh giá và nhận diện các doanh nghiệp thương mại điện tử xanh, mô hình thương mại điện tử bền vững, không bao bì nhựa khó phân hủy là cần thiết, qua đó sẽ hỗ trợ thương mại điện tử phát triển bền vững.
Nhóm nghiên cứu của WWF Việt Nam đề xuất ECGI có 6 nhóm tiêu chí với 19 chỉ tiêu thành phần. Cụ thể, nhóm tiêu chí 1: cam kết triển khai thương mại điện tử xanh theo mô hình bền vững; nhóm tiêu chí 2: hàng hóa; nhóm tiêu chí 3: dịch vụ hoàn tất đơn hàng; nhóm tiêu chí 4: hỗ trợ người tiêu dùng tham gia bảo vệ môi trường; nhóm tiêu chí 5: cam kết xanh hóa các hoạt động nội bộ; nhóm tiêu chí 6: nghiên cứu và triển khai các hoạt động thúc đẩy thương mại điện tử xanh theo mô hình bền vững.
Theo đó, doanh nghiệp có thể triển khai theo 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ thực hiện tiêu chí 1 và 2 (yêu cầu lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra cam kết công khai về bảo vệ môi trường và không kinh doanh hàng hóa bị pháp luật cấm). Giai đoạn 2 triển khai nhóm tiêu chí 3 (yêu cầu doanh nghiệp phải thay đổi toàn diện hoạt động đóng gói, quản lý chuỗi cung ứng và giao hàng chặng cuối). Giai đoạn 3 triển khai nhóm tiêu chí 4 và 5 (yêu cầu doanh nghiệp hỗ trợ người tiêu dùng đồng hành trong việc bảo vệ môi trường, đồng thời chủ động triển khai bảo vệ môi trường trong hoạt động nội bộ). Giai đoạn 4 triển khai nhóm tiêu chí 6, đòi hỏi nhận thức và nguồn lực triển khai cao nhất.
Nhấn mạnh triển khai bộ tiêu chí là một quá trình và đòi hỏi chi phí cũng như nguồn lực nhất định, các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp cần căn cứ vào thực tiễn kinh doanh, nguồn lực… để chọn phương án hợp lý.