Trưởng phòng Phòng Truyền thông chính sách, PBGDPL, Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp Tô Thị Thu Hà cho biết, mô hình “Điểm hỗ trợ pháp luật cộng đồng miễn phí” là mô hình phổ biến giáo dục pháp luật do Cục PBGDPL phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu trách nhiệm xã hội nghiên cứu, xây dựng. Mô hình nhằm mục đích nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL tại cơ sở, chú trọng các đối tượng đặc thù, yếu thế theo quy định của pháp luật và huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác PBGDPL, tăng cường quan hệ phối hợp trong triển khai công tác này.
Để xây dựng kế hoạch triển khai mô hình “Điểm hỗ trợ pháp luật cộng đồng miễn phí” có chiều sâu, phù hợp với thực tiễn, Cục PBGDPL tổ chức Toạ đàm nhằm lấy ý kiến của các tổ chức liên quan và sẽ nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo kế hoạch trong thời gian tới.
Theo đó, các hoạt động chính của Điểm hỗ trợ pháp luật cộng đồng miễn phí là tư vấn, cung cấp thông tin pháp luật cho cộng đồng dân cư; tư vấn các thủ tục pháp lý cho các nhóm dân cư yếu thế, dễ tổn thương trong xã hội; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động PBGDPL cho cộng đồng dân cư; tổ chức các hoạt động phổ biến, bồi dưỡng, tập huấn về kiến thức pháp luật, nghiệp vụ PBGDPL; xây dựng, phát hành các tài liệu/công cụ truyền thông, PBGDPL (tờ rơi, tờ gấp, sổ tay, sách, video tiểu phẩm pháp luật...).
Các đại biểu tại tọa đàm đánh giá “Điểm hỗ trợ pháp luật cộng đồng miễn phí” là một mô hình mới, sáng tạo và sẽ phát huy được ý nghĩa trong công tác PBGDPL tại cơ sở, thực hiện chủ trương huy động các nguồn lực của xã hội trong việc thực hiện công tác PBGDPL.
Phát biểu về vấn đề chủ thể thực hiện PBGDPL của mô hình này, Phó giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Cà Mau Ngô Đức Bính có ý kiến đề nghị bổ sung đội ngũ trợ giúp viên pháp lý vào các chủ thể thực hiện PBGDPL của mô hình nhằm hỗ trợ tối đa cho các đối tượng yếu thế có nhu cầu hỗ trợ pháp lý.
Luật sư Trần Dân Quốc từ Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau cho rằng, các chủ thể thực hiện PBGDPL của mô hình này phải là các luật gia, luật sư, báo cáo viên pháp luật có kiến thức pháp luật tổt và có kỹ năng tư vấn pháp luật.
Đại diện một số tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh như Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn Cà Mau có ý kiến mô hình cần có sự phối hợp giữa đội ngũ luật sư, luật gia có kiến thức pháp luật với đội ngũ hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn các tỉnh/thành phố thực hiện thí điểm nhằm tạo nên một đội ngũ cộng tác viên đi sâu, đi sát đến từng xã, phường, thị trấn.
Về vấn đề cơ chế vận hành của mô hình, nhiều đại biểu đặt ra câu hỏi về cách thức tiếp nhận thông tin cũng như nhu cầu hỗ trợ pháp luật của người dân. Đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Cà Mau có ý kiến, hiện tại dự thảo kế hoạch đang chú trọng vào một số biện pháp tiếp nhận thông tin về nhu cầu hỗ trợ của người dân qua đường dây nóng, fanpage, website, điều này là hết sức hoan nghênh trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay.
Tuy nhiên, có một số đối tượng người cao tuổi, người dân ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn khó tiếp xúc với công nghệ thông tin thì các hình thức tiếp nhận thông tin nhu cầu của người dân như nêu trên là không hợp lý mà cần xây dựng đội ngũ công tác viên “chân rết” đến từng làng, bản, xóm, thôn.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau Phạm Thị Ngọc đánh giá cao tính tích cực của mô hình trong việc huy động nguồn lực xã hội trong công tác PBGDPL. Cùng với đó, tỉnh Cà Mau cũng sẵn sàng trở thành một trong các địa phương triển khai thực hiện thí điểm mô hình trên thực tế.
Kết luận toạ đàm, bà Tô Thị Thu Hà bày tỏ sự vui mừng khi địa phương sẵn sàng phối hợp triển khai thực hiện mô hình. Đồng thời, khẳng định dựa trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Cục PBGDPL sẽ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện dự thảo kế hoạch.